Dòng chảy vốn 30/04/2014 10:42

Hình ảnh TPHCM sau 39 năm giải phóng

FICA - Sau ngày giải phóng, chính quyền TPHCM dồn sức đầu tư cho hàng loạt công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, làm tiền đề cho nền kinh tế thành phố phát triển thần tốc. Những công trình ấy cũng định hình nên TPHCM hôm nay và định hướng phát triển trong tương lai.

Xa lộ Hà Nội, cửa ngõ quan trọng nhất thành phố

Cửa ngõ lớn nhất thành phố

Xa lộ Hà Nội vốn là con đường thiên lý nối đô thị Sài Gòn cũ với các tỉnh phía Bắc có từ rất xa xưa. Từ ngày lập phố ở vùng đất này, tuyến đường trên đã trở thành cửa ngõ đường bộ quan trọng bậc nhất giúp thành phố giao thương với các vùng đất khác ở miền Đông, miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc.

Đến nay, cửa ngõ này vẫn giữ vai trò quan trọng bậc nhất trong các cửa ngõ của thành phố, đảm nhận hàng trăm ngàn lượt xe cá nhân, hàng chục ngàn lượt xe hàng hóa ra vào mỗi ngày. Chính vì lưu lượng giao thông quá lớn, tuyến đường này liên tục được nâng cấp, mở rộng. Đến nay xa lộ đã rộng 80m với 12 làn xe, có đường song hành, tuyến cây xanh ven đường; nhiều đoạn đang được mở rộng ra đến 120m, trở thành con đường quy mô nhất thành phố.

Đại lộ Đông Tây, huyết mạch nối Đông và Tây

Đại lộ Đông Tây ôm sát kênh Bến Nghé – Tàu Hủ, băng xuyên qua trung tâm thành phố

 

Suốt 30 năm sau ngày giải phóng, quốc lộ 1 là tuyến đường duy nhất nối cửa ngõ Đông Bắc và Tây Nam, giúp hàng hóa từ phía Bắc băng qua TPHCM để về các tỉnh miền Tây. Qua thời gian, đoạn đường này ngày càng quá tải, xuống cấp trầm trọng và liên tục xảy ra ùn tắc, tai nạn gây thiệt hại vô kể cho xã hội. 1 tuyến đường huyết mạch khác băng qua thành phố là nhu cầu bức thiết để TPHCM phát triển thêm một bước mới. Từ đó, đại lộ Đông Tây ra đời.

Với lộ trình nối từ cửa ngõ xa lộ Hà Nội chạy qua hàng loạt quận nội thành rồi tiến về cửa ngõ phía Tây, đại lộ Đông Tây có thể nói là tuyến đường mới quy mô lớn nhất mà TPHCM xây dựng cho đến thời điểm hiện nay. Công trình này còn có 1 hạng mục rất nổi tiếng là đường hầm Thủ Thiêm băng dưới sông Sài Gòn. Hiện đại lộ này được chia thành 3 phần: đường Mai Chí Thọ, đường hầm vượt sông Sài Gòn và đường Võ Văn Kiệt.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh, mở đường tiến về Nam

Con đường này biến cả vùng đồng ruộng thành phố thị sầm uất

Nếu đặt vào bối cảnh hiện nay thì đại lộ Nguyễn Văn Linh không lớn, cũng không dài so với các tuyến đường mới mở của thành phố. Tuy nhiên, nếu đặt vào bối cảnh cuối thế kỷ 20 thì đây gần như là 1 con đường kỳ tích băng thẳng qua vùng đất lầy lội vốn là những cánh đồng bao la, hoang vắng nằm ở phía Nam thành phố; kết nối trung tâm thành phố với quốc lộ 1, tiến về miền Tây.

Chính nhờ con đường này, vùng biên phía Nam của khu vực đô thị TPHCM vốn chỉ kéo đến quận 4 dần dần phát triển thêm về phía Nam, phát triển mạnh vùng quận 7 và Bình Chánh trong thời gian gần 20 năm nay. Cũng trên tuyến đường này, Phú Mỹ Hưng - một khu đô thị văn minh được quy hoạch bài bản ngay từ đầu ra đời, trở thành 1 đô thị kiểu mẫu, biểu tượng cho sự phát triển đô thị của TPHCM.

Cầu vượt, hầm chui – giải quyết bài toán khó

Những cây cầu vượt như cầu vượt Thủ Đức giúp giảm ùn tắc tại các giao lộ trọng điểm

Những năm đầu thế kỷ 21, TPHCM liên tục xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Diện tích mặt đường thiếu thốn là bài toán nan giải không thể giải quyết ngày một ngày hai mà cần một chiến lược đầu tư dài hơi. Lúc này, các chuyên gia giao thông bàn tính đến nhiều biện pháp hiệu quả mà tài lực thành phố chịu được. Giải pháp nút giao khác mức được nhiều chuyên gia nhắc tới.

Trong giờ cao điểm, những điểm ùn tắc thường xuất phát ngay tại các giao lộ. Lượng xe quá lớn, các dòng xe giao cắt tại giao lộ khiến thời gian hành trình tăng cao tạo thành điểm ùn. Do đó, giải pháp xây dựng nút giao khác mức được đề xuất để giảm giao cắt giữa các luồng xe.

Từ đó, nhiều nút giao khác mức ra đời tại các giao lộ trọng điểm như cầu vượt Cát Lái, hầm chui Tân Tạo, hầm chui Linh Trung, cầu vượt Trạm 2… đã cho hiệu quả thấy rõ. Biện pháp này được mở rộng với hàng loạt cầu vượt băng ngang quốc lộ 1A; cầu vượt bằng thép trong nội thị ở các giao lộ trọng yếu như vòng xoay Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức, giao lộ Lăng Cha Cả, vòng xoay Cây Gõ… Tình hình ùn tắc 3 năm nay tạm lắng một phần rất lớn là nhờ vào những cây cầu vượt, hầm chui này.

Hai tuyến kênh xanh bao quanh thành phố

2 tuyến kênh xanh giúp tô điểm cho TPHCM thêm mỹ miều

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và Bến Nghé – Tàu Hủ ngày xưa vốn là 2 tuyến đường thủy trọng yếu của Sài Gòn. Nhưng theo thời gian, 2 tuyến đường thủy này mất đi tầm quan trọng vốn có; đặc biệt là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đã mất hẳn chức năng giao thông kể từ những năm 1980, khi mà dòng kênh bị lấn chiếm, ô nhiễm nghiêm trọng.

Đến nay, hai dòng kênh này đã được thành phố cải tạo, bắt đầu hồi phục nguồn nước đảm bảo cho cá tôm sống được, dự định phát triển thành 2 tuyến du lịch đường thủy trong tương lai. Nếu tính kỹ thì vai trò giao thông của 2 tuyến kênh này không lớn, nhưng với hình thế bao bọc xung quanh khu trung tâm thành phố, việc cải tạo 2 dòng kênh này giúp nâng tầm TPHCM từ 1 đô thị phát triển nhếch nhác thành 1 đô thị văn minh, sạch đẹp và đáng sống.

Cầu Phú Mỹ và Thủ Thiêm, mở phố về Đông

Với những cây cầu, bán đảo Thủ Thiêm sẽ trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư, tương lai phát triển thành phố Đông sẽ đến sớm hơn

Tính về quy mô, trong 39 năm sau ngày giải phóng, TPHCM xây dựng khá nhiều cây cầu dài, rộng và vốn lớn tương đương như cầu Phú Mỹ và cầu Thủ Thiêm. Tuy nhiên, nếu tính về vị trí, 2 cây cầu này lại có vai trò đặc biệt quan trọng vì nó sẽ giúp TPHCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian sắp tới. Bởi 2 cây cầu này đều nối phần đô thị trung tâm hiện hữu của thành phố với bán đảo Thủ Thiêm, Phố Đông của đô thị trung tâm TPHCM.

Với việc TPHCM quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm trở thành 1 phần của khu trung tâm thành phố mới thì Thủ Thiêm tương lai chắc chắn sẽ được đầu tư nhiều để phát triển. Nhưng muốn phát triển nhanh và mạnh, Thủ Thiêm cần nhiều nguồn lực xã hội ủng hộ. Muốn có sự ủng hộ này, TPHCM phải phá thế “ngăn sông” của bán đảo Thủ Thiêm. Cầu Phú Mỹ và cầu Thủ Thiêm cùng với đường hầm vượt sông Sài Gòn chính là những công trình đảm nhận vai trò đó. Nó góp phần giúp trung tâm thành phố tiến về phía Đông, xây dựng Phố Đông trong tương lai.  

“Chuyển mình” mạnh mẽ

39 năm sau ngày giải phóng, TP Hồ Chí Minh đã và đang “chuyển mình” mạnh mẽ, là “đầu tầu” kinh tế của cả nước. TP những năm qua tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ hơn nữa; năng động, sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, làm tốt vai trò đầu tàu kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đóng góp ngày càng lớn cho cả nước...

  Dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè "hồi sinh" và trở nên thơ mộng

 

Khu vực được mệnh danh như "biểu tượng" của thành phố

 Hầm Thủ Thiêm - Công trình hiện đại bậc nhất  

 

Nhà thờ Đức Bà ngay giữa trung tâm thành phố

Một góc thành phố nhìn từ trên cao

Khu vực ngoại thành phát triển mạnh mẽ 

Nhiều công trình đang mọc lên. 

 

Tùng Nguyên - Trung Kiên

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *