Dòng chảy vốn 24/03/2014 09:25

Mỗi người dân Việt Nam "gánh" 18,6 triệu đồng nợ công

FICA - Tính đến sáng nay (24/3), nợ công trên đầu người của Việt Nam đã ở mức 886,59 USD. Nợ công cả nước đã tăng 11,2% so với năm 2013 và chiếm 48% GDP.

Chỉ báo đồng hồ nợ công Việt Nam.
 
Tại thời điểm 8 giờ 50 phút ngày 24/3/2014, đồng hồ nợ công của thế giới đã chỉ sang con số 52.952.094.651.278 USD (92.952,1 tỷ USD).
 
Riêng tại Việt Nam, nợ công ở mức 80.092.622.951 USD, và với dân số 90.525.901 người, hiện tại, mỗi người dân Việt Nam đang gánh 886,59 USD nợ công. Tuy nhiên, nợ công Việt Nam theo đồng hồ nợ công thế giới vẫn mới chỉ chiếm tới 48% GDP. So với năm 2013, nợ công Việt Nam đã tăng 11,2%.
 
Theo số liệu công bố của Bộ Tài chính, tại 31/12/2012, tỷ lệ nợ công là 57,3% GDP.
 
Hồi đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 với yêu cầu đảm bảo giữ bội chi 2014 không quá 5,3% GDP và kiểm soát các khoản vay không có bảo lãnh của Chính phủ.
 
Trước tình hình ngân sách khó khăn, Chính phủ phải phát hành thêm trái phiếu bổ sung và vay vốn nước ngoài (ưu đãi ngày càng giảm), Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phải có giải pháp quản lý nợ công, sử dụng hiệu quả vốn vay để đảm bảo nợ công trong giới hạn an toàn (dưới 65% GDP).
 
Với những số liệu chính thức, nợ công Việt Nam chưa tới mức báo động nguy hiểm. Tuy nhiên, rủi ro nợ công luôn thường trực. Tại nghị trường Quốc hội tháng 11/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, "Với mức bội chi ngân sách 224.000 tỷ đồng năm 2014 và phát hành thêm 170.000 tỷ trái phiếu Chính phủ thì nợ công 3 năm tới vẫn không quá 65%, tuy nhiên áp lực trả nợ là rất lớn".
 
Góp phần tham luận tại một hội thảo khoa học cuối năm ngoái, TS Phạm Thế Anh (đồng tác giả cuốn ) đã cảnh báo, rủi ro tiềm tàng lớn nhất đối với nợ công Việt Nam có lẽ không phải ở những khoản nợ được ghi nhận trên sổ sách. Theo đó, những khoản nợ xấu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà rất có thể sẽ phải dùng ngân sách nhà nước để trả mới chính là mầm mống đe doạ tính bền vững của nợ công Việt Nam.
 
TS Phạm Thế Anh tính toán, tổng nợ của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tính đến cuối năm 2012 đã lên gần 1,55 triệu tỉ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP.
 
Nếu loại trừ phần có thể đã được Chính phủ bảo lãnh (5,17% GDP trong nợ công nước ngoài và 6,5% GDP trong nợ công trong nước) thì vẫn còn tới khoảng 40,9% GDP nợ của DNNN không được chính phủ bảo lãnh.
 
Do vậy, nếu cộng cả con số nợ của DNNN không được Chính phủ bảo lãnh này cùng với nợ đọng trong xây dựng cơ bản vào con số công bố chính thức thì nợ công Việt Nam hiện nay sẽ lên tới xấp xỉ 98,2% GDP, vượt xa so với ngưỡng an toàn (65% GDP) được khuyến cáo phổ biến bởi các tổ chức quốc tế.
 
Bích Diệp
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *