Dòng chảy vốn 28/04/2014 06:31

Kinh tế Việt Nam và bệnh thành tích "tăng trưởng theo quý"

FICA - Theo TS Trần Đình Thiên, sau mỗi đợt “tổng kết” thành tích cuối năm với đỉnh cao tăng trưởng đạt được ở quý IV, thì sang quý I năm sau, đồ thị tăng trưởng lại rơi xuống điểm đáy khác.

Theo bản tham luận của PGS. TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, trong kỷ yếu Diễn đàn kinh tế mùa Xuân 2014, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013 đạt 5,42%, cao hơn năm trước và vượt nhiều dự đoán của các tổ chức kinh tế. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng trưởng thấp so với kế hoạch được Chính phủ và Quốc hội thông qua. Ông Thiên cho rằng, có vẻ quá trình phục hồi tăng trưởng đã diễn ra, song rất chậm, khó khăn và chưa chắc chắn.

Giống như nhiều năm trước, đồ thị tăng trưởng GDP năm 2013 của Việt Nam vẫn diễn ra theo xu hướng “quý sau cao hơn quý trước”. Thành tích tăng trưởng hàng năm được đo theo quý này thường được nhấn mạnh trong các bản tổng kết cuối năm. Điều này được PGS. TS Trần Đình Thiên đánh vừa phản ánh một xu hướng có thực, vừa gây ấn tượng về sự chuyển biến tích cực liên tục (suốt cả năm), mang lại cảm giác về sự tốt lên rõ rệt, tạo niềm tin về khả năng “thoát đáy” và phục hồi nhanh chóng.

Nhưng từ một góc nhìn khác, bức tranh kinh tế lại không tươi hồng như vậy. Trên thực tế, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với khó khăn kéo dài. Điều dễ nhận thấy trong đồ thị tăng trưởng GDP theo quý ở dưới là, cứ sau mỗi đợt “tổng kết” thành tích cuối năm với đỉnh cao tăng trưởng đạt được ở quý IV, thì sang quý I năm sau, đồ thị tăng trưởng lại rơi xuống điểm đáy khác. "Khởi đầu cho một năm mới nền kinh tế lại “hỳ hục” bò lên, để liên tục tăng trong 3 quý tiếp theo, như là sự chuẩn bị cho một “cú rơi” mới vào đầu năm sau", bản tham luận viết.



Đó là tính chu kỳ kinh tế lạ lùng đối với hầu hết các nền kinh tế trong thế giới hiện đại nhưng lại không hề xa lạ đối với nền kinh tế Việt Nam - không xa lạ không hẳn chỉ do tính “mùa vụ” mà do cả cách thức điều hành nền kinh tế. Ẩn phía sau sự “nhịp nhàng” chu kỳ này là tổ hợp của nhiều nguyên nhân mà nổi bật nhất chính là cách nền kinh tế thị trường được dẫn dắt bởi một loại động cơ "độc đáo” đến mức “độc nhất vô nhị”: “chủ nghĩa thành tích”.

Theo logic đó, cho dù trong từng năm của 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng GDP đều được liên tục cải thiện theo từng quý, thì ở cả 3 năm, tốc độ tăng trưởng GDP tính theo năm đều rất thấp - thấp nhất trong 13 năm trở lại đây. Nghĩa là nền kinh tế đang ở “vùng đáy” của đồ thị tăng trưởng trong giai đoạn kể từ năm 2000 đến nay

Tốc độ tăng trưởng của nhóm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thấp do nhiều nguyên nhân và cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Xu hướng giảm thấp liên tục tốc độ tăng trưởng của ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản kể từ năm 2010 là rất đáng lo ngại.

Năm 2013 là năm tỷ trọng vốn đầu tư/GDP đạt thấp nhất kể từ năm 2000 đến nay. Đồng thời đây cũng là năm chứng kiến sự suy giảm mạnh của vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư của khu vực tư nhân. Sự suy giảm của đầu tư khu vực tư nhân dẫn đến tỷ trọng của đầu tư khu vực Nhà nước tăng mạnh trong đầu tư toàn xã hội. Hoạt động đầu tư thu hẹp do niềm tin của các DN, nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế trong tương lai chưa được củng cố và nhu cầu đối với các sản phẩm chưa được khôi phục.

Trong tình trạng chung chậm được cải thiện, tình hình kinh tế năm 2013 có một điểm tích cực - sau nhiều năm, quy luật “hai năm lên, một năm xuống” của lạm phát đã bị chặn lại. Chỉ số CPI thấp - 6,04%, thấp nhất trong 10 năm qua, là kết quả tích cực của những nỗ lực to lớn nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô của Chính phủ. Kéo theo mức lạm phát thấp là xu hướng cải thiện rõ ràng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng: lãi suất hạ thấp, thanh khoản tốt lên, tỷ giá ổn định và dự trữ ngoại hối tăng.

Tuy vậy, bản tham luận cho rằng, lạm phát “được giữ”ở mức thấp chủ yếu bắt nguồn từ tình trạng sức khỏe yếu kém của nền kinh tế, với 2 bằng chứng rõ ràng là sức cầu thị trường tiếp tục suy yếu trong khi số doanh nghiệp tư nhân nội địa bị đóng cửa vẫn tiếp tục tăng lên so với các năm trước.

Điểm tích cực của tình hình vĩ mô được Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam đề cập là dù không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP nhưng nền kinh tế vĩ mô đã có tín hiệu phục hồi. Việt Nam đã cải thiện được tình hình kinh tế vĩ mô theo hướng ổn định hơn nhờ thực hiện các chính sách điều hành đúng hướng, kiên định và đồng bộ.

Năm 2014, theo nghiên cứu của GS. TS Trần Thọ Đạt và TS Hà Quỳnh Hoa, tỷ lệ tăng trưởng GDP đạt khoảng là 5,7% và tỷ lệ lạm phát là 6,9%.

Lam Thanh

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *