Dòng chảy vốn 01/07/2015 15:40

Muốn có điện cạnh tranh, cần “cắt bớt quyền” của EVN!

FICA - “Sẽ không có thị trường cạnh tranh nếu EVN ôm hết cả vai trò là nhà sản xuất (doanh nghiệp) và vai trò điều tiết, phân phối, bán lẻ (quản lý nhà nước)”.

Ts Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định tại Hội thảo Xây dựng thể chế thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam vừa được Viện này phối hợp với các cơ quan điều hành điện lực của Đức và Australia tổ chức sáng nay 1/7.

 

Thị trường bán điện cạnh tranh đã được thực hiện thí điểm từ năm 2015, nhưng đánh giá bước đầu cho thấy còn cần nhiều cải cách và đột phá

 

Theo ông Cung: “Chừng nào chúng ta chưa giải quyết được mâu thuẫn lợi ích trong điều hành quản lý điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan thì chừng ấy chúng ta chưa thể có được thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, chưa thể thu hút được DN tham gia đầu tư và cung ứng điện”.

 

Còn theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện CIEM thì: cần nhanh “tách” các cơ quan điều tiết điện lực ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công Thương, xây dựng cơ quan điều tiết điện lực độc lập thì ngành điện mới thực hiên giám sát nghiêm túc và cải cách dễ dàng được”.

 

Trở lại với vấn đề phát triển điện cạnh tranh, theo chỉ đạo của Chính phủ, thị trường điện cạnh tranh được thực hiện từ tháng 7/2012, đến nay đã đi được 3 năm. Dù có kết quả song chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp, người tiêu dùng và thị trường. Lộ trình phát triển thị trường điện Việt Nam được hình thành theo 3 cấp độ. Phát điện cạnh tranh (2005-2014), bán buôn cạnh tranh (2015-2022) và bán lẻ cạnh tranh (sau 2022). Hiện Việt Nam ở bước cuối cùng của thị trường phát điện cạnh tranh và sắp sang giai đoạn bán buôn cạnh tranh.

 

Năm 2015 sẽ đánh dấu bước phát triển mới của thị trường điện cạnh tranh, đó là triển khai giai đoạn 2 - thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Để  thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam (VCGM) trở thành một “sân chơi” thực sự sôi động, cạnh tranh, thu hút tất cả các nhà máy điện trực tiếp tham gia thì phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Hiện tham gia VCGM đã có hơn 50 đơn vị, chiếm gần 43% công suất toàn hệ thống điện. Tiềm năng của điện tái tạo của Việt Nam như điện mặt trời, điện gió là rất lớn nhưng do giá thành bán buôn thấp, chi phí đầu tư cao, cải thiện thị trường điện cạnh tranh chậm chạp khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà.

 

Theo đánh giá của CIEM, tỷ lệ trên là chưa cao và tăng chậm sẽ làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong vận hành thị trường điện. Việc mở rộng đối tượng tham gia VCGM đối với các nhà máy điện còn lúng túng...  Làm thế nào để gia tăng hiệu quả VCGM, tạo động lực cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh thí điểm thành công trong năm 2015 là câu hỏi đặt ra cho tất cả các bên liên quan cùng các đơn vị tham gia, trong đó có EVN.

 

Theo Ts Cung, vướng mắc lớn nhất để phát triển thị trường điện cạnh tranh hiện nay chính là nút thắt về cơ chế, thể chế và mâu thuẫn lợi ích khó giải quyết. Ngành điện đang đóng hai vai, nhà sản xuất, kinh doanh và trực tiếp phân phối. Sự độc quyền đã được thuyên giảm do lộ trình đặt ra nhưng vấn đề gốc rễ vẫn còn rất nặng nề.

 

“Trung Quốc rất thành công khi phát triển thị trường điện cạnh tranh, họ xây dựng cơ chế ba ủy ban điều phối, điều tiết và giám sát độc lập để quản lý điện từ nhà sản xuất, thu mua, phân phối. Dù sau này họ không thu hút được nữa do mức độ ưu đãi ngày càng giảm, nhưng hiệu quả của chính sách này giúp Trung Quốc có đủ điện năng đáp ứng cho giai đoạn phát triển và tăng trưởng GDP cực nóng trên 12% của Trung Quốc. Chính sách điện năng đã đóng góp rất lớn duy trì sự vươn lên của nền kinh tế Trung Quốc và ngày nay họ vẫn duy trì được điều này” ông Cung nhấn mạnh.

 

Theo chuyên gia năng lượng đến từ Đức, ông Rainer Brohm thì: “Việt Nam có rất nhiều điều kiện và tiềm năng phát triển điện năng tái tạo ở quy mô nhỏ và vừa. Dải miền Trung rất thuận tiện cho phát triển năng lượng mặt trời, trong khi đó Đồng bằng Sông Cửu Long lại thuận lợi phát triển năng lượng gió…

 

Kinh nghiệm ở Đức, rất nhiều hộ sản xuất nhỏ duy trì các máy phát điện công xuất đủ đáp ứng các nông – trang trại của họ. Khi họ thừa điện năng (năng lượng gió, pin mặt trời hay năng lượng sinh học) họ lại bán cho cơ quan điều tiết điện lực của Đức. Cơ quan này mua điện và phân phối ra thị trường. Các nhà quản lý của Việt Nam, cụ thể là EVN thấy trở ngại khi quản lý và điều tiết an ninh năng lượng quốc gia từ hàng trăm nhà máy, điều đó là có nhưng ở các quốc gia khác họ cũng gặp phải và họ đã giải quyết được”.

 

Theo Ts Doanh: “Bộ Công thương chưa bao giờ từ chối nâng giá điện của EVN. Chúng ta phải cải cách thể chế, ngành điện muốn có thị trường cạnh tranh thì cần có cơ quan giám sát độc lập, tác chức năng chủ sở hữu của các nhà máy điện ra khỏi Bộ Công thương. Bộ Công Thương chỉ làm quản lý nhà nước thôi, chức năng giám sát điện lực nên giao cơ quan khác. Cơ quan đó trực thuộc Quốc hội, Chính phủ, đó là mô hình tương tự như một số nền kinh tế thị trường khác.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *