Dòng chảy vốn 24/10/2014 15:40

Giải ngân vốn đầu tư FDI 10 tháng vượt 10 tỷ USD

FICA - Tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 10 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,7 tỷ USD, bằng 71,2% so với cùng kỳ 2013.

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10  tháng  năm 2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 10,15 tỷ USD, tăng 5,9 % so với cùng kỳ năm 2013.

Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 20/10 cả nước có 1.306 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9,95 tỷ USD, bằng 76,1% so với cùng kỳ năm 2013.

Bên cạnh đó, có 469 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,74 tỷ USD, bằng 60,9% so với cùng kỳ năm 2013.

Tính chung cả cấp mới và tăng vốn trong 10 tháng năm 2014, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 13,7 tỷ USD, bằng 71,2% so với cùng kỳ 2013.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 636 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,7 tỷ USD, chiếm 70,8% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 10 tháng năm 2014.

Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 29 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,22 tỷ USD, chiếm 8,9%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,03 tỷ USD chiếm 7,5% tổng vốn đăng ký.

Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 56 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 3,6 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,64 tỷ USD, chiếm 19,3 % tổng vốn đầu tư; Hồng Kông đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,67 tỷ USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 1,66 tỷ USD, chiếm 12,1%.

Nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó dẫn đầu về đầu tư nước ngoài là TPHCM với 2,85 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư. Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,38 tỷ USD, chiếm 10,1%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 1,37 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo là Bình Dương, Hải Phòng, Hà Nội với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 1,36 tỷ USD; 993 triệu USD và 954 triệu USD.

Samsung là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm nay với 2 dự án tại TPHCM (1,4 tỷ USD) và Bắc Ninh (1 tỷ USD). Ngoài ra còn có dự án Công ty TNHH khoa học công nghệ Texhong Ngân Hà do nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư tại Quảng Ninh vốn đầu tư 300 triệu USD; Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, nhà đầu tư Bỉ tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 259,4 triệu USD.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *