Dòng chảy vốn 11/01/2014 11:44

Mỗi năm mất thêm 100 triệu USD do thủ tục thông quan chậm trễ

FICA - Ngành vận tải cạnh tranh hơn và dịch vụ kho vận hiệu quả hơn sẽ tạo chuyển biến tích cực lên năng suất và năng lực cạnh tranh, theo báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới.

Theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank), nhiều nguồn tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua – bao gồm sự chuyển dịch hoạt động kinh tế sang ngành chế tạo có năng suất cao hơn và lực lượng lao động tăng lên – đang dần cạn kiệt và cần được thay thế với những nguồn tăng trướng năng suất mới.

Bên cạnh đó, việc đối mặt với rủi ro của biến đối khí hậu – như nước biển dâng và các diễn biến thời tiết khó lường – đều cho thấy Việt Nam cần con đường tăng trưởng ít carbon hơn. World Bank cho tin rằng giao thông và kho vận hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý cả 2 thách thức này.

Theo báo cáo của World Bank, dịch vụ kho vận Việt Nam đắt hơn so với các nước cùng nhóm trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia, và Thái Lan. Ước tính các công ty vận tải biển Việt Nam mỗi năm mất thêm 100 triệu USD do thủ tục thông quan chậm trễ dẫn đến hàng bị lưu kho lâu hơn; con số này dự tính sẽ tăng lên 180 triệu USD vào năm 2020. Có nhiều yếu tố làm tăng chi phí như qui định rườm rà, áp dụng không nhất quán, mất cân đối cung – cầu về hạ tầng cơ sở...

Tuy nhiên, những nhược điểm này hoàn toàn có thể khắc phục nếu chính phủ tiến hành một số biện pháp như giảm thiểu các qui trình hải quan dựa trên giấy tờ, thông quan kỹ thuật xuất, nhập khẩu và xây dựng “hành lang kho vận đa phương thức” để đảm bảo cơ sở hạ tầng phù hợp cho việc vận chuyển hàng container bằng xe tải và xà-lan ít bị chậm trễ vì thủ tục nhất. Các biện pháp khác gồm có mở cửa thị trường dịch vụ kho vận và tạo cân đối cung – cầu bền vững hơn trong ngành vận tải đường bộ.

World Bank cũng cho rằng một ngành dịch vụ kho vận hiệu quả hơn sẽ giúp các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước sản xuất hàng xuất khẩu với chi phí trên bộ thấp hơn các nước khác. Tăng cường ngành kho vận cũng phù hợp với tầm nhìn dài hạn về tăng trưởng dựa trên xuất khẩu của Việt Nam.

"Tăng cường đầu tư vào hai ngành này sẽ mang lại lợi ích kinh tế rất lớn vì qua đó sẽ tận dụng được lợi thế qui mô tải trọng tàu. Đầu tư vào ngành vận tải đường thủy không chỉ đáp ứng đòi hỏi cân đối cung – cầu, vì các loại xà-lan kích cỡ lớn hơn, ngoài giảm chi phí còn xả ít chất gây ô nhiễm và khí nhà kính hơn. Đây là một lợi ích đáng kể, nhất là khi Việt Nam chịu nhiều rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra", báo cáo của World Bank nêu rõ.

Theo đó, World Bank đề xuất một loạt khuyến nghị nhằm khai thác tiềm năng ngành vận tải đường thủy, bao gồm nâng cao công suất tuyến Vĩnh Long – TPHCM,trong đó có kênh Chợ Gạo là tuyến yếu nhất hiện đang gây hiệu ứng nút cổ chai trong toàn tuyến. Đầu tư vào tuyến hành lang phía bắc từ Quảng Ninh đi Việt Trì vàxây dựng cảng phục vụ vận tải ven biển tại Hải Phòng cũng hứa hẹn mức độ khả thi kinh tế cao. Báo cáo cũng đề xuất thành lập Quỹ Bảo Trì Đường Thủy nhằm đảm bảo vốn phục vụ công tác bảo dưỡng các tuyến quan trọng trong mạng lưới vận tải đường sông quốc gia được tốt hơn.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *