Dòng chảy vốn 29/07/2014 17:45

Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

FICA - Chiều ngày 29/7/2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã có thông cáo báo chí về việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Moody’s nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam

Cụ thể, mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ được tăng lên 1 bậc, từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là Ổn định.

Đồng thời, mức trần tín nhiệm đối với trái phiếu dài hạn phát hành bằng đồng ngoại tệ của Việt nam được nâng từ mức B1 lên mức Ba2, mức trần tín nhiệm đối với tiền gửi ngoại tệ dài hạn được nâng từ mức B3 lên mức B2.

Moody’s đưa ra các lý do giải thích cho việc nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam là do kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định kể từ năm 2012, đặc biệt là chỉ số giá cả, tăng trưởng kinh tế mặc dù có chậm lại so với hai thập kỷ qua nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong cùng nhóm xếp hạng.

Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm xuất khẩu tăng trưởng mạnh góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

Bậc tín nhiệm của Việt Nam được nâng còn nhờ việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao đã giúp cải thiện cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại của Việt Nam.

Cùng với kim ngạch nhập khẩu có mức tăng trưởng thấp hơn đã giúp cho cán cân vãng lai chuyển từ thâm hụt sang thặng dư đáng kể, góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất là 35,9 tỷ USD vào cuối tháng 4/2014 và duy trì ổn định tỷ giá;

Ngoài ra, còn có nhân tố tích cực từ hoạt động của khu vực ngân hàng đã dần dần ổn định, làm hạn chế nguy cơ rủi ro đối với ngân sách của Chính phủ.

Mức triển vọng xếp hạng tín nhiệm được đánh giá là Ổn định, thể hiện Moody’s nhận định kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì ổn định và điều này sẽ là yếu tốt tích cực đối với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia.

Moody’s cho rằng sẽ xem xét tiếp tục nâng bậc xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam trong trường hợp Việt Nam có sự cải thiện mạnh mẽ về tình trạng tài chính của hệ thống ngân hàng và DNNN, điều này đồng nghĩa với việc giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách của Chính phủ./.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *