Doanh nghiệp 10/04/2014 07:42

Địa ốc Dầu khí bầu lại toàn bộ Hội đồng quản trị

FICA - PVX, cổ đông lớn với tỷ lệ sở hữu 14%, đã đứng ra tổ chức đại hội bất thường bầu lại HĐQT và BKS do nhiệm kỳ 2007-2012 đã kết thúc. PVX có 3 đại diện trúng cử HĐQT mới.

Ngày 6/4, Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí (mã PVL) đã tiến hành Đại hội cổ đông bất thường với sự tham gia của 18 cổ đông, đại diện cho 25,8 triệu cổ phần có quyền biểu quyết, tương ứng chiếm 51,56%.

Đại hội lần này được tiến hành do sự triệu tập của Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (mã chứng khoán PVX) - cổ đông lớn sở hữu 14% cổ phần của PVL. Lý do mà PVX đưa ra là HĐQT  và Ban kiểm soát (BKS) của PVL đã hết nhiệm kỳ hoạt động (từ tháng 9/2007 tới tháng 9/2012).

PVX đã có văn bản yêu cầu HĐQT và BKS của PVL tiến hành tổ chức đại hội cổ đông bất thường để bầu nhiệm kỳ mới nhưng PVL không tổ chức.

Đại hội ngày 6/4 đã miện nhiệm toàn bộ các thành viên HĐQT và BKS cũ.

HĐQT mới được bầu gồm: Ông Nguyễn Văn Dũng, ông Nguyễn Doãn Luyện là đại diện phần vốn của PVC tại PVL; Ông Hoàng Quốc Khánh (Phó trưởng ban ban Tài chính kế toán - Kiểm toán của PVX), ông Trương Sỹ Minh (Giám đốc ban QLĐH dự án CV4 của PVL) là người được ông Nguyễn Văn Dũng đại diện theo ủy quyền của nhóm cổ đông đề cử; Ông Nguyễn Ngọc Toàn (Phó ban, thư ký HĐQT PVL) do PVCombank đề cử.

Ông Nguyễn Văn Dũng được bầu Chủ tịch HĐQT.

BKS mới gồm bà Vũ Thị Châm do PVX đề cử; Bà Lê Thị Thu Thảo (Kế toán ban QLĐH dự án CV4 của PVL) và ông Trần Doãn Hoàng Tùng (Phó phòng kinh tế kế hoạch của PVL) do ông Nguyễn Văn Dũng đại diện nhóm cổ đông đề cử.

Trong đó, bà Vũ Thị Châm - kế toán tổng hợp Ban Tài chính kế toán - Kiểm toán PVX là trưởng BKS. Bà Châm cũng là người duy nhất thuộc BKS cũ.

Trước đó, ngày 17/1, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã có Thông báo về việc khởi tố và bắt tạm giam đối với ông Hoàng Ngọc Sáu, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVL về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ luật hình sự.

Hành vi sai phạm của ông Sáu có liên quan đến các dự án bất động sản tại TP HCM như tự điều chỉnh số tầng của dự án hay xuất tiền của PVL (11,2 tỷ đồng) thuê văn phòng làm sàn giao dịch không.

Năm 2013, PVL lỗ hơn 31 tỷ đồng và là năm thứ 2 lỗ liên tiếp. Đầu tháng 3, PVX đã thông qua chủ trương thoái toàn bộ vốn tại PVL trước năm 2015.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/4, cổ phiếu PVL có giá 5.100 đồng/cổ phiếu. Bất chấp việc thua lỗ 2 năm liên tiếp và đứng trước nguy cơ rơi vào diện bị kiểm soát, cổ phiếu PVL tăng giá mạnh trong thời gian qua.


Thục Anh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *