Dòng chảy vốn 01/08/2014 15:35

Giao tư nhân khai thác vịnh Hạ Long: “Sao chưa làm đã lo”?

FICA - Nhà nước không nên ôm quá nhiều việc, nếu làm nhiều sẽ không hiệu quả, thay vào đó hãy làm tốt và “hồng chuyên” một thứ thôi.

Vừa qua, Bitexco và Tuần Châu có kiến nghị UBND tỉnh Quảng Ninh về việc nhượng quyền khai thác vịnh Hạ Long. Thông tin này đã nhận được nhiều phản ứng khác nhau từ các chuyên gia, trong đó có nhiều ý kiến không đồng tình bởi phải bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới nguyên trạng. Nhưng cũng nhiều ý kiến tán thành xã hội hóa khai thác và sử dụng di sản dưới sự quản lý, giám sát của Nhà nước và xã hội.

PV Dantri đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) về cơ chế hợp tác công tư (PPP) trong quản lý, khai thác và phát triển Vịnh Hạ Long.

Thưa ông, có nên giao cho DN tư nhân khai thác vịnh Hạ Long không?

Có hai vấn đề phải đặt ra và cân nhắc ở đây, nếu là giao toàn bộ khai thác cho một hoặc hai DN thì không nên bởi nó sẽ tiềm ẩn độc quyền dịch vụ và tạo tiền lệ xấu cho quản lý và điều hành di tích và danh lam thắng cảnh sau này. Còn nếu hợp tác công tư (PPP) ở một trong những hạng mục, chuỗi dịch vụ nào đó thì sao không khuyến khích. Nhà nước không nên ôm quá nhiều việc: quy hoạch, quản lý, giám sát đến khai thác… Nếu làm nhiều sẽ không hiệu quả, thay vào đó hãy làm tốt và “hồng chuyên” một thứ thôi: là giám sát và kiểm tra.

Sở hữu Vịnh Hạ Long - di sản thế giới nhưng mỗi năm khai thác dịch vụ, du lịch từ di sản này được đánh giá là dưới tiềm năng

Ở đây tôi nói là khuyến khích cho DN khai thác một trong những dịch vụ, danh lam và chỗ nên và có thể giao còn những dịch vụ, địa điểm nào thuộc bảo vệ đặc biệt thì Nhà nước vẫn quản lý. Vấn đề ở đây là phải ngồi lại quy hoạch khai thác và sử dụng như nào trong thời gian tới cho hiệu quả vì kinh nghiệm quốc tế đã có rồi.

Có rất nhiều lo ngại xung quanh ý kiến nhượng quyền thương hiệu của hai DN, ông có quan điểm như nào?

Cái lo ngại là đúng nhưng nếu cứ lo mà không có biện pháp và cách thức khai thác và sử dụng hiệu quả thì không lâu nữa, Vịnh Hạ Long sẽ khó có thể thu hút được khách du lịch bởi dịch vụ du lịch đơn điệu và tính lan tỏa của thương hiệu kém.

Trước đây, du khách thường đến để tắm biển, thăm thú phong cảnh, mua sắm và tìm hiểu đời sống tập quán bản địa. Nhưng chẳng nhẽ chúng ta mãi thế, trong khi cơ sở hạ tầng du lịch như nhà cổ, tập quán địa phương không còn hoặc đã bị phai mòn dần. Du khách đến với chúng ta hiện nay không chỉ tắm biển, thưởng ngoạn danh lam, tìm hiểu di tích mà họ còn muốn đến đây nghỉ ngơi, “tiêu tiền” mua sắm, vui chơi ở những dịch vụ giải trí đẳng cấp.

Chúng ta có những dịch vụ gì cung cấp cho du khách ngoài những chuyến tàu đêm nghỉ dưỡng và thăm quan Vịnh Hạ Long rồi về Hà Nội. Rõ ràng, chúng ta đang tự trói buộc mình, phát triển du lịch theo cách chúng ta có gì bán ấy, chứ không phải hướng đến thứ mà họ cần.

Nếu kế hoạch phát triển, dự án của DN nào phù hợp với các quy hoạch của Nhà nước và chuẩn mực ta đưa ra, tạo sao không tạo điều kiện cho DN đó “giúp” khách du lịch “tiêu tiền”. Tại sao chúng ta không nhìn mặt tích cực và quản lý mặt tiêu cực mà chưa làm đã thấy sợ?

Theo ông, có yếu tố DN tư nhân, du lịch Vịnh Hạ Long sẽ phát triển và bớt đơn điệu?

Một trong những thực tế là DN khi họ bỏ tiền ra, họ sẽ nghĩ cách để thu hồi vốn. Ở đây, vai trò quản lý nhà nước đứng ra giám sát quy hoạch, hoạt động để làm sao những vấn đề họ kinh doanh, khai thác của DN không làm ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến di sản. Nếu chủ đầu tư vi phạm, chúng ta có quyền dừng dự án và vẫn có luật trong tay.

Để DN khai thác chúng ta còn phải xem xét việc họ trình phương án khai thác, đầu tư cái gì, xây dựng cái gì tại Vịnh Hạ Long hay khu vực kế cận. Bỏ tiền ra đầu tư, họ phải xây dựng được quy hoạch phát triển ở những khu vực phụ cận, hoặc tuyến dịch vụ liên quan nhằm gia tăng thêm những dịch vụ kinh doanh. Đây cũng là yếu tố để các cơ quan xem xét quản lý.

Mô hình thành công nào cho chúng ta bài học trong khai thác hiệu quả di sản hoặc lợi thế biển?

Hiện Động Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cũng đang khai thác khá thành công bằng mô hình hợp tác công tư (PPP). Tháng 3/2010 tỉnh Quảng Bình đã nhất trí cho Công ty cổ phần tập đoàn Trường Thịnh đầu tư khai thác du lịch sinh thái tại động Thiên Đường. Hay Vinpearl (Nha Trang – Khánh Hòa) cũng khai thác du lịch biển rất thành công. Bên cạnh đó, cũng có một mô hình khác ở Tam Cốc Bích Động là nảy sinh nhiều tiêu cực do độc quyền, đây cũng là kinh nghiệm cần lưu tâm.

Kinh nghiệm quốc tế cũng thấy ở Campuchia, họ giao Angko wat cho DN tư nhân khai thác sau bao năm có việc gì đâu? Quan trọng nhất vẫn là việc chúng ta giao cho DN cái gì, đặt giới hạn cho họ làm sao và quản lý như thế nào? Chúng ta giao có chọn lọc và cần có tính cạnh tranh.

Hay xa hơn, một số kinh nghiệm quốc tế mặc dù có đặc thù khác so với Vịnh Hạ Long (khi họ không phải có một di sản) nhưng họ biết cách khai thác những nhu cầu của khách du lịch là: Lasvegas (Mỹ), Hồng Kông, Macao (Trung Quốc). Chúng ta hoàn toàn có thể có được những khu du lịch đẳng cấp quốc tế bên cạnh Vịnh Hạ Long.

Vịnh Hạ Long là di sản thế giới và có ý nghĩa lịch sử, địa chất đặc biệt nên cũng cần cơ chế khác biệt?

Vịnh Hạ Long rất lớn cả về tầm vóc lịch sử, cũng như giá trị văn hóa nên vấn đề xây dựng cơ chế riêng, đặc thù để khai thác hiệu quả nên được đặt ra. Chúng ta ở đây không nên giao hoàn toàn khai thác Vịnh cho một hai DN, mà chúng ta chỉ giao ở một khía cạnh nào mà DN đó đáp ứng có năng lực, trình độ và kinh nghiệm.

Tuy nhiên, mặc dù có di sản lớn nhưng việc vận hành khai thác du lịch tại Vịnh Hạ Long không hiệu quả. Năm 2013, vịnh Hạ Long cũng chỉ đóng góp 3% vào GDP, năm trước nữa cũng chỉ đóng góp 2% GDP, trong khi đó Vịnh là điểm nhấn cho ngành du lịch và du lịch cũng được xác định là một trong số ngành mũi nhọn của Quảng Ninh.

Trong rất nhiều quy hoạch, kể cả quy hoạch vùng, tỉnh, Chính phủ, cơ quan bộ và ngành vẫn tham vấn các tổ chức quốc tế, DN và thậm chí gần đây thuê quy hoạch nước ngoài. Rõ ràng, trong vấn đề quy hoạch, từ cơ quan cao nhất chúng ta cũng mở tư duy và chọn lọc những cái mới. Việc khai thác, sử dụng di sản quốc gia này cần hợp lý hợp tình và khai thác có hiệu quả. Không cứ mãi để du khách nước ngoài đến Vịnh rồi ra về mà không còn dịch vụ nào cho họ.

Sau Bitexco, tập đoàn Tuần Châu cũng gửi công văn tham gia đấu thầu quyền nhượng quyền khai thác Vịnh Hạ Long. Cả hai DN này đều đề xuất UBND tỉnh Quảng Ninh nhượng quyền quản lý Du lịch Vịnh Hạ Long và Vịnh Bái Tử Long trong vòng 50 năm với phí đưa ra cụ thể.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *