Dòng chảy vốn 09/05/2015 08:30

Lại lo ngại hàng hóa, dịch vụ tăng theo giá xăng dầu

Các doanh nghiệp sản xuất lo ngại chi phí đầu vào tăng dẫn đến giá thành bị đội lên, việc tăng giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là khó tránh khỏi.

Với việc điều chỉnh tăng gần 2.000 đồng/lít, giá xăng đã tăng tổng cộng gần 3.600 đồng tính từ đầu năm đến nay và sắp chạm mức 20.000 đồng/lít xăng, khiến không ít doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải "rục rịch” tính toán tăng giá cước. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất cũng lo ngại chi phí đầu vào tăng dẫn đến giá thành bị đội lên, việc tăng giá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là khó tránh khỏi.

Giá xăng, dầu hiện chiếm tới 40 – 45% trong giá thành dịch vụ vận tải. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, với mức điều chỉnh giá xăng dầu ngày 5/5 với gần 2.000 đồng/lít, tương ứng với hơn 10% thì giá cước vấn tải cũng sẽ tăng tương ứng 4 – 5%. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, mức tăng giá có thể còn cao hơn thế. Lấy lý do giá xăng đã hai lần tăng, trong khi xu hướng sắp tới sẽ tăng nữa, không ít doanh nghiệp vận tải đã tính đến việc “tăng gộp” để đón đầu, thay vì tăng nhỏ giọt.

Hiện tại giá cả hàng hoá vẫn khá ổn định

Ông Hoàng Quang Ngọc – Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà cho biết, với hai lần điều chỉnh tăng giá vừa qua, giá xăng tăng tới 3.600 đồng/lít, giá dầu tăng hơn 1.000 đồng/lít. Trong khi đó, lần điều chỉnh trước, doanh nghiệp đã không tăng giá, nên với mức điều chỉnh lần này, cùng xu hướng xăng dầu tiếp tục tăng giá, doanh nghiệp đang tính đến việc tăng giá cước.

“Không chỉ riêng công ty tôi mà nhiều công ty khác cũng phải tính đến việc tăng giá. Dự kiến giá sẽ còn tăng nữa, mà mỗi lần điều chỉnh rất phức tạp, không phải cứ tăng là điều chỉnh ngay được, nên với xu hướng tăng giá thế này, chúng tôi sẽ tăng luôn 15 – 20%,” ông Ngọc nói.

Với lĩnh vực sản xuất và phân phối, hiện tại giá cả hàng hoá vẫn khá ổn định. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, mức tăng giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh lần này cộng hưởng với hàng loạt các chi phí đầu vào khác mới tăng trước đó như giá điện, giá gas… sẽ tác động gián tiếp đến chi phí đầu vào, khiến giá thành sản xuất nói chung tăng theo.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sunhouse nhận định, giá xăng ngoài tác động trực tiếp, thì còn có tác động gián tiếp. Vì giá nhiên liệu đầu vào tăng thường làm chi phí vận chuyển, phân phối…tăng theo, khiến cho việc tăng giá thành sản phẩm là khó tránh khỏi.

Với đợt điều chỉnh giá xăng dầu lần này, Bộ Công Thương lý giải chủ yếu là do giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, tạo áp lực lên giá bán lẻ trong nước. Còn Bộ Tài chính khẳng định, nếu không sử dụng quỹ bình ổn, giá xăng đáng lẽ phải tăng lên tới hơn 3.300 đồng/lít.

Tuy nhiên, đợt điều chỉnh lần này lại diễn ra ngay sau khi Thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng dầu chính thức tăng lên tới 300% từ ngày 1/5 vừa qua, khiến dư luận lo ngại mức tăng thuế quá cao này cũng là nguyên nhân khiến cho giá xăng dầu tăng mạnh. Hiện, trong cơ cấu tính giá cơ sở xăng dầu hiện hành, mỗi lít xăng phải “cõng” thêm rất nhiều loại thuế, như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường…chưa kể các loại phí khác. Khi thuế bảo vệ môi trường tăng lên 300%, các chuyên gia tính toán, tổng mức thuế, phí người tiêu dùng sẽ phải chịu hơn 10.000 đồng/lít.

Ông Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) cho rằng, cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay phải làm sao linh hoạt và có lộ trình. Vừa qua, giá xăng dầu thế giới tăng nhanh nhất trong 12 tháng qua, nhưng cơ quan quản lý điều hành không dự báo được, cộng hưởng thêm việc tăng Thuế Bảo vệ môi trường lên 3.000 đồng/lít, cho dù thuế nhập khẩu giảm nhưng không tương xứng, nên cùng lúc các yếu tố cộng hưởng, làm cho giá xăng dầu tăng rất cao.

Theo ông Ngô Trí Long, việc tăng thuế đột ngột lên tới 300% đúng vào thời điểm giá xăng dầu thế giới phục hồi mạnh trở lại, khiến cho các nhà điều hành cũng khó trong lựa chọn phương án tăng giá.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì việc tăng giá xăng gần 2.000 đồng/lít xăng được xem là khá cao. Theo dự báo của một số tổ chức tài chính, việc tăng giá xăng dầu lần này, cộng với giá giá điện, gas…cũng mới tăng trước đó, sẽ làm CPI tháng 5 sẽ tăng khoảng 0,26% và CPI tháng 6 tăng 0,22%.

Các chuyên gia phân tích, việc điều chỉnh giá xăng, dầu vận hành theo cơ chế thị trường là cần thiết, song mỗi lần tăng giá cần có sự tính toán cân nhắc, thận trọng để không ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, cũng như của nền kinh tế./.

Theo Việt Hà

VOV - Trung tâm Tin

 
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *