Dòng chảy vốn 28/01/2015 08:06

Mối lo EVN...phá sản: Đừng chỉ so giá điện với thế giới

Theo các chuyên gia, EVN là đơn vị độc quyền và cho đến nay, việc giám sát độc quyền ở Việt Nam gần như không có.

EVN lỗ vì đâu?

Bên lề cuộc gặp báo chí ngày 26/1, sau khi trích dẫn khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) về giá điện ở Việt Nam, đại diện Bộ Công thương khẳng định, nếu không tăng giá điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ phá sản. Trước đó, EVN đã đề xuất với Bộ Công thương bổ sung các chi phí đầu vào như tăng giá khí, giá than, tăng thuế tài nguyên nước, phí môi trường rừng… vào giá điện năm 2015.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài Chính) cho rằng, EVN đang lỗ hơn 16.800 tỷ đồng nên buộc phải đề nghị tăng giá.

"Những chi phí EVN lý giải phần lớn là những phí tổn do bản thân tập đoàn này làm chứ không phải do người tiêu dùng gây ra và trong quá trình hạch toán đã tính vào giá điện. Trong Quyết định 24, giá điện có thể được điều chỉnh 3 tháng một lần, tức có thể tăng hoặc giảm, tuy nhiên, EVN lại luôn luôn tăng.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế vi mô tương đối ổn định, từ tỷ giá đến mặt bằng giá, các yếu tố khác như thuỷ điện thì ổn định, giá dầu và khí giảm, than chỉ tăng giá một chút, vậy mà EVN đưa ra các lý do đó là không thuyết phục và các cơ quan chức năng phải vào cuộc kiểm tra cụ thể. Những lý do của EVN có chăng chỉ là nguỵ biện để có lợi cho họ mà thôi, trong khi năng suất lao động của tập đoàn bị đánh giá là thấp, tổn thất điện năng lớn", ông Long chỉ rõ.

Theo Bộ Công thương, nếu không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản
Theo Bộ Công thương, nếu không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản. Ảnh: Tuổi trẻ

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả cũng thẳng thắn, thực ra vài năm nay EVN đã lãi từ điện nhưng đây là đơn vị độc quyền và điều Việt Nam đang thiếu chính là những cơ quan định giá độc lập, định ra giá điện cụ thể. 

"Ở các nước đều có các tổ chức như thế, còn ở Việt Nam chưa có. Cục Quản lý giá của Bộ Tài chính chưa kiểm tra giá thành của EVN mà chủ yếu là nghe báo cáo, EVN nói thế nào thì nghe thế ấy. Phải có lực lượng kiểm toán hùng hậu, nghiệp vụ sâu, kiểm toán hàng tháng trời mới có thể kiểm tra toàn bộ kết quả báo cáo tài chính, qua đó mới biết được giá thành, lỗ lãi... thế nào. Đó là chưa kể khả năng có sự móc nối giữa cơ quan chức năng với các doanh nghiệp độc quyền ở Việt Nam" - vị chuyên gia chỉ thẳng.

Về phát biểu mới đây của đại diện Bộ Công thương, ông Long phân tích: "Đừng đưa lý do so sánh giá điện Việt Nam với các nước trong khu vực rồi bảo phải tăng giá. Tại sao không so với Mỹ đi? Ngành điện mỗi nước tuỳ thuộc vào nguồn điện.

Ở Việt Nam, thuỷ điện chiếm gần 40% và giá tương đối thấp; giá khí và dầu thì đang giảm; giá  than điều chỉnh một chút thì kêu ầm lên, EVN không chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Lãnh đạo Bộ cũng phải xem xét lại vấn đề này chứ không thể phát ngôn theo báo cáo của EVN".

Vị chuyên gia bày tỏ sự băn khoăn khi  nhớ chỉ đạo chính xác của Thủ tướng đối với EVN mới đây. Theo đó, tập đoàn này phải rà soát để giảm mạnh giá thành, trong đó có vấn đề hao hụt điện năng và tăng năng suất lao động. Ông đặt vấn đề: "EVN đã thực hiện chỉ đạo tới đâu trước khi đặt vấn đề tăng giá".

Giám sát độc lập việc tăng giá điện

Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, EVN là đơn vị độc quyền và cho đến nay, việc giám sát độc quyền ở Việt Nam gần như không có. 

"Cục Quản lý cạnh tranh nằm trong Bộ Công thương, trong khi đó Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN vừa được điều về làm Thứ trưởng Bộ này. Bởi vậy, e rằng Cục Quản lý cạnh tranh khó có thể giám sát được ông thứ trưởng, đặc biệt, công cụ pháp lý trong Luật cạnh tranh về kiểm soát độc quyền của Việt Nam hiện còn rất sơ sài", ông Doanh nói.

Cũng theo nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, các tính toán của các tổ chức quốc tế về giá điện ở Việt Nam là dựa vào các con số đầu vào trước kia, trong khi 6 tháng gần đây, giá dầu giảm nhiều. Nếu tăng giá điện theo các tính toán cũ này là chưa hợp lý, nhất là khi thu nhập của người dân còn thấp. Bởi vậy, cần phải xem xét lại lộ trình và các mức nâng giá để phù hợp với thay đổi của đầu vào và chỉ đạo giảm mạnh giá thành của Thủ tướng đối với EVN. Ngoài ra, việc tăng giá này cần có sự giám sát độc lập và Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam có thể làm công việc này.

Đề cập đến chính sách tiết kiệm điện, TS Lê Đăng Doanh tỏ ra không đồng tình với ý kiến của đại diện Bộ Công thương khi cho rằng người thu nhập thấp phải có trách nhiệm dùng ít điện.

"Tôi cho rằng người giàu mới cần phải tiết kiệm điện hơn người nghèo, bởi người nghèo đương nhiên đã phải thắt lưng buộc bụng, trong đó việc dùng điện của họ đươn nhiên ít hơn nhiều so với người giàu".

Trong khi đó, ông Ngô Trí Long gay gắt cho rằng đại diện Bộ đang không tôn trọng người nghèo. "Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ giá điện dành cho người thu nhập thấp, người nghèo. Người giàu cũng phải tiết kiện điện. Thử hỏi tại sao lương của mấy vị quan chức mười mấy triệu nhưng vẫn có nhà lầu, xe hơi? Đó đều là ở tiền thuế của dân. Do đó, nói vậy là không tôn trọng người nghèo".

Theo Thành Luân

Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *