Dòng chảy vốn 26/05/2015 14:43

Không phát hiện sai phạm Vinashin, Vinalines, trách nhiệm kiểm toán đến đâu?

FICA - Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho hay, hơn 10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào kiểm toán Vinashin, Vinalines… nhưng rồi vẫn không phát hiện ra vấn đề. Sau đó cơ quan điều tra vào cuộc mới ra sai phạm. Trách nhiệm trong trường hợp này của kiểm toán ra sao, Luật phải quy định thật rõ.

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN) sửa đổi trong phiên họp sáng nay 26/5, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, sửa Luật kiểm toán lần này là tăng thêm trách nhiệm, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán rất lớn. Tuy nhiên, đại biểu Thuyền bày tỏ sự băn khoăn về trách nhiệm của kiểm toán trong dự thảo luật.

 

Đại biểu Thuyền nói: “Tôi cho rằng chúng ta mới tăng nhiệm vụ, quyền hạn, còn trách nhiệm tôi cảm thấy chưa rõ, chưa tương xứng. Bởi vì kiểm toán xong một đơn vị nhưng mấy hôm sau người ta bị bắt, anh không chịu trách nhiệm gì”.

 

Đại biểu đặt câu hỏi: “Kiểm toán một đơn vị đưa lên sàn chứng khoán một thời gian, người ta bể tan nát ra thì hậu quả pháp lý ở đây, tiền bạc, tài sản nhà nước của dân mất đi nhiều lắm thì chịu trách nhiệm như thế nào?”.

 

Nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của kiểm toán, đại biểu Thuyền cho hay: “một doanh nghiệp mới kiểm toán và chấp hành ý kiến và sau đó đến thanh tra vào xuất toán, chủ doanh nghiệp chịu trách nhiệm hết, chứ kiểm toán chẳng chịu trách nhiệm gì”.

 

Do đó, đại biểu Thuyền đề nghị trách nhiệm của kiểm toán phải rõ ràng. Lấy ví dụ ở Lâm Đồng, đại biểu nói: “Có một công ty xổ số mà thường xuyên thấy kiểm toán, năm nào cũng kiểm toán nhưng cuối cùng công an vào bảo làm sai, tham nhũng phát hiện đúng. Còn làm sai, cố ý làm trái thì chắc chắn kiểm toán phải biết rất rõ điều này. Bây giờ nếu như người ta bị khởi tố bắt giam thì kiểm toán có là đồng phạm hay không phải nói rõ, chứ không quyền lực rất mạnh, kiểm toán đến đâu người ta rất sợ, rất lo. Bây giờ kiểm toán như thế nào đó thì phải chịu trách nhiệm”.

 

Theo đó, đại biểu Thuyền đề nghị nghiên cứu kỹ để quy trách nhiệm cho kiểm toán, nếu như kiểm toán thì nhiệm vụ, quyền hạn lớn như thế thì phải gắn với trách nhiệm. Nếu người ta làm sai nhưng anh bảo đúng, đến lúc người ta đi tù thì kiểm toán phải là đồng phạm, dứt khoát như thế mới quy rõ trách nhiệm được. 

 

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), ảnh: TTXVN.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), ảnh: TTXVN.

 

Tán đồng với đề xuất của đại biểu Lê Bá Thuyền, đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) lưu ý tới trường hợp, thẩm quyền, nhiệm vụ chuyển cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm.

 

“Nếu chúng ta quy định một cách chung như thế này thì không rõ được trách nhiệm của kiểm toán. Tôi đề nghị trong trường hợp Kiểm toán nhà nước trong quá trình tiến hành kiểm toán biết được hoặc pháp luật bắt buộc phải biết là có dấu hiệu tội phạm thì buộc phải chuyển. Thẩm quyền này rất lớn, nếu không quy định chặt chẽ nó sẽ trở thành con ngáo ộp, người ta chỉ rung lên một cái thôi là các đơn vị chịu sự kiểm toán lại phải chạy đến, sẽ sinh ra tiêu cực”, đại biểu Quyền ví von.

 

Vị đại biểu Hà Nội đồng thời là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, dẫn chứng, hơn 10 đoàn thanh tra, kiểm toán vào kiểm toán Vinashin, Vinalines… nhưng rồi vẫn không phát hiện ra vấn đề. Sau đó cơ quan điều tra vào cuộc mới phát hiện ra sai phạm. Trách nhiệm trong trường hợp như vậy của kiểm toán ra sao thì luật phải quy định thật rõ.

 

Cũng theo ông Quyền, trong dự thảo luật có quy định về đội ngũ cán bộ là cấp phó của Kiểm toán nhà nước được quy định như thế nào? “Ở Tổng kiểm toán, rồi ở các kiểm toán đơn vị kiểm toán độc lập, chúng tôi chưa thấy quán triệt chung. Trong tổ chức của Tòa án thì quán triệt cấp phó rồi, Viện kiểm sát có quán triệt cấp phó rồi, nhưng trong Kiểm toán số lượng cấp phó là bao nhiêu thì chưa được ấn định trong luật này. Tôi đề nghị xem xét”, đại biểu Quyền lưu ý.

 

Theo ông Quyền, trong dự thảo Luật có một số quy định đến một số nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của hành vi cấm, nếu chúng ta quy định như vậy thì trái với Hiến pháp. Chúng ta còn có quy định quét là những nhiệm vụ khác, quyền hạn khác, nghĩa vụ khác, “tôi đề nghị cách quy định này của luật lâu nay nên bỏ, không minh bạch, nghĩa vụ gì là phải pháp luật quy định, còn khác theo quy định của pháp luật là những điều khoản đó không minh bạch, mô hình này chúng ta đã bỏ rất lâu rồi. Tôi đề nghị rà soát bỏ tất cả những nghĩa vụ khác, quyền hạn khác, nhiệm vụ khác và hành vi cấm khác. Tôi đề nghị bỏ tất cả những nội dung đó”.

 

Đồng tình với giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội là không quy định cụ thể về phòng, chống tham nhũng; nhưng ông Quyền đề nghị phải có quy định về mối quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước là cơ quan của Quốc hội thành lập và Ủy ban tư pháp với tính chất là cơ quan phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.

 

Bởi vì, “thông qua hoạt động kiểm toán sẽ rất nhiều sai phạm liên quan đến tham nhũng thì phải có quy định về mối quan hệ giữa Kiểm toán nhà nước và Ủy ban Tư pháp với tính chất là cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, trong này chúng tôi chưa thấy một nội dung nào đề cập đến vấn đề đó, chúng tôi đề nghị bổ sung”.

 Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *