Quốc tế 24/01/2014 07:29

Thân nhân quan chức Trung Quốc giấu tài sản ở “thiên đường thuế”

FICA - Theo Liên hiệp Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) ở Washington, thân nhân của giới quan chức Trung Quốc đã lợi dụng nhiều công ty bí mật ở nước ngoài để che giấu tài sản và trốn thuế ở các “thiên đường thuế”.


“Thiên đường thuế” là những quốc gia hay vùng lãnh thổ đánh thuế suất (đối với một số loại thuế) ở mức cực thấp hoặc bằng 0. Ngoài mức thuế suất gần như bằng 0, các “thiên đường thuế” còn tạo ra môi trường kinh tế và chính trị cực kì ổn định cho các công ty. Các “thiên đường thuế” có hệ thống luật pháp được thiết kế với chủ định giúp các công ty đa quốc gia trốn tránh nghĩa vụ thuế tại nước mình.

Các tài liệu do ICIJ thu thập và phân tích chứa thông tin của gần 22 nghìn khách hàng nước ngoài đến từ Hồng Kông và Trung Quốc, trên 16 nghìn người đến từ Đài Loan, và phần còn lại là đến từ các nước khác trên thế giới. Theo ước tính, khối tài sản từ 1 nghìn tỷ USD đến 4 nghìn tỷ USD đã bị tuồn ra khỏi Trung Quốc từ năm 2000.

Hồ sơ lưu trữ của ICIJ có tiết lộ thông tin chi tiết về một công ty bất động sản ở quần đảo British Virgin do ông Đặng Gia Huy, một triệu phú bất động sản và là em rể của Chủ tịch Tập Cận Bình, bán sở hữu.

Minxin Pei, một nhà khoa học chính trị tại trường đại học Claremont McKenna ở California, cho biết, khối tài sản của giới nhà giàu Trung Quốc, gồm cả những tài sản bí mật ở nước ngoài, có thể là những tài sản hợp pháp, nhưng thường vẫn có liên quan đến xung đột về lợi ích và việc lợi dụng chức quyền trong Chính phủ. Thiếu minh bạch tài sản là một trong những vấn nạn còn tồn tại ở Trung Quốc.

Lo ngại tình trạng tham nhũng nghiêm trọng có thể hạ bệ Đảng Cộng sản, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành chiến dịch chống tham nhũng sâu rộng trong Chính phủ. Năm 2004, ông Tập Cận Bình đã nhắc nhở các quan chức Trung Quốc hạn chế việc lợi dụng chức quyền vào các mục đích cá nhân.
 
Các thông tin của ICIJ cũng đưa ra những thông tin về số cổ phiếu ở nước ngoài của Ôn Vân Tùng, con trai của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Năm 2006, với sự hỗ trợ của văn phòng Credit Suisse (CS) ở Hong Kong, Ôn Vân Tùng đã thành lập công ty Trend Gold Consultants ở quần đảo British Virgin trong khi cha của ông đang giữ chức Thủ tướng. ICIJ cho biết, công ty này dường như đã bị giải thể vào năm 2008.

Theo điều tra của ICIJ, thân nhân của các quan chức cấp cao đã về hưu, trong đó có cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, cựu Thủ tướng Lý Bằng, và nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, cũng đã mua cổ phần ở nước ngoài. Như vậy, thân nhân của ít nhất năm thành viên đương nhiệm hoặc nghỉ hưu của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan lãnh đạo đứng đầu của Trung Quốc, đã thành lập các công ty tại quần đảo British Virgin.

 ICIJ cho biết, ngoài Credit Suisse, tập đoàn kiểm toán PricewaterhouseCoopers cũng đã giúp các khách hàng Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan sát nhập hơn 400 công ty nước ngoài. Tương tự, tập đoàn UBS (UBS) cũng đã giúp hơn 1.000 khách hàng của 3 quốc gia này. Các ngân hàng phương Tây và công ty kế toán toán đóng vai trò môi giới tí́ch cực cho các khách hàng Trung Quốc để thiết lập uy tín và công ty ở các “thiên đường thuế” như British Virgin, Samoa và nhiều nơi khác.

Cũng theo các tài liệu của ICIJ, có ít nhất 15 người giàu nhất Trung Quốc đang nắm giữ cổ phiếu ở nước ngoài, bao gồm Ma Huateng, người sáng lập công ty Internet Tencent, các thành viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc, và người đứng đầu của các doanh nghiệp quốc doanh tham gia vào các vụ bê bối tham nhũng.

Các dữ liệu cho thấy sự phụ thuộc quá mức của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào 1 hòn đảo nhỏ cách xa ngàn dặm. Khi Trung Quốc chuyển từ chế độ cộng sản sang chế độ xã hội chủ nghĩa / tư bản lai, quốc gia này đã trở thành thị trường hàng đầu của các “thiên đường thuế” để rao bán bí mật, trốn thuế và thỏa thuận các thương vụ quốc tế.


Nguyễn Dung
Theo Business Week

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *