Dòng chảy vốn 17/11/2014 16:06

Không có chuyện phát điện cầm chừng để mua điện Trung Quốc giá cao

FICA - Trả lời trong phiên chất vấn chiều nay (17/11), Bộ trưởng Công Thương khẳng định, các thủy điện lớn như Hòa Bình, Sơn La… năm nào cũng phát điện vượt sản lượng và đặc biệt là không có chuyện vận hành cầm chừng về phát điện.

Chiều nay 17/11, trong chương trình kỳ họp đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội chính thức chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn kỳ này. Trong 3 năm của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, đến thời điểm này, Bộ trưởng Hoàng là người được chọn trả lời chất vấn nhiều nhất. Đây là lần thứ 3 Bộ trưởng Hoàng đăng đàn trả lời về những vấn đề nóng của ngành Công Thương (kỳ họp thứ III, IV và kỳ họp này) trước Quốc hội.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn kỳ này.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn kỳ này.
 

Là đại biểu đặt câu hỏi chất vấn đầu tiên cho Bộ trưởng Công Thương, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) nêu: Có ý kiến phản ánh doanh nghiệp điện Nhà nước như Thủy điện Hòa Bình công suất lớn nhưng mấy năm qua hoạt động cầm chừng, trong khi chúng ta mua điện của tư nhân, nhập điện của Trung Quốc với giá cao.

 

 

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng xác nhận: “Phản ánh này có đúng không? Đề nghị Bộ trưởng nói rõ để hóa giải hoài nghi của cử tri. Vì sao doanh nghiệp Nhà nước hoạt động cầm chừng để có giải pháp cụ thể?”

 

Trả lời chất vấn của đại biểu Đương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay: “Tôi khẳng định ý kiến này không có cơ sở. Đảng, Nhà nước, nhân dân chắt chiu xây công trình thủy điện, trong đó có những công trình thủy điện qui mô lớn, đa mục tiêu như Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Trị An, Yaly…

 

Một trong những mục tiêu khi Quốc hội quyết định xây dựng những công trình này là tận dụng lợi thế, tiềm năng thủy năng để xây dựng công trình này vừa để phát điện, hạn chế, cắt lũ mùa mưa; cấp nước phục vụ sản xuất đời sống nhân dân trong mùa kiệt. Vì thế, không lý do gì chúng ta không khai thác triệt để các thủy điện lớn theo các mục tiêu đã định”.

 

Bộ trưởng dẫn dụ, trên thực tế, riêng với thủy điện Hòa Bình, rất nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội đều biết rõ, từ khi chúng ta xây dựng và vận hành đến nay, công suất thiết kế 1920 MW, sản lượng bình quân một năm 9-10 tỷ kWh. “Theo số liệu của chúng tôi, hầu như năm nào cũng phát vượt con số này. Tức là không có chuyện vận hành cầm chừng về phát điện”, Bộ trưởng Hoàng khẳng định.

 

Với Thủy điện Sơn La, theo Bộ trưởng Hoàng, thủy điện này đưa vào vận hành trước thời hạn Quốc hội qui định là 3 năm. Trong 3 năm qua, năm nào Thủy điện Sơn La cũng phát vượt sản lượng thiết kế. Mỗi năm phát trên dưới 10 tỷ kWh. Và các thủy điện lớn khác cũng vậy.

 

Do đó, báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương khẳng định: “Không có cơ sở cho việc nói rằng, chúng ta phát điện cầm chừng ở các dự án thủy điện lớn”.

 

“Chúng ta vẫn quan tâm tới các dự án thủy điện nhỏ và trong thời gian, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành, nhất là Tài chính, các địa phương đã tìm mọi giải pháp chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam mua điện của các dự án thủy điện nhỏ, tạo thuận lợi cho những dự án này tham gia phát điện cao nhất, qua đó, giá cả được nâng hơn. Gần đây nhất, chúng tôi có thông tư hướng dẫn để về việc Tập đoàn điện lực Việt Nam mua điện của dự án thủy điện nhỏ ngang bằng với các dự án thủy điện khác cũng như tạo điều kiện các dự án này tham gia phát điện cao nhất”, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *