Dòng chảy vốn 17/11/2013 08:40

Màu của niềm tin

Sức khỏe của nền kinh tế đang cần được nhìn nhận đúng thực chất và được cụ thể hóa bằng giải pháp thích đáng mới tránh được vòng xoáy bất ổn vĩ mô mới.

 

“Lúc này, niềm tin là điều quan trọng và chúng ta cần phải xây dựng niềm tin để vươn tới. Đấy là một điều rất quan trọng. Chúng ta không tô hồng cũng không bôi đen”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nói với giọng da diết. Ông đang cố thuyết phục các đại biểu Quốc hội là kinh tế đang trên đà phục hồi, nhất là khi Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ nghi ngờ về điều này: “Nghe báo cáo của Chính phủ thấy màu hồng, nhưng nghe báo cáo của Ủy ban Tài chính – Ngân sách thấy màu xám, còn nhân dân thì nói là màu tối”.

Một điều hiển nhiên, cứ khi nào niềm tin được động viên hay kêu gọi thì hơn lúc nào hết, nó đã trở nên mong manh nhất.

Từ những chiếc ví lép…

Vào tháng 9, ngay trước kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã làm một việc bất đắc dĩ khi quay trở lại quê nhà Đà Nẵng: ghi vài chữ xin việc cho một cử nhân. Người hàm ơn ông Thanh, cử nhân Phan Thị Trang Nhung, đã là người may mắn có được việc làm đúng chuyên môn sau khi phải trải qua đủ công việc như công nhân, bảo vệ và dạy thêm vì không thể xin đúng việc.

Nhưng không ít cử nhân như cô ở khắp Việt Nam đã không được số phận mỉm cười như vậy. Ngay tại Đà Nẵng, chỉ tính riêng Công ty Điện tử Poster có tới 1.000 trên tổng số 16.000 công nhân là cử nhân. Có người giữ 2 bằng đại học, có gia đình cả hai vợ chồng đều là cử nhân đang làm công nhân để mưu sinh. “Con số công nhân có bằng đại học công khai đăng ký trong hồ sơ nhân sự cả hàng ngàn người”, Giám đốc nhân sự Lê Duy Lương nói. Câu chuyện ở Đà Nẵng không chỉ là cá biệt. Nó đã lan ra toàn quốc khi mà những thanh niên đầy nhiệt huyết đã không thể tìm được việc làm do suy giảm kinh tế triền miên.

Khỏi phải nói, đời sống công nhân đã trở nên khó khăn như thế nào. “Hàng ngày, tiêu chuẩn mỗi người chỉ 20.000 đồng tiền ăn. Thú thật, đến những loại sữa bột rẻ tiền cũng chẳng mua được cho các cháu uống nói gì đến quần áo mới. Mình lớn thì sao cũng được, nhưng nghĩ đến con lại thấy xót lòng”, chị Nguyễn Thị Nga, công nhân ở Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) kể.

Những câu chuyện trên đây không phải là cá biệt, khi có rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngày càng trở nên suy kiệt. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận, có tới 66% trong tổng số khoảng 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh bị lỗ trong năm 2013. Dù tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ năm nay đã giảm so với tỷ lệ 69% hồi năm ngoái, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn phải thừa nhận, đó vẫn là tỷ lệ “quá lớn”.

Tình trạng của nền kinh tế thể hiện rõ nhất qua sức khỏe của các doanh nghiệp. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, chỉ trong 9 tháng đầu năm có tới 42.000 doanh nghiệp giải thể. Con số này là 54.000 năm 2012, 53.000 năm 2011 và 43.000 năm 2010, như là hệ quả của vòng xoáy bất ổn vĩ mô khởi đầu từ cuối năm 2007. Nhưng vấn đề chưa phải đã hết. Ngay cả những doanh nghiệp còn tồn tại cũng đã phải giảm quy mô sản xuất. Nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Chi Lan nói: “Điều đáng lo ngại là số doanh nghiệp còn hoạt động phải giảm mạnh công suất tới 30-50%”.

Viện trưởng Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tính toán, trong giai đoạn từ 2011 – 2013, có khoảng 150.000 doanh nghiệp đóng cửa và 450.000 doanh nghiệp đang hoạt động giảm ít nhất 30% công suất, tức tương đương 150.000 doanh nghiệp đóng cửa. Với ước tính mỗi doanh nghiệp có 20 lao động, như các chỉ số của VCCI đưa ra, thì có tới 6 triệu người mất việc làm. Kỷ lục lạm phát của Việt Nam đã vượt qua tất cả các quốc gia trong khu vực. Mức lạm phát của Việt Nam lên tới hơn 18% năm 2011 và 6,8% năm 2012, cao hơn nhiều so với mức trung bình khoảng 3% của các nước như: Trung Quốc, Indonesia, Philippines và Thái Lan. Quốc gia có lạm phát cao nhất trong hai năm qua là Indonesia, song mức lạm phát của họ cũng chỉ 3,8-5%, thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Những con số trên cho thấy, mức sống của phần lớn người dân Việt Nam đã giảm mạnh như thế nào.

… cho tới ngân sách thâm thủng

Bằng thời điểm này năm ngoái, Ngân hàng Thế giới đã tổ chức một cuộc họp kín với sự có mặt của nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Họ chỉ đặt ra một câu hỏi duy nhất để thảo luận: “Kinh tế Việt Nam có sụp đổ trong vòng 12 – 24 tháng tới”. Dù câu trả lời của tất cả mọi người là không và nền kinh tế chỉ loanh quanh thế này, nhưng việc nhà tài trợ đa phương hàng đầu đặt ra câu hỏi đó cho thấy, quốc tế đã lo ngại về tình hình kinh tế của Việt Nam đến mức nào!

Một năm sau, tình hình thực tế diễn ra đúng như đã được dự báo. Kinh tế vẫn tăng trưởng loanh quanh, lãi suất đã về mức của năm 2006. Song, có những điều xấu đi không thể phủ nhận được. Bộ trưởng Vinh đã đọc tờ trình Chính phủ xin Quốc hội cho phép phát hành bổ sung 170.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 – 2016. Còn Bộ trưởng Tài chính mới nhậm chức Đinh Tiến Dũng cũng đề nghị Quốc hội nâng trần bội chi ngân sách lên mức 5,3% GDP, từ mức 4,8% GDP từng được thông qua. Mức chênh lệch này tương đương với khoảng 20.000 tỉ đồng. Lý do cơ bản nhất, theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2013, thu ngân sách dự kiến sẽ giảm gần 64.000 tỉ đồng so với dự toán.

Những con số nâng trần bội chi và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ nhằm giúp vực nền kinh tế suy kiệt và duy trì bộ máy nhà nước. Nhưng liệu một vòng xoáy bất ổn vĩ mô mới có hình thành từ đó hay không là điều không thể không lưu tâm.

Đến nay thì cả nhà nước và người dân đều lâm vào cảnh khó. Song những vấn đề nền tảng dẫn đến yếu kém của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết như sở hữu đất đai, doanh nghiệp nhà nước. Chương trình tái cơ cấu kinh tế với ba lĩnh vực là ngân hàng, đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước vẫn bị ca thán là không có tiến triển sau hơn 2 năm thực hiện. Một khi nguồn lực kinh tế bị phân bổ lệch lạc, cạnh tranh không công bằng vẫn còn ngự trị, thì mong ước “bằng Nhật Bản, bằng Hàn Quốc”, như Bộ trưởng Vinh khao khát một cách rất chính đáng, chắc chắn còn ngoài tầm với.

Ngân sách thâm hụt

Bộ Tài chính đề nghị Quốc hội nâng trần bội chi lên mức 5,3% GDP, từ mức 4,8% GDP đã từng được thông qua. Mức chênh lệch này tương đương với khoảng 20.000 tỉ đồng. Lý do cơ bản nhất, theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2013 thu ngân sách dự kiến sẽ giảm gần 64.000 tỉ đồng so với dự toán.


Theo Tư Giang

DDDN

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *