Dòng chảy vốn 05/05/2015 10:37

Năm 2018, xe ô tô có thực sự rẻ?

FICA - Trước thông tin thuế nhập về 0% vào năm 2018 đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN, nhiều kỳ vọng giá xe trong nước sẽ giảm, cơ hội mua và sở hữu xe con của người Việt rộng mở hơn.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, cơ hội khiến giá xe giảm là rất ít vì các khoản phí và lệ phí hiện còn ở mức cao và dự đoán sẽ còn tăng thêm.

 

 

Xe nội áp đảo thị trường, giá gần bằng xe nhập

 

Theo thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) năm 2014, lượng ô tô con tiêu thụ trong nước đạt 100.440 xe, trong đó, xe nhập khẩu là hơn 31.000 xe, còn chủ yếu là xe lắp ráp và sản xuất trong nước tiêu thụ hơn 69.000 xe . Như vậy dòng xe sản xuất và lắp ráp trong nước vẫn làm chủ thị trường.

 

Tháng 11/2014, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư  165/2014/TT-BTC, lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô, xe máy từ các nước ASEAN từ 50% năm 2015, xuống còn 40% năm 2016, 30% năm 2017 và 0% năm 2018.

 

Theo chủ một cửa hàng kinh doanh xe ô tô tại Mỹ Đình (Hà Nội), mặc dù làm chủ thị trường, lại không phải chịu thuế nhập khẩu nhưng xe nội vẫn có mức giá rất “chát” so với xe nhập. Anh này dẫn chứng, trong cùng dòng xe 7 chỗ, nhưng Toyota Inova J (hộp số sàn) nội địa hóa 40%, được sản xuất tại Việt Nam, không phải chịu thuế nhập khẩu có mức giá rẻ nhất là 669 triệu đồng trong khi Suzuki Ertiga nhập khẩu nguyên chiếc từ Ấn Độ, hộp số tự động, chịu thuế nhập khẩu hiện hành là 68% có mức giá bán 599 triệu đồng. Xe nhập dù gánh thuế nặng nhưng vẫn rẻ hơn 70 triệu đồng so với xe sản xuất trong nước.

 

Còn theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, năm 2014, dù xe nhập tăng mạnh song chủ yếu là nhập xe tải lớn, bán tải, xe tải nhỏ còn xe ô con chỉ tăng so với hai năm gần đây 2013 và 2012, so với hai năm 2011 và 2010, xe ô tô con nhập khẩu vào Việt Nam còn giảm hơn 3.000 xe. 

 

Cụ thể, năm 2014, xe dưới 9 chỗ nhập về là 31.566 xe, năm 2013 là 15.400 xe, 2012 là 13.600 xe. Nhưng năm 2011, xe 9 chỗ nhập về Việt Nam đạt 34.800 xe, 2010 là 35.000 chiếc.

 

Theo các chuyên gia, lý do thị trường xe nhập biến động thất thường là chính sách thuế, phí của Việt Nam và thị trường ô tô đang được điều tiết rất mạnh bởi chính sách của các cơ quan Nhà nước. Điển hình như năm 2010, 2011, thuế trước bạ đăng ký xe ở Hà Nội, TP HCM và các thành phố trung ương còn lại chỉ kịch trần là 15%, nhưng năm 2012, 2013 phí trước bạ các địa phương trên tăng lên 20%, tăng 5% so với trước.

 

Ngoài ra cũng trong năm này, phí lưu hành xe, phí bảo trì đường bộ được ban hành nên người tiêu dùng sợ tăng chi phí không dám mua xe như trước giảm cả lượng xe nhập lẫn xe tiêu thụ trong nước. Từ năm 2014, nhập khẩu ô tô con tăng trở lại do thuế nhập khẩu giảm xuống 50% thay vì 60% như năm 2013, đồng thời chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn được giữ nguyên 60% đối với các dòng xe nhập có dung tích xi lanh trên 3.0L so với đề xuất tăng lên từ 70 – 195% của Bộ Công Thương.

 

Vì vậy, giá xe và thị trường xe sắp tới  được nhận định sẽ phụ thuộc rất lớn vào chính sách thuế và phí của Nhà nước.

 

Tăng phí chống giảm giá xe?

 

Kỳ vọng giảm giá xe trong nước hiện chỉ trông chờ vào thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) giảm. Tuy nhiên, luật này mới được Quốc hội ban hành tháng 10/2014, có hiệu lực trong 3 năm bắt đầu từ năm 2016. Vì vậy, theo quy định phải đến hến hết 2019, luật Thuế TTĐB mới được xem xét  điều chỉnh.

Hiện với dòng xe từ 2.0L trở xuống có mức thuế TTĐB là 45%, ở mức này, giả sử với xe ô tô rẻ nhất có giá 500 triệu đồng, người tiêu dùng phải trả thêm hơn 225 triệu, giá xe đội lên 725 triệu đồng.

 

Theo các chuyên gia, cam kết Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chỉ quy định phải cắt  bỏ thuế nhập khẩu, còn các loại thế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ vẫn do các nước tự ban hành. Đây là cơ sở để các nước gia tăng bảo hộ, các mức thuế này cao hay thấp đều không hề vi phạm các cam kết.

 

Vì thế, theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Rất khó để các dòng thuế TTĐB này hạ bởi chủ nhìn vào chủ chương hạn chế xe cá nhân của Chính phủ cũng như các tỉnh thành phố đông dân. Thêm vào đó, chính sách thuế TTĐB là công cụ tôt để bù khoản hụt thu do giảm thuế nhập khẩu về 0%, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước năm 2015 được dự đoán sẽ trống do phải trả nợ.

 

Ngoài thuế TTĐB cố định, người sở hữu ô tô tại thành phố lớn còn phải chịu phí trước bạ cao từ năm 2011. Theo đó, 20% phí trước bạ đối với xe đăng ký ở HN, TPHCM 3 thành phố trực thuộc trung ương. Còn lại các tỉnh là 10%. Ngoài ra, họ còn phải cõng nhiều loại phí thường niên khác như phí lưu hành đường bộ đối với ô tô tối thiểu là 20 triệu/năm, tối đa 50 triệu/năm, phí bảo trì đường bộ 2,9 triệu – 3,9 triệu/năm khiến nhiều người tiêu dùng phải suy nghĩ lại về ý định mua xe..

 

Khác với thuế TTĐB 3 năm được xem xét điều chỉnh 1 lần, mức phí lưu hành đường bộ, phí bảo trì, phí đường cao tốc, thuế xăng dầu… là những loại chi phí thường niên được điều theo từng thời điểm.

 

Ngoài phí, phụ phí chung áp dụng trên toàn quốc, các địa phương nhất là những thành phố đông dân như Hà Nội, TP HCM cũng ban hành thêm nhiều chính sách hạn chế xe, tăng thu khi sở hữu xe hơi. Đầu năm 2015, Sở GTVT thành phố HCM có đề xuất UBND TP HCM giải pháp hạn chế xe cá nhân, trong đó có yêu cầu phải chứng minh người sở hữu xe phải có chỗ đỗ xe, người kinh doanh xe ô tô con phải nộp khoản tiền để được cấp hạn ngạch kinh doanh ô tô. Thành phố còn đề xuất sử dụng các chế tài như thuế xăng dầu, lệ phí đường, phí đỗ xe để giảm bớt đi lại bằng ô tô cá nhân…

 

Như vậy, chỉ giảm thuế nhập khẩu trong khi giữ nguyên hoặc tăng thêm các loại thuế và phí khác, thì  giấc mơ người tiêu dùng Việt được mua xe rẻ vào năm 2018 chưa biết thế nào mà lần.

 

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *