Dòng chảy vốn 31/10/2014 10:01

Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam lệch với khung trình độ ASEAN

FICA - Hiện tại 140 quốc gia trên thế giới có khung trình độ quốc gia, trong khi đó, ở Việt Nam, hệ thống trình độ thiếu định nghĩa rõ ràng, gây khó khăn cho hội nhập

 
Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam lệch với khung trình độ ASEAN
Người bằng cấp thấp nhiều kinh nghiệm, có thể xử lí tình huống, năng lực công việc tốt nhưng không được thừa nhận.
 
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Xây dựng Khung trình độ quốc gia Việt Nam sáng 30/10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, cái khó trong việc xây dựng khung trình độ quốc gia của nước ta ở chỗ hiện nay tồn tại song song trung cấp và trung cấp nghề, cao đẳng và cao đẳng nghề nên các mức độ giáo dục nghề nghiệp bị lệch so với khung trình độ tham chiếu ASEAN.
 

Thứ trưởng Ga cho hay, lâu nay các trường vẫn công bố chuẩn đầu ra nhưng vì chưa có khung trình độ quốc gia nên các tiêu chí chưa được nhất quán, do đó chưa so sánh được với chuẩn đầu ra của sinh viên nước ta với các nước trong khu vực. Chính vì vậy, theo dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp mới thì các hệ đào tạo này sẽ được thống nhất với nhau. Khi đó, việc phân chia các mức độ trong Khung trình độ quốc gia sẽ tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN.

 

Được biết, hiện tại 140 quốc gia trên thế giới có khung trình độ quốc gia. Trong khi đó, ở Việt Nam, hệ thống trình độ thiếu định nghĩa rõ ràng, gây khó khăn cho hội nhập.

 

Nguyên nhân là Việt Nam không có chính sách công nhận năng lực, trình độ của người lao động trải nghiệm qua thực tiễn lao động và nghề nghiệp. Do đó dẫn đến, người bằng cấp thấp nhiều kinh nghiệm, có thể xử lí tình huống, năng lực công việc tốt nhưng không được thừa nhận.

 

Bên cạnh đó, văn bằng hiện được cấp theo trình độ đào tạo nhưng không có sự tin tưởng của xã hội nói chung, người sử dụng lao động nói riêng. Chuyện bằng cấp liên thông không được chấp nhận ở nhiều nơi cũng phần nhiều do kiểm định chất lượng còn kém, chưa phát huy tác dụng, tạo niềm tin cho xã hội.

 

Theo kế hoạch, sau khi đã thống nhất, Bộ GD-ĐT, Bộ Lao động -Tthương binh và Xã hội cùng các chuyên gia sẽ xác định các yêu cầu về kiến thức, năng lực mà người lao động cần đạt được ở mỗi cấp độ để các cơ sở giáo dục ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo phù hợp.

 

Đề án phát triển và thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam sẽ được Bộ GD-ĐT tiếp tục hoàn thiện để tháng 11/2014 trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành.

 

Theo đó, cấu trúc của khung trình độ quốc gia của Việt Nam sẽ thống nhất có 8 trình độ từ tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH, CĐ, trung cấp, chứng chỉ nghề cấp I, II và III với các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm của người học. Đi kèm với đó là khối lượng học tập cần có và chứng chỉ, bằng tốt nghiệp tương xứng.

Hồng Hạnh
Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *