Dòng chảy vốn 03/11/2014 13:49

Hạn chót 2015 và nỗi lo “những cơn sóng dữ”

FICA - Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2015 thực sự là giờ khắc đặc biệt đối với kinh tế Việt Nam, nó là năm quyết định cho việc đặt hoàn toàn “hai chân” vào sân chơi của kinh tế khu vực và thế giới

Giờ khắc ấy được coi là “hạn chót” bảo hộ trước khi để kinh tế Việt Nam hội nhập hoàn toàn vào các thể chế liên kết kinh tế khu vực và quốc tế, trong đó quan trọng nhất là WTO, AEC và TPP. Tác động của hội nhập đang ở rất gần với doanh nghiệp, người dân và vấn đề hội nhập đang nóng lên từng ngày.

 

“Sóng dữ” đang ở ngoài hiên rồi!

 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, năm 2015 thực sự là giờ khắc đặc biệt đối với kinh tế Việt Nam, nó là năm quyết định cho việc đặt hoàn toàn “hai chân” vào sân chơi của kinh tế khu vực và thế giới, nơi có rất nhiều cơ hội để khẳng định nhưng cũng không thiếu các cạm bẫy của tự do hóa thương mại. Lợi nhiều song những rủi ro và nguy cơ ngày một lớn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế.

 

Hội nhập tạo cơ hội nhưng những thách thức cũng phải được lượng hóa đầy đủ để doanh nghiệp có biện pháp đối phó

 

Năm 2015, 90% dòng thuế cho hàng hóa thông thường sẽ được bãi bỏ theo lộ trình Việt Nam thỏa thuận khi gia nhập WTO. Các ngành mở cửa hoàn toàn là đầu tư - dịch vụ, bán lẻ, thương mại và nông nghiệp…

 

Năm 2015, Việt Nam và 3 nước tiểu dùng sông Mê Kông sẽ gia nhập hoàn toàn Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cùng 6 nước phát triển hơn thỏa thuận vào 4 nội dung thỏa thuận chính: mở cửa thị trường, tự do cạnh tranh, chu chuyển tự do lao động và hội nhập toàn diện kinh tế khu vực, thế giới.

 

Và đặc biệt, năm 2015 Việt Nam sẽ gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình dương) nơi có 12 nền kinh tế mạnh hàng đầu thế giới, với Mỹ, Nhật, Hàn, Pháp Đức… Chúng ta sẽ dỡ bỏ gần như hoàn toàn thuế, dịch vụ và hàng rào bảo hộ để chơi 1 cuộc chơi công bằng.

 

Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi dỡ bỏ thuế quan và các biện pháp bảo hộ doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh trực tiếp, nền kinh tế phải cạnh tranh trực tiếp và mỗi người dân cũng phải cạnh tranh trực tiếp để tồn tại và phát triển.

 

Bỏ thuế, bỏ bảo hộ, cho phép đầu tư nước ngoài vào dịch vụ bán lẻ, chu chuyển lao động tự do, tức là miếng cơm manh áo cho doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ được trao cả cho doanh nghiệp ngoại, người dân nước ngoài.  Năm tới đây, khi gia nhập hoàn toàn kinh tế khu vực và thế giới, nền kinh tế Việt Nam được nhìn nhận sẽ bộc lộ nhiều điểm yếu, doanh nghiệp Việt càng yếu thế khi phải cạnh tranh với các tập đoàn tư bản nước ngoài đang muốn “nghiến ngấu” thị trường và tìm cách đá bay doanh nghiệp Việt để chiếm lấy thị trường. Năm tới, cuộc chơi sẽ thực sự bắt đầu và cần cảnh tỉnh cho doanh nghiệp và người dân biết điều này.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, dịch vụ bán lẻ là khâu cuối trong sản xuất đến tiêu dùng, khâu quan trọng nhất để sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Xu hướng các doanh nghiệp ngoại ồ ạt vào Việt Nam cạnh tranh, chiếm đoạt đang là cảnh báo cho thấy, chúng ta đang bị sức ép toàn diện. Nếu mất bán lẻ, kể cả bán lẻ hiện đại (siêu thị) vào tay nước ngoài, sẽ rất khốn khổ cho doanh nghiệp trong nước.

 

“Nền kinh tế chúng ta năm sau và những năm tiếp theo sẽ có độ mở rất cao, cao hơn cả Trung Quốc thì chúng ta phải nghĩ khác đi. Mặc dù giờ đã muộn nhưng theo tôi, các DN từ bây giờ hãy về củng cố thị trường trong nước đi, hãy gia cố nền móng, hậu phương vững chắc đi đã, “gió chướng”, lũ dữ của hội nhập đang ở ngoài hiên rồi”, Chuyên gia Kinh tế Lê Đăng Doanh chia sẻ.

 

Hai kịch bản cạnh tranh đang hình thành

 

Theo các chuyên gia kinh tế, hai kịch bản dễ nhận thấy nhất đối với doanh nghiệp Việt Nam sẽ là. Thứ nhất là các DN ngoại sẽ ồ ạt đổ bộ vào ngành dịch vụ, kinh doanh bán lẻ, trực tiếp phân phối hàng hóa. Với kinh nghiệm quốc tế, hệ thống quản trị và năng lực tài chính, họ sẽ cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp nội. Để mất dịch vụ bán lẻ, chúng ta mất đầu ra cho sản xuất trong nước ngay nên cần tỉnh táo.

 

Thứ hai, doanh nghiệp ngoại sẽ ồ ạt đầu tư vào các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: thủy sản, dệt may, chế biến nông sản, điện - điện tử để tranh thủ lợi thế xuất khẩu của Việt Nam. Họ hoàn toàn có khả năng và lợi thế cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước.

 

Hai kịch bản trên đã và đang được manh nha ở thị trường dịch vụ bán lẻ và nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại Việt Nam. Nó sẽ rõ hơn khi chúng ta mở cửa hoàn toàn và không còn có biện pháp hạn chế nào bắt đầu từ năm 2015.

 

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, sắp tới thương trường sẽ là chiến trường thực sự, là cuộc chiến đấu 1 mất, 1 còn chứ không có chuyện sống khỏe, sống yếu nữa. Nếu hội nhập trong lúc nền chúng ta khỏe, khi mà các DN chủ động thì chẳng khác gì chúng ta lên sàn đấu khi biết rõ cuộc chơi, đối thủ và chuẩn bị tâm lý, hơi sức để cân đong đo đếm lúc nào cần bung sức, lúc nào cần kìm để hạ đối thủ.

 

“Chúng ta hội nhập trong lúc nền kinh tế và doanh nghiệp đang ở giai đoạn yếu nhất từ vấn đề vĩ mô đến vi mô, hội nhập khi doanh nghiệp và người dân vẫn chưa nhận thực được cơ hội và thách thức rất lớn của “sân chơi phẳng”. Chưa hội nhập toàn diện chúng ta đã nhận ra nhiều điểm yếu cố hữu, nếu không sửa đổi chúng ta sẽ lép vế DN nước ngoài, thậm chí bị “đè bẹp” bởi những cá mập tập đoàn muốn thâu tóm thị trường", TS Trần Đình Thiên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

 

Theo chuyên gia Phạm Chi Lan: “Tự do hóa thương mại đang đem lại cơ hội đồng thời gieo nhiều “bẫy” mà các nước đã gặp phải. Chúng ta đã mắc 1 số cạm bẫy nhất định, đó là thành tích xuất khẩu nhiều tỷ đô nhưng đó chủ yếu là xuất khẩu thô, xuất khẩu khối lượng chứ chưa phải xuất khẩu giá trị. Xuất khẩu dựa phần lớn vào lợi thế về thị trường, hiệp định FTA (tận dụng dỡ bỏ thuế quan các thị trường) để đem lợi chênh lệch tỷ giá, chứ chưa phải là lợi thế về giá trị gia tăng, thương hiệu hay khả năng cạnh tranh nội lực của sản phẩm”.

 

Cũng theo bà Lan, chúng ta tự hào xuất khẩu số 1 vào Mỹ về giá trị kim ngạch nhưng ai biết rằng chúng ta xuất ồ ạt số lượng gấp 2, gấp 3 các nước ASEAN mới được giá trị như thế. Các nước Thái Lan, Malaysia chỉ cần xuất khẩu bằng ½ của ta, họ cũng gần bằng ta rồi. Xuất khẩu được nhiều tỷ đô đấy nhưng đó là cách chúng ta đi tắt đón đầu, trong ngắn hạn, còn về dài hạn chúng ta phải nhìn nhận đó chỉ là thành tích xuất khẩu còn cần phải cải thiện giá trị để “chạy đường dài” phía trước.

Nguyễn Tuyền
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *