Dòng chảy vốn 02/09/2015 07:48

Làm sao để kinh tế Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu”?

Để có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”, GS Nguyễn Mại cho rằng, câu chuyện này phải bắt đầu từ giáo dục, làm sao đào tạo ra được một thế hệ thanh niên có ý chí, có nền tảng và phương pháp làm việc tốt. Việt Nam cũng cần học hỏi các nước đã thành công trên thế giới để tìm hướng đi cho mình.

 

Nói về những thành tựu của kinh tế Việt Nam sau 70 năm độc lập (2/9/1945 - 2/9/2015), GS Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đánh giá, trải qua một quá trình, kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt. Trong khối ASEAN, GDP của Việt Nam đã lên đến gần 200 tỷ USD, thấp hơn một chút so với Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Nền kinh tế “tiến bộ rõ rệt"

GS Nguyễn Mại điểm lại quá trình phát triển trong 70 năm qua, chỉ có 30 năm từ sau Đổi mới 1986 phát triển kinh tế. Đặc biệt, từ năm 1991 khi vượt qua cửa ải đầu tiên là khủng hoảng, chống được lạm phát lên tới 1.000% vào năm 1988, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu như: từ một nước “thiếu đói” chuyển sang xuất nông sản, kinh tế từ giai đoạn tăng trưởng đỉnh cao 8,5%/năm giảm dần xuống còn 6% như hiện nay, kinh tế vĩ mô ổn định,thu hút FDI tăng, nền kinh tế thoát khỏi nhóm thu nhập thấp...

Nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tiến bộ rõ rệt nhất chính là “đi theo thế giới” khi từ một nước chỉ nằm trong thế giới thu nhỏ với 12 nước thành viên hiện đã có quan hệ thương mại, đầu tư, ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới. Nền kinh tế ngày càng đi theo nhịp độ thế giới và hội nhập sâu vào thế giới.

“Gần đây, người ta nhắc tới chuyện Việt Nam hơn thấp vài chục lần so với các nước láng giếng như Singapore hay Thái Lan. Tuy nhiên, thực tế khoảng cách đã thu hẹp lại rất nhiều rồi. Còn nhớ năm 1995 khi Việt Nam gia nhập ASEAN, thu nhập bình quân đầu người của chúng ta nằm “bét bảng” với chỉ khoảng 200 USD/người/năm nhưng giờ đã tăng gấp 10 lần lên 2.000 USD/người/năm rồi”, ông nói.

Ông cũng cho rằng, khi nói doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng “nhỏ li ti”, “giống như thuyền thúng bơi ra sông” không hoàn toàn đúng. Kể từ khi tham gia WTO vào năm 2007, Việt Nam đã bắt đầu hội nhập và “chơi” với các nước, các tổ chức trong khu vực và thế giới. Việt Nam cũng vươn lên với kim ngạch xuất khẩu đạt 165 tỷ USD trong khi trên thế giới số nước có kim ngạch xuất khẩu trên 100 tỷ USD không nhiều lắm.

“Tất nhiên, so với mong muốn của người dân, so với tiềm năng mà có thể phát triển được và so với yêu cầu hội nhập, chúng ta rõ ràng phải cố gắng hơn. Tuy nhiên, cũng không nên đánh giá thấp thành tựu 40 năm qua, nhất là từ năm 1986 trở lại đây”, ông nói thêm.

Đứng tới đâu so với các “cường quốc”?

Trước những nhận định cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang “tụt hậu”, “thụt lùi” so với các nước láng giềng, GS Nguyễn Mại nói ngắn gọn: “Thông tin này rất cũ, không phải bây giờ người ta mới biết Singapore hơn Việt Nam. Mình là người đi sau, người ta đi trước và từ xưa đến nay, mình vẫn phấn đấu để bằng họ”.

Vị giáo sư cũng cho rằng: “Để đo lường kinh tế có thể theo 3 cách: so với kế hoạch; so với thế giới và so với tiềm năng có thể đạt được. Hiện Việt Nam đang đo như cách thứ nhất, tức là so thực tế đạt được với kế hoạch. Đo như vậy thì luôn thấy thành công vì khó thì đặt kế hoạch thấp mà đạt thấp thì lại điều chỉnh. Trong khi đó, nếu so với thế giới mới thấy được nhiều nước người ta làm giỏi hơn mình và so với tiềm năng có thể thấy mình cũng chưa đạt”.

Để có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu”, GS Nguyễn Mại cho rằng, câu chuyện này phải bắt đầu từ giáo dục, từ học tập để làm sao đào tạo ra được một thế hệ thanh niên ra trường có ý chí, có nền tảng và phương pháp làm việc tốt. Việt Nam cũng cần học hỏi các nước đã thành công trên thế giới để tìm hướng đi cho mình.

Bên cạnh đó, cần phải có cải cách cơ bản về khoa học công nghệ, coi trọng nhập khẩu công nghệ để doanh nghiệp đổi mới nhanh hơn. Đồng thời tăng mối liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị toàn cầu, dần dần có ngành công nghiệp hỗ trợ của người Việt Nam chứ không phải phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp nước ngoài như hiện nay.

“Với mục tiêu trong vòng 5 năm nữa, Việt Nam sẽ có 1 triệu doanh nghiệp, cần phải có chính sách rõ ràng để hỗ trợ, phát triển cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp. Việt Nam cũng cần có nhiều Tập đoàn kinh tế lớn, làm thế nào để đến năm 2020 có khoảng 100 doanh nghiệp lớn, trong đó vài chục là doanh nghiệp mang tầm cỡ khu vực”, ông nói thêm.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *