Dòng chảy vốn 06/12/2013 20:46

Năm 2014: Kinh tế vẫn ở trong thời kỳ trì trệ

Dự báo về triển vọng kinh tế năm 2014, TS. Trần Du Lịch đã có một cuộc trao đổi về vấn đề này.

 

Năm 2014 là năm áp chót của kế hoạch 5 năm 2011-2015. Sự phát triển và ổn định kinh tế của năm 2014 đóng vai trò quan trọng không chỉ trong kế hoạch 5 năm mà còn đặt bước đệm quan trọng cho nền kinh tế chuyển mình sang một giai đoạn mới, hội nhập sâu với thế giới cùng nhiều hiệp định, hiệp ước quốc tế, nhất là sau một chặng đường 5 năm kinh tế Việt Nam vượt qua thử thách của khủng hoảng.

Ông nhận định như thế nào về triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2014?

Trong Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua, nhìn vào các chỉ số phát triển kinh tế của năm 2014 có thể thấy Quốc hội đặt ra một số chỉ tiêu quan trọng nhỉnh hơn năm 2013 một chút, ví dụ như GDP là 5,8%, tốc độ tăng giá khoảng 7%.

Với tốc độ tăng trưởng như vậy có thể thấy không có kỳ vọng nào về một sự khởi sắc của nền kinh tế như tăng tổng cầu, tăng sức mua, tăng đầu tư hay tăng khả năng hấp thu của nền kinh tế… Mục tiêu của năm 2014 cũng như năm 2015 là tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, những điểm mà ta kỳ vọng như ở trên trong năm tới vẫn là những điểm nghẽn của nền kinh tế, vẫn là những điểm cần xử lý trong năm 2014.

Nói một cách nôm na là trong năm 2014 chúng ta vẫn ở trong thời kỳ trì trệ khi kinh tế vẫn “lằng nhằng” ở dưới 6%.

Do đó, với những chính sách hỗ trợ thị trường mà Chính phủ đang áp dụng và sẽ tiếp tục được thực hiện như các biện pháp thực hiện Nghị quyết 02, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng đối với bất động sản nên được tính toán lại để đạt được hiệu quả cao hơn trong thực tế, góp phần “làm ấm” thị trường.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần xử lý vấn đề vốn đối với một số DN có thị trường, có năng lực nhưng chỉ thiếu vốn, giúp DN có khả năng quay lại thương trường. Muốn hỗ trợ DN tái cơ cấu cũng cần tính toán giảm lãi suất cho vay trung hạn bởi hiện nay mức lãi suất này vẫn còn cao…

Những vấn đề như vậy làm sao phải giải quyết được trong năm 2014 để chuẩn bị cho nền kinh tế bắt đầu khởi sắc vào năm 2015 và tôi kỳ vọng là từ năm 2016 trở đi là giai đoạn mà chúng ta giữ được thành quả ổn định nền kinh tế vĩ mô và lấy lại niềm tin thị trường.

doanh nghiệp

DN muốn ngân hàng giảm lãi suất cho vay trung hạn để ổn định sản xuất, kinh doanh. Ảnh: ST

Ông có dự báo gì về hoạt động của DN trong năm tới không, thưa ông?

Thuận lợi nhất cho DN trong thời gian tới là dự báo về một sự ổn định kinh tế vĩ mô, là một chính sách hướng đến ổn định lạm phát, tỷ giá, lãi suất, những điều đó tạo niềm tin cho DN và trong điều kiện năm 2014 những yếu tố này được duy trì ổn định sẽ giúp nhiều DN tính toán mở rộng thị trường.

Thực tế, tôi cũng biết nhiều DN đang có kế hoạch mở rộng thị trường, mở rộng đầu tư, hiện nay mặc dù kinh tế khó khăn nhưng kim ngạch XK của cả nước vẫn tăng, DN làm ăn bài bản vẫn có thị trường, đặc biệt là khối DN có vốn đầu tư nước ngoài vẫn giải ngân cao, do đó có tác động tới thị trường trong nước.

Vậy trong năm 2014 ngành nghề nào sẽ có khả năng dẫn dắt thị trường, thưa ông?

Kinh tế Việt Nam vẫn chưa có ngành nào đạt điều kiện và tiêu chuẩn để dẫn dắt thị trường nhưng những thế mạnh của Việt Nam như XK da giày, chế biến nông thực phẩm, lắp ráp điện tử… vẫn có thị trường và khá phát triển. Cái mà Việt Nam cần hướng tới là có chính sách thúc đẩy để tăng tỷ lệ nội địa hóa bởi trên đường hội nhập, đặc biệt là gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa là một điều kiện tiên quyết.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo An Tư

Báo Hải quan

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *