Dòng chảy vốn 05/12/2013 09:20

Kiến nghị chuyển giao đầu tư ngoài ngành DNNN sang SCIC

FICA - BIDV cho rằng, có thể xem xét thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn và Tổng công ty qua biện pháp chuyển giao theo sổ sách toàn bộ vốn đầu tư về cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để công ty này xây dựng kế hoạch thoái vốn tiếp hoặc tiếp tục kinh doanh

Trung tâm nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo Dự báo tình hình kinh tế vĩ mô 2014 và đề xuất kiến nghị.

Chuyển đầu tư ngoài ngành sang SCIC

Về tái cơ cấu đầu tư công, Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, Chính phủ cần nhất quán xây dựng và thực hiện phân bổ đầu tư công theo kế hoạch trung hạn 3-5 năm, bám sát các theo các kế hoạch phát triển 5 năm, phân khai theo từng năm, đảm bảo sự bền vững của đầu tư ngân sách. Đồng thời, chuyển bớt vốn đầu tư từ khu vực hiệu quả thấp sang các khu vực khác như giáo dục, y tế, nông nghiệp, hỗ trợ các đối tượng khó khăn, thúc đẩy tổng cầu; Giảm dần chức năng “nhà nước kinh doanh”, tăng cường chức năng “nhà nước phúc lợi”, dành nhiều ngân sách cho đầu tư giáo dục, xã hội.

Đối với lĩnh vực kinh tế, cần xã hội hóa việc đầu tư kinh doanh, tăng cường các mô hình hợp tác công tư (BT, BOT, PPP); Tập trung vào một số ít trọng điểm, có tính đột phá, tính lan tỏa và nhanh chóng đưa vào sử dụng.     

Về tái cơ cấu DNNN, BIDV khuyến nghị Chính phủ cần xem xét ban hành quy định riêng hướng dẫn về thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN trong đó làm rõ về phương thức thoái vốn, điều kiện và giới hạn với người mua, thẩm quyền và quy trình ra quyết định thoái vốn, cơ chế định giá, …đảm bảo phù hợp với nguyên tắc thị trường làm cơ sở để các doanh nghiệp chủ động thực hiện kế hoạch thoái vốn.

"Có thể xem xét thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các Tập đoàn và Tổng công ty qua biện pháp chuyển giao theo sổ sách toàn bộ vốn đầu tư về cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để công ty này xây dựng kế hoạch thoái vốn tiếp hoặc tiếp tục kinh doanh", báo cáo nêu.

Về tái cơ cấu các TCTD, BIDV đề nghị Chính Phủ, NHNN sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các quy định an toàn hoạt động ngân hàng để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các TCTD; các cơ chế, chính sách, khuyến khích miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ TCTD trong xử lý nợ xấu và các tài sản đảm bảo tiền vay, giảm thuế, phí liên quan đến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại. Đồng thời, NHNN nâng cao vai trò hỗ trợ thiết thực đối với TCTD trong quá trình tái cấu trúc.  

Sớm thả nổi lãi suất

Về chính sách tín dụng, BIDV cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là mục tiêu trung gian của chính sách tiền tệ, do vậy để giữ vững kết quả ổn định vĩ mô năm vừa qua và hỗ trợ tăng trưởng năm sắp tới, xem xét xác định tỷ lệ tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế căn cứ kết quả thực hiện năm 2013 và nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng đồng thời đảm bảo chất lượng, an toàn tránh hệ quả đặt mục tiêu tăng trưởng cao (ảnh hưởng lạm phát) và tiềm ẩn phát sinh nợ xấu mới, mức tăng trưởng có thể từ 13% - 15%. NHNN tiếp tục duy trì việc giao tỷ lệ tăng trưởng tín dụng cho các TCTD.

Trung tâm nghiên cứu BIDV cũng cho rằng, để tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp (tương đương mức cuối 2013) để đảm bảo đồng thời ổn định vĩ mô và hỗ trợ doanh nghiệp, NHNN cần tiếp tục phát huy hoạt động của thị trường mở hỗ trợ thanh khoản của hệ thống TCTD, kết hợp công tác thanh tra giám sát để đảm bảo tính lành mạnh trong hoạt động huy động vốn.

Khi thanh khoản toàn ngành và lạm phát đã đi vào ổn định, chỉ số CPI giảm về mức <7%, cần đưa ra lộ trình cụ thể nhằm tự do hóa lãi suất, đảm bảo lãi suất cho vay và huy động được xác định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường. Cùng với quá trình tự do hóa lãi suất, các công cụ lãi suất chính sách cũng cần từng bước được đổi mới, dần phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo hình thành được các mức lãi suất chỉ đạo theo tín hiệu thị trường, nâng cao tính hiệu quả của cơ chế chuyển tải chính sách tiền tệ thông qua kênh lãi suất. Theo đó, cần thiết lập đường cong lãi suất chuẩn của thị trường đối với tất cả các dải kỳ hạn để các NHTM có cơ sở xác định lãi suất phù hợp.

Bên cạnh đó, NHNN xem xét xây dựng các kịch bản điều hành tỷ giá và biên độ giảm giá đồng Việt Nam phù hợp với diễn biến của cán cân thương mại, tác động có thể gặp phải của việc kết thúc gói kích thích kinh tế QE3 của Chính phủ Mỹ trong mối tương quan với lãi suất thị trường thế giới và tỷ lệ lạm phát kỳ vọng.

Trong năm 2014, BIDV cũng đề xuất NHNN tiếp tục phối hợp bộ ngành liên về vấn đề xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ được bán cho VAMC; yêu cầu và giám sát thực hiện phân loại nợ đầy đủ, chính xác, ưu tiên nguồn lực trích lập dự phòng rủi ro; tăng cường công tác thanh tra giám sát đảm bảo công khai minh bạch trong hoạt động của các TCTD, bám sát hỗ trợ phát huy vai trò của VAMC, phấn đấu đến 2015 xử lý xong số nợ xấu hiện nay và (v) triển khai áp dụng một số văn bản quan trọng về quản lý rủi ro như Thông tư 02, dự thảo thay thế TT13 về tỷ lệ đảm bảo an toàn.

 

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *