Dòng chảy vốn 16/12/2013 15:11

Loại bỏ hoàn toàn 236 doanh nghiệp thuộc Vinashin cũ trong 3-4 năm tới

FICA - Về xử lý nợ, giai đoạn tái cơ cấu đợt 1 đã giải quyết xấp xỉ 15.000 tỷ đồng nợ trong nước, với nợ nước ngoài, SBIC và Ngân hàng Nhà nước cũng đã làm việc với các đối tác nước ngoài trên cơ sở Chính phủ đồng ý cho phát hành trái phiếu hoán đổi nợ trong vòng 10 năm.

Tại Chương trình Người dân và Chính phủ phát sóng mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường đã trao đổi về những vấn đề liên quan tới hoạt động kinh doanh, trả nợ và giải quyết công ăn việc làm cho người lao động của Tổng công ty Tàu thủy Việt Nam (SBIC) sau 2 tháng chuyển đổi từ mô hình Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) trước đây.

 
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường.

Thưa Thứ trưởng, xin Thứ trưởng cho biết điểm mấu chốt trong mô hình của SBIC mới được thành lập và liên quan gì đến chiến lược phát triển ngành công nghiệp tàu thủy của Việt Nam?

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam theo hướng chấm dứt mô hình hoạt động tập đoàn và trở lại với mô hình tổng công ty, ngày 21/10/2013, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định 3287 về thành lập Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC).

Theo đó, SBIC là tổng công ty mẹ bao gồm 8 công ty con. Công ty mẹ do Nhà nước sở hữu 100% vốn và có trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ quyền hợp pháp cũng như nghĩa vụ đối với Vinashin trước đây - cả về công ăn việc làm, tài chính và lao động.

8 công ty con là những công ty có những thế mạnh về lao động, công nghệ thiết bị, rải đều trên các vùng biển của Việt Nam để có thể sửa chữa, đóng mới hệ thống tàu biển của cả nước. Các công ty này có thể đóng mới tàu biển từ 5.000 đến 70.000 tấn, có thể sửa chữa tàu biển đến 200.000 tấn vào các cảng biển Việt Nam. Khi thực hiện mô hình này, chúng tôi cũng đã giao Tổng công ty chỉ đạo các công ty con sớm bắt nhịp với hoạt động sửa chữa, đóng mới tàu biển.

Sau tái cơ cấu, các đơn vị của SBIC đã thực hiện tương đối đồng bộ, các đơn hàng đóng mới tàu biển từ trong nước và quốc tế hiện nay đã khá nhiều. Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm, giá trị sản lượng tăng lên 15-20%.

Vậy đối với 236 công ty thuộc Vinashin trước đây thuộc diện không giữ lại, hướng giải quyết sẽ như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Trong 236 doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, có phân ra hai loại: Thứ nhất là 70 doanh nghiệp hiện nay đang còn vốn của Nhà nước, khả năng hoạt động còn tốt sẽ được tiến hành cổ phần hóa và tiếp tục tạo điều kiện về vốn cũng như nguồn nhân lực để có thể tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp tàu thủy.

Còn lại 166 doanh nghiệp, căn cứ vào tình hình phát triển, Bộ đang chỉ đạo SBIC thực hiện các giải pháp bán, cho thuê, giải thể trên cơ sở, làm thế nào để các doanh nghiệp đó có thể chuyển đổi hình thức và không ảnh hưởng đến hoạt động của bản thân doanh nghiệp đó, đồng thời không ảnh hưởng đến công ăn việc làm của người lao động.

Để thực hiện điều này, Chính phủ cũng đã đồng ý lấy nguồn từ Quỹ sắp xếp đổi mới doanh nghiệp TW để hỗ trợ cho SBIC nhằm tái cơ cấu 236 doanh nghiệp này một cách sớm nhất.

Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về tiến độ xử lý các doanh nghiệp này trong thời gian tới?

Về tiến độ, đối với nhóm 70 doanh nghiệp tiến hành tái cơ cấu theo hướng cổ phần hóa, chúng tôi sẽ làm dứt điểm trong 2 năm 2014-2015. Còn với 166 doanh nghiệp, hiện nay cũng đã bắt đầu thực hiện, cố gắng trong vòng từ 3-4 năm tới sẽ xử lý xong toàn bộ. Lúc đó chúng ta sẽ có thêm một nguồn vốn để phục vụ cho việc tái cơ cấu SBIC.

Tổng công ty mới sẽ chịu trách nhiệm trả nợ cho Vinashin trước đây. Vậy phương hướng trả các món nợ trong và ngoài nước trong thời gian tới và lộ trình như thế nào thưa Thứ trưởng?

Số nợ của Vinashin là khá lớn, nợ trong nước lên tới xấp xỉ 30.000 tỷ đồng và nợ nước ngoài trên 600 triệu USD. Để xử lý vấn đề này, vừa rồi, Bộ GTVT đã trình Chính phủ giải pháp phối hợp với Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) cùng với các tổ chức tín dụng tiến hành mua lại khoản nợ này.

Trong thời gian vừa rồi, giai đoạn tái cơ cấu đợt 1 đã giải quyết được 50% (xấp xỉ 15.000 tỷ đồng). Sau khi tái cơ cấu, khoản nợ còn lại của SBIC còn 1/3. Số tiền này sẽ được trả dần trong 10 năm, và trong thời gian đó, SBIC có điều kiện tạo ra nguồn lực để trả số nợ còn lại cho các ngân hàng.

Đợt 2 còn trên 14.000 tỷ đồng. Hiện SBIC cùng các tổ chức tín dụng và DATC tiếp tục đàm phán và giải quyết theo hướng như đợt 1.

Với nợ nước ngoài, vừa rồi, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, SBIC và Ngân hàng Nhà nước cũng đã làm việc với các đối tác nước ngoài trên cơ sở Chính phủ đồng ý cho phát hành trái phiếu hoán đổi nợ trong vòng 10 năm. Như vậy, số nợ nước ngoài được kéo dài 10 năm, sau 10 năm phải trả lãi và gốc 1 lần.

Thưa Thứ trưởng, việc tái cơ cấu nợ bao gồm khoanh nợ, giãn nợ nhưng phương hướng, nguồn thu nào sẽ giúp được SBIC trả được khoản nợ trong thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn như đã nói?

SBIC đã hợp tác với các đối tác nước ngoài, như Damen của Hà Lan tại nhà máy đóng tàu Sông Cấm (Hạ Long), hiện nay đã đóng được những con tàu rất đặc chủng, có chiếc giá trị đến hàng chục triệu USD.

Chúng ta cũng tiếp tục liên doanh với Liên doanh Huyndai Vinashin ở cảng Khánh Hòa, có khả năng tiếp nhận đóng những con tàu lớn. Qua đó, vừa đóng mới, vừa đóng các module cho các nhà máy đóng tàu của nước ngoài, tạo ra những nguồn thu tương đối tốt cho quá trình phát triển.

Với phương thức như vậy và trong thời gian tới, vận tải biển khá lên thì nhu cầu đóng mới tàu biển cũng sẽ phát triển. Tôi tin chắc rằng, ngành tàu thủy của Việt Nam cũng như ngành công nghiệp tàu thủy thế giới sẽ bắt nhịp được với tốc độ phát triển mới của thế giới. Từ đó, chúng ta sẽ có thể trang trải được những khoản nợ mà chúng ta đã khoanh và giãn trong thời gian vừa qua.

Thưa thứ trưởng, xin hỏi nguồn tài chính nào và phương hướng xử lý chế độ cho người lao động, đặc biệt là những người lao động buộc phải tìm công việc mới không nằm trong mô hình hoạt động SBIC?

Đến thời điểm hiện nay, SBIC có khoảng 30.000 lao động, trong đó, trên 20.000 động có việc làm còn xấp 8.000 lao động đang phải giải quyết chế độ.

Chúng tôi căn cứ vào quy định hiện hành của nhà nước về giải quyết chế độ để phân ra: Những người đủ đến tuổi nghỉ hưu, SBIC sẽ vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để đóng quỹ bảo hiểm xã hội, đủ cho những đối tượng này có thể về hưu được. Đối tượng thứ hai là giải quyết chế độ một lần, tạo điều kiện cho lao động chuyển đổi công việc trong các lĩnh vực liên quan ở Bộ GTVT.

Như vậy, đến nay trường hợp khiếu kiện, tranh chấp của người lao động có xảy ra không thưa Thứ trưởng?

Chúng tôi đã giao cho các nhà  máy trực tiếp xử lý những vấn đề này. Còn với SBIC, thành lập một bộ phận chuyên trách để xử lý, tạo việc làm cho người lao động. Thời gian vừa rồi, việc phát sinh các đơn thư khiếu kiện cũng như những vấn đề khác liên quan là chưa nhiều. Nếu có thì cũng giải quyết kịp thời. Chúng tôi cho rằng các phương pháp của Bộ đưa ra trong thời gian vừa rồi là tương đối hợp lý.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Diệp ghi

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *