Dòng chảy vốn 19/02/2014 23:07

Lễ tang tướng Phạm Quý Ngọ tổ chức theo nghi lễ cấp cao vào ngày 23/2

FICA - Lễ tang Thượng tướng Phạm Quý Ngọ được tổ chức theo nghi lễ Lễ tang cấp cao, do Bộ Công an chủ trì. Lễ viếng từ 07h30 đến 11h00 ngày 23/2/2014 tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 05 Trần Thánh Tông, Hà Nội. .

Trang thông tin chính thức của Bộ Công an tối 19/2 phát đi thông tin cho biết, Lễ tang Thượng tướng Phạm Quý Ngọ được tổ chức theo nghi lễ Lễ tang cấp cao, do Bộ Công an chủ trì. Lễ viếng từ 07h30 đến 11h00 ngày 23/2/2014 tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 05 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang vào hồi 11h10 phút cùng ngày. An táng tại quê nhà: xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, sinh ngày 24/12/1954; quê quán xã Đông Cường, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Thường trú tại số 07, đường Bằng Lăng 10, khu Vincom, quận Long Biên, TP Hà Nội. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI; Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; Thứ trưởng Bộ Công an; Đại biểu Quốc hội Khóa XI.

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ tham gia công tác năm 1974, vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1980. Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Hữu nghị, Độc lập của Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và nhiều khen thưởng khác.

Theo Bộ Công an, do lâm bệnh nặng hiểm nghèo, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an, gia đình và các tập thể giáo sư, bác sỹ, nhân viên y tế tận tình cứu chữa nhưng ông đã từ trần vào hồi 21h05 ngày 18/2/2014 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Theo Điều 34 Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức thì chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao bao gồm: Cán bộ, công chức đương chức, thôi giữ chức thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng quản lý (trừ các chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước); Cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945 (lão thành cách mạng) hoặc cán bộ hoạt động ở miền Nam suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên; Các nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu (được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cá nhân) là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động đang công tác hoặc nghỉ hưu khi từ trần được tổ chức Lễ tang Cấp cao.

Ban Tổ chức Lễ tang do lãnh đạo cơ quan chủ quản; chính quyền địa phương nơi người từ trần đã hoặc đang công tác quyết định thành lập, gồm từ 10 (mười) đến 15 (mười lăm) thành viên đại diện các đơn vị, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thuộc cơ quan chủ quản, địa phương. Trưởng Ban Tổ chức Lễ tang là một lãnh đạo cơ quan chủ quản hoặc cấp ủy, chính quyền địa phương.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *