Dòng chảy vốn 17/03/2015 14:26

Luật vừa thông qua đã xin sửa: “Tưởng nhầm, hóa không phải!”

“Tôi tưởng các đồng chí nhầm, hóa ra không phải!”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa nói, khi góp ý về chương trình xây dựng luật được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 16/3.

Nhiều vị khác cũng ngạc nhiên khi Chính phủ đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân Việt Nam và Luật Nhà ở vào chương trình xây dựng luật 2015.

Đây là dự án một luật sửa 5 luật, nhưng 3/5 luật này gồm Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân Việt Nam và Luật Nhà ở thì vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 11/2014), đến nay còn chưa có hiệu lực thi hành.

Xin rút, xin lùi, xin hoãn, xin bổ sung, đều đã khá quen thuộc mỗi khi các chương trình xây dựng luật được đặt lên bàn nghị sự. Nhưng việc xin sửa ba dự án luật còn chưa có hiệu lực thì là điều khá lạ.

Lý do của đề nghị này, theo thuyết minh của Chính phủ, là để thực hiện kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Theo đó, với Luật sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, chỉ bổ sung điều 16 về đối tượng được phong quân hàm sĩ quan tại ngũ đối với  sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Luật Công an Nhân dân chỉ bổ sung điều 21 về đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân đối với  sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Còn Luật Nhà ở cũng chỉ sửa đổi, bổ sung một điều 34 về quyền và nghĩa vụ của người thuê nhà công vụ đối với sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, với các quy định của pháp luật hiện hành vẫn hoàn toàn có thể thực hiện được kết luận 86 của Bộ Chính trị.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cũng nhấn mạnh là luật hiện hành đã có đủ chính sách để ưu tiên, thu hút tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

"Luật Nhà ở vừa làm xong thì sửa gì? Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Công an nhân dân Việt Nam còn chưa có hiệu lực", Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói.

Trong khi đó, theo Chủ tịch, có những luật cực kỳ quan trọng như Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, tại sao lại không làm? Hay như luật đơn vị hành chính đặc biệt thì Hiến pháp mở ra rồi, thì Bộ Chính trị cũng có nghị quyết chọn ba nơi tổ chức mô hình này rồi, mà cứ "đưa vào rồi lại đưa ra".

Đưa vào rồi lại rút ra nhiều nhất, phải kể đến dự án Luật Biểu tình. 

Tại kỳ họp Quốc hội thứ 7, nhiều vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất đã có thể cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi dự án luật này đã được Quốc hội quyết định cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015) và thông qua vào tháng kỳ họp thứ 10 (cuối năm 2015).

Bởi liên tiếp nhiều phiên thảo luận về các chương trình xây dựng luật đều có ý kiến nhấn mạnh biểu tình là quyền cơ bản của công dân mang tính phổ quát của nhân loại và đã được quy định tại Hiến pháp của Việt Nam từ năm 1946 đến nay.

Thế nhưng, sắp qua 13 khóa, Quốc hội vẫn “nợ” nhân dân, theo cách nói của nhiều vị đại biểu Quốc hội.

"Quốc hội khóa 13 sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được nhân dân Luật Biểu tình, mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện”, đại biểu Lê Nam đã từng phát biểu như thế trước nghị trường.

Nhưng, nếu theo đề nghị của Chính phủ, thì vinh dự này sẽ thuộc về Quốc hội khóa 14.

Vì đã được lùi quá nhiều và "nợ" dân quá lâu nên Luật Biểu tình không dễ được chấp nhận lùi nhiều đến vậy. "Miễn cưỡng" đưa ra khỏi chương trình kỳ họp thứ 9 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới đây, song Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu phải trình vào kỳ họp thứ 10 để có thể thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ 11, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2016.

Theo Nguyên Thảo

VnEconomy

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *