Dòng chảy vốn 19/11/2015 10:31

Hội nhập TPP: Doanh nghiệp "sống nhờ vào quan hệ" đừng mơ!

Sân chơi TPP đề cập đến những tiêu chuẩn tự do hóa thị trường rất lớn. Doanh nghiệp quen với “sống nhờ vào quan hệ” đừng mơ có được một thế giới riêng. Toàn cầu hóa có quy tắc chơi mang tính toàn cầu chứ không phải ông muốn làm gì thì làm”, TS. Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nói.

Tại Hội thảo “Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam khi gia nhập TPP” diễn ra hôm 18/11, các chuyên gia nhấn mạnh: hội nhập đang tạo cơ hội bức phá nhưng là hố đen với các doanh nghiệp (DN) chậm cải cách.

Tự tạo cơ hội thay đổi hay chịu “chết”?

Theo số liệu Hội thảo đưa ra, hiện DN Việt Nam đang sử dụng công nghệ tụt hậu 2-3 thế hệ so với trung bình thế giới, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% là đồ tân trang. Ngành công nghiệp năng suất thấp, thâm dụng vào khai thác tài nguyên, gia công và lao động giá rẻ... Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao chỉ 2% so với 31% của Thái Lan, 51% của Malaysia và 73% của Singapore. Trong hoàn cảnh ấy, những thách thức về cạnh tranh khi hội nhập TPP trở thành “hố đen”, “cạm bẫy” đối với các DN Việt Nam.


TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện Trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TPP mở ra cơ hội rất lớn với mọi ngành, mọi DN của Việt Nam Tuy nhiên, không phải cứ ngồi yên hưởng thành quả. Lúc này, các DN phải nhìn thẳng vào chính mình, thay đổi từ tư duy đến hành động để có thể nắm được những cơ hội hội nhập mang lại. Nếu bằng lòng và chỉ nhìn thấy cơ hội thì nghĩa là chịu chết.

“Sân chơi TPP đề cập đến những tiêu chuẩn tự do hóa thị trường rất lớn. Doanh nghiệp quen với “sống nhờ vào quan hệ” đừng mơ được có được một thế giới riêng. Toàn cầu hóa có quy tắc chơi mang tính toàn cầu chứ không phải ông muốn làm gì thì làm”, TS. Thiên nói.

Sau hàng thập kỷ hội nhập, nền kinh tế Việt Nam có chuyển biến nhưng chậm, hiệu quả hấp thụ tự do hóa chỉ ở DN ngoại, còn DN nhà nước, nội địa kém cỏi.

Có cùng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách cho rằng, nền nông nghiệp vẫn dịch chuyển cơ cấu theo kiểu “đèn cù”, dịch vụ kém phát triển, chất lượng thấp; xuất nhập khẩu khu vực ngoại chiếm phần lớn giá trị gia tăng…. Các DN nhỏ và vừa chiếm hơn 90% loại hình, giải quyết 70% lao động, đóng góp gần 40% tỷ trọng GDP nhưng quy mô và sức mạnh của bộ phận này đang bị báo động.

Việt Nam đã từng học hỏi kinh nghiệm phát triển ở nhiều nước, tuy nhiên, học và áp dụng lại là chuyện khác. Việt Nam đã chọn học đúng sách, đúng “thầy” là mô hình của Hàn Quốc. Nhưng “Hàn Quốc cũng bắt đầu từ con số 0 nhưng đến nay họ có nền kinh tế phát triển hùng mạnh. Bởi vì ngay từ lúc đầu, Hàn Quốc đã ý thức được tạo ra tập đoàn tư nhân mạnh. Còn Việt Nam, cũng cử cán bộ sang Hàn Quốc học tập kinh nghiệm, nhưng đầu tư cho tập đoàn nhà nước”, TS Trần Đình Thiên nói..

TPP như  thịt cá ngon, không biết cách ăn sẽ bị bệnh!

TPP là sân chơi, trong đó có nhiều cách chơi, quy tắc chơi, luật chơi mang tính quốc tế và toàn cầu. Vì vậy, bên cạnh cơ hội, TPP cũng chứa nhiều thách thức đối với DN và thương nhân Việt Nam.

TS. Thiên nói: TPP như thịt cá ngon, nếu không biết cách ăn, không biết ăn thì sẽ bị “bệnh” ngay. Việt Nam hội nhập vừa rộng vừa sâu; các cam kết đổi mới toàn diện từ thay đổi thói quen thương mại, thị trường đến thể chế kinh tế… với kỳ vọng hội nhập sẽ làm thay đổi tư duy, cách làm và kiểu kinh doanh nhỏ, “thuyền thúng” của người Việt Nam. Với hoàn cảnh đó, các DN Việt, thương nhân Việt cần phải ý thức đổi mới mình rất cao”.

TPP đang bày ra cho chúng ta bao nhiêu lợi lộc từ các thị trường xuất khẩu được xóa thuế, công ăn việc làm và vốn ngoại giúp thay đổi đất nước, con người này…. "Tất cả đều là thịt, là cá nhưng đây không phải là bàn ăn, bốc là ăn ngay và xúc là được mà phải có cách ăn sao cho ngon nhất, được nhiều nhất và ăn lâu nhất", TS. Thiên ví von.

Cũng theo ông Thiên, ở nước ngoài, rủi ro sẽ là những vụ kiện về phá giá, về chất lượng mà đau nhất là về vi phạm nhãn mác, không có thương hiệu. Nếu thua, mất hẳn thị trường. Còn trong nước, khi hàng nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, áp lực cạnh tranh sẽ vô cùng lớn.

"Chỉ có thay đổi sản phẩm, cách đối xử với khách hàng mới cạnh tranh và tồn tại được. Còn nếu cứ “một đập ăn quan”, chiến lược phát triển chỉ tầm 5 năm, 10 năm rồi không biết mình đi đâu, chơi với ai… thì không thể bền vững mà cũng chẳng công ty đa quốc gia nào cho DN Việt Nam vào chuỗi giá trị và nhận làm đối tác cả”, TS. Thiên nhấn mạnh.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *