Dòng chảy vốn 21/04/2015 12:40

Hội nhập kinh tế: Việt Nam quyết tham gia giải ngoại hạng!

FICA - "Việt Nam là một trong ba nước đầu tiên trong ASEAN chấp nhận cuộc chơi TPP, phải nói là chúng ta đã dũng cảm tham gia một giải ngoại hạng thế giới chứ không phải một giải đấu thông thường", Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Năm 2015 đánh dấu thời điểm Việt Nam chính thức bước sâu hơn vào hội nhập với  việc Cộng đồng kinh tế ASEAN mang đến một thị trường 600 triệu dân, chiếm 64% dân số thế giới và 37 đối tác lớn sẽ được hình thành ngay trong năm nay.

Cùng với đó là 6 Hiệp định thương mại (FTA) song phương và đa phương dự kiến ký kết với sự góp mặt của các quốc gia lớn như Hàn Quốc, EU, Bắc Âu, Mỹ, Nhật Bản… Năm 2015 còn là một dấu mốc mới Việt Nam thực hiện sâu hơn trong cam kết với 7 Hiệp định thương mại đã ký trước đó, đặc biệt là WTO, ASEAN +…

Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân (Leader Talk) diễn ra cuối tuần qua, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói: “Có thể nói chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn nhất từ trước đến nay. Trong năm nay chắc chắn Việt Nam sẽ ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và một loạt các FTA với EU, Liên minh thuế quan. Các hiệp định FTA này sẽ không chỉ tác động tới thị trường mà còn tác động tới cả cải cách thể chế”.

"Việt Nam là một trong ba nước đầu tiên trong ASEAN chấp nhận cuộc chơi TPP, phải nói là chúng ta đã dũng cảm tham gia một giải ngoại hạng thế giới chứ không phải một giải đấu thông thường. Đây là một thay đổi lớn, kỳ vọng môi trường kinh doanh sẽ bình đẳng hơn, cạnh tranh hơn và cũng hiệu quả hơn rất nhiều. Doanh nghiệp tham gia sẽ không còn hoạt động theo cơ chế xin cho, kinh doanh bằng quan hệ, chia sẻ nữa mà dựa trên hiệu quả công việc. Đối tác toàn cầu lạnh lùng hơn nhưng nếu biết chơi với họ, chắc chắn hiệu quả kinh doanh sẽ tốt hơn”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, cuộc cải cách thể chế đã bắt đầu từ năm 2014 và diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2015. Nghị quyết 19 được coi như sự khởi đầu của làn sóng cải cách thứ 2 của nền kinh tế Việt Nam sau làn sóng thứ nhất diễn ra từ năm 2000.

"Trong bảng xếp hạng cạnh tranh ASEAN, chúng ta đang nằm trong nhóm 4 nước cuối cùng với Lào, Campuchia và Myanmar. Tuy nhiên, Chính phủ đã quyết tâm vào bán kết, quyết chơi ở đẳng cấp cao nhất của ASEAN với mục tiêu đứng xấp xỉ như Singapore, Indonesia, Malaysia... hoặc thậm chí vượt cả Thái Lan", ông Lộc nhấn mạnh. 

Cùng chung nhận định với vị đại diện từ VCCI, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc tham gia sâu hơn vào hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt về nguồn lực, biết nắm bắt thông tin, đổi mới công nghệ và đổi mới chuỗi cung ứng thị trường. Tuy nhiên, song song với đó cũng nhiều thách thức đặt ra.

Bà Vũ My Lan - Chủ tịch Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo VnAcademy (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho rằng: "Chúng ta nghe rất nhiều về việc Việt Nam đang rất háo hức chuẩn bị cho hội nhập. Đâu đó, chúng ta khá chủ quan và vô tư trước hội nhập này khi chỉ thấy cơ hội nhiều mà chưa thấy rằng điều gì có thể làm chúng ta thua trên sân nhà".

Theo bà My Lan: "Doanh nghiệp Việt Nam mà cụ thể là giới doanh nhân cần phải học tập để cải thiện năng lực lãnh đạo, thay đổi tư duy, chiến lược kinh doanh, phải chuẩn bị tốt để cạnh tranh ở sân chơi với tầm cỡ lớn hơn. Ngoài ra, cũng cần phải có tư duy cùng hợp tác để phát triển chứ không thể làm ăn manh mún như trước. Hãy nhìn Nokia, khi họ vào Việt Nam, đi theo họ là một loạt các doanh nghiệp hỗ trợ. Tại sao chúng ta không nghĩ tới làm phụ trợ để đẩy nhau lên? Trên thế giới họ đều làm như vậy, nếu mình làm khác thì chắc chắn sẽ thua", bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho rằng, với việc gia nhập cộng đồng ASEAN vào cuối năm nay sẽ làm thay đổi luân chuyển dòng vốn và biến động trong thị trường lao động của Việt Nam. Trong đó, đáng lưu ý, việc lao động được tự do luân chuyển làm việc trong khu vực có thể giúp Việt Nam cải thiện nguồn nhân lực chất lượng cao nhưng cũng khiến Việt Nam đứng trước nguy cơ không giữ chân được những nhân lực hiện tại. 

Trả lời cho câu hỏi phải phát triển theo hướng nào để thành công, đại diện doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái cho rằng, đã đến lúc phải tập trung đầu tư vào "tay phải", đầu tư vào lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp chứ không thể dàn trải như trước đây. Doanh nghiệp cũng cần có tầm nhìn dài hạn, cần đưa lên bàn tính để xác định trong 5, 10 năm nữa mình sẽ phát triển như thế nào. Bên cạnh đó, cũng cần biết dựa vào một số nguồn lực khác như doanh nghiệp tư nhân hay Tập đoàn nước ngoài để phát triển thậm chí việc liên doanh liên kết với nước ngoài cũng là một hướng đi đúng trong thời kì hội nhập.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *