Dòng chảy vốn 29/01/2016 09:26

Kinh tế năm 2016: Lạc quan với tăng trưởng 6,82%

Các chuyên gia kinh tế của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dự tính: nhờ những tác động thuận lợi bên trong và ngoài nước năm 2016 kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 6,82%, cao hơn mức tăng trưởng mà nhiều tổ chức dự đoán trước đó là 6,6% - 6,7%.

Báo cáo đánh giá tình hình kinh tế xã hội năm 2015 do TS Nguyễn Anh Dương, Ban Chính sách Kinh tế vĩ mô, Viện CIEM cho rằng: Trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,68%, cao hơn mục tiêu đề ra (6,2%) và cao hơn trung bình giai đoạn 2011-2015 (5,91%/năm) và giai đoạn 2007-2015 (6,05%/năm).

Kỳ vọng vào đổi mới

Theo báo cáo, các chỉ số về kinh tế vĩ mô năm 2015 có chuyển biến lớn, trong đó đặc biệt là lãi suất được ổn định, đầu tư công bắt đầu được thiết chặt kỷ luật. Đặc biệt năm nay, Việt Nam được thế giới đánh giá cao về năng lực cạnh tranh, trong đó Diễn đàn kinh tế thế giới, vị thế năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2015 có sự cải thiện đáng kể so với năm 2014, tăng 12 bậc (từ vị trí 68/144 lên vị trí 56/140).


Tăng trưởng kinh tế được dự báo tăng trưởng 6,82% năm 2016

Tăng trưởng kinh tế được dự báo tăng trưởng 6,82% năm 2016

Về đầu tư, năm 2015 được coi là thắng lợi của đầu tư nước ngoài khi giải ngân vốn FDI cao kỷ lục đạt 14,5 tỷ USD, cao hơn 2 tỷ USD so với năm 2014 và cao hơn từ 3 - 4 tỷ USD so với mức trung bình của giai đoạn 2011 - 2013.

Đánh giá về triển vọng kinh tế vĩ mô, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM khẳng định, năm 2016 có nhiều kỳ vọng vào nền kinh tế tăng trưởng cao hơn, khả quan hơn. Vì thế, ít nhất tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt khoảng 6,82%, cao hơn so với các con số được các nhà kinh tế đưa ra là 6,6% đến 6,7%. Bên cạnh đó, lạm phát tiếp tục giữ ở mức thấp 4,7%, tăng trưởng xuất khẩu đạt 10,4% và thu hẹp thâm hụt cán cân thương mại ở mức 4,1 tỷ USD.

Theo TS. Cung, năm 2016 về cơ bản các điều kiện kinh tế thế giới đang có nhiều tác động có lợi cho Việt Nam như giá dầu thô giảm, khiến giá các nguyên liệu đầu vào giảm. Động lực tăng trưởng của Việt Nam ngày càng lớn, đặc biệt là Việt Nam đã gia nhập các hiệp định tự do thương mại lớn của thế giới khiến tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 được kỳ vọng trên 10%.

Bên cạnh đó, Đại hội lần thứ XII của Đảng được xem là Đại hội đổi mới lần thứ 2 với nhiều đột phá về tư duy, bộ máy và năng lực thực thi chính sách. Những kỳ vọng của người dân, thị trường và các nhà đầu tư đang lớn dần, chắc chắn trong thời gian tới, những cơ hội kinh doanh sẽ được mở ra nhiều hơn và niềm tin đầu tư của thị trường sẽ được củng cố, gia tăng và phát triển.

Nhiều thách thức phía trước

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cũng đặt nhiều lo ngại đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2016, trong đó có các vấn đề như: kỷ luật chi ngân sách, kiểm soát đầu tư công, nợ công, khu vực nông nghiệp đang tụt hậu và dễ bị tổn thương trong hội nhập.

Về những thách thức của kinh tế vĩ mô, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Công Thương cho rằng: Những vấn đề cơ bản của nền kinh tế chưa giải quyết được, nợ xấu mới chỉ gom vào chưa được xử lý. Việt Nam cơ bản chưa có thị trường mua bán nợ xấu đúng nghĩa. Bên cạnh đó, động lực tăng trưởng của nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi họ tạo ra 50% sản lượng công nghiệp và 70% giá trị xuất khẩu nhưng lại là "thủ phạm" gây nhập siêu lớn. Các DN Nhà nước chậm được chuyển đổi về cơ cấu kinh tế và vai trò khi tỷ lệ nắm giữ vốn của Nhà nước tại các DNNN đang rất lớn khiến chúng ta khó có đột phá trong ngắn hạn.

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo lắng hơn về góc độ DN: "Tôi rất lo lắng khi bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày càng yếu thế so với DN Nhà nước, DN 100% vốn nước ngoài (DN FDI) và liên doanh. Bộ phận DN nhỏ và vừa hoặc siêu nhỏ hiện đang chiếm gần 70% tổng số doanh nghiệp nhưng từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời (2005), đến nay đã 10 năm nhưng cơ cấu đóng góp của bộ phận DN nhỏ và vừa vào GDP không đổi vẫn 11%".

Bà Lan cho hay: “Theo nghiên cứu thì hiện các DN Việt Nam mỗi năm phải đóng 40,8% lợi nhuận của mình cho Nhà nước thông qua các thuế, phí. Tiền bôi trơn của DN Việt Nam chiếm tới 0,72-1,02% lợi nhuận của họ. Nghĩa là DN làm ra 100 đồng lợi nhuận thì họ phải đóng ít nhất 0,72 đồng cho phí tham nhũng, bôi trơn”

“Cơ quan Nhà nước, các bộ, ngành luôn hô hào trợ giúp DN để phát triển nhưng chúng ta cần đặt câu hỏi cho mình là trợ giúp họ ở đâu, cái gì và làm được gì? Tôi lấy ví dụ, giá dầu thế giới trong năm 2015 đã giảm sâu và liên tục, nhưng xăng dầu thành phẩm trong nước chỉ nhỏ giọt, mức giá vẫn cao. Theo tính toán của tôi, với chi phí mua xăng dầu hiện nay, người dân và DN vẫn phải bỏ ra 50% để đóng thuế và phí”, Bà Lan nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *