Dòng chảy vốn 22/01/2015 07:56

FDI vào giáo dục: Tập trung 3 thành phố lớn, vắng bóng vùng nông thôn

FICA - Các dự án chủ yếu tập trung vào ba thành phố lớn của ba miền là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tính riêng các dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục tại ba thành phố này đã chiếm tới 90,8 % tổng vốn đăng ký toàn ngành.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến ngày 15/12/2014,đã có 204 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam đầu tư vào ngành giáo dục và đào tạo, với tổng số vốn đăng ký đạt 825,5 triệu USD.
 
Về đối tác đầu tư, các nước có nền giáo dục - đào tạo hiện đại như: British Virgin Islands, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Singapore, Australia,... đều có dự án đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, British Virgin Islands dẫn đầu với 188,67 triệu USD trên 21 dự án.

Phân theo địa phương, các dự án chủ yếu tập trung vào ba thành phố lớn của ba miền là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tính riêng các dự án FDI trong lĩnh vực giáo dục tại ba thành phố này đã chiếm tới 90,8 % tổng vốn đăng ký toàn ngành. Còn lại là một số tỉnh khác.

Điều đáng nói là chưa có một dự án FDI vào dịch vụ giáo dục được thực hiện ở nông thôn. Điều này thể hiện sự phân bố không đồng đều và gây ra tình trạng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, mật độ dân số ngày càng tăng, vì vậy giá tiền thuê đất cũng ngày càng leo thang, dẫn tới chi phí xây dựng dự án sẽ tăng.

Trong khi đó, nếu ở hai thành phố lớn này ngày càng xuất hiện nhiều các trung tâm đào tạo của cả ở trong và ngoài nước sẽ dẫn tới nguy cơ nhu cầu thị trường bị bão hòa. Trong khi đó, ở vùng nông thôn, dù có lực lượng lao động dồi dào, với nhu cầu lớn về giáo dục, thì số dự án đăng ký cấp giấy phép đầu tư lại quá ít.

Trong các dự án FDI về giáo dục - đào tạo, số lượng dự án thành lập các trung tâm đào tạo ngắn hạn có số lượng lớn nhất, tiếp đó là đến các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục mầm non. Cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở khác chiếm số lượng không đáng kể.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, có thể thấy, xu hướng đổi mới và phát triển giáo dục diễn ra ở quy mô toàn cầu đang tạo cơ hội tốt để giáo dục Việt Nam nhanh chóng tiếp cận với các xu thế mới, những quan niệm, phương thức tổ chức mới, tận dụng được kinh nghiệm quốc tế để đổi mới và phát triển, khắc phục nguy cơ tụt hậu. Nhờ vậy, ngành giáo dục – đào tạo Việt Nam từng bước nâng cao trình độ, uy tín và năng lực cạnh tranh của mình trong khu vực và quốc tế.

Khi đón làn sóng FDI vào giáo dục cũng có nghĩa là nền giáo dục trong nước phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Chính sự cạnh tranh này buộc nền giáo dục trong nước sẽ phải có những thay đổi nhất định để không bị tụt hậu như chuyển qua chế độ học tín chỉ; cải tổ toàn bộ cách dạy ngoại ngữ trong trường, giáo viên chủ yếu nói tiếng Anh trong giờ học... Và, để có thể tự tin trong cạnh tranh với các đối tác nước ngoài, thì một trong những yêu cầu bắt buộc là phải quốc tế hóa đội ngũ giáo viên giảng dạy, gia tăng đội ngũ nguồn nhân lực từ nước ngoài vào không chỉ trong giảng dạy, mà còn trong công tác quản lý... Đây là cơ hội giúp chất lượng giảng dạy của Việt Nam tăng cao so với trước đó.

Mặc dù chưa nhiều dự án đầu tư, nhưng các cơ sở đào tạo có vốn FDI trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả rất đáng kể. Phần lớn các dự án là của các nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Anh, Australia... là những nước có nền giáo dục chất lượng hàng đầu thế giới, có bề dày lịch sử lâu đời. Bằng cấp của các nước này được công nhận và được coi như chuẩn mực cao trên toàn thế giới. Nhờ vậy, ngành giáo dục - đào tạo Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận được nền giáo dục quốc tế, với phương pháp giảng dạy, nghiên cứu, học tập... tiên tiến, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên Việt Nam được theo học các chương trình chất lượng quốc tế ngay trên quê hương mình.

Đặc biệt, ở lĩnh vực đào tạo nghề, nhất là tin học và ngoại ngữ, các dự án đều được triển khai rất nhanh, tạo được uy tín với học viên và góp phần nâng cao trình độ cho đông đảo người Việt Nam, nhất là đối với thanh niên. Nhờ vậy, người lao động có cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đội ngũ lao động xuất khẩu ra nước ngoài, cũng như vào các khu chế xuất, khu công nghiệp và tăng khả năng được đào tạo ở nước ngoài, giúp cho người Việt Nam tiến nhanh hơn trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, điểm hạn chế là một thực tế khi thu hút FDI vào giáo dục - đào tạo của nước ta vẫn còn chưa được như kỳ vọng. Nhìn chung, số lượng dự án và số vốn FDI vào ngành GD-ĐT khá khiêm tốn so với các ngành khác, chỉ chiếm 1,17% số lượng dự án và 0,33% tổng số vốn FDI toàn quốc. Quy mô trung bình trên một dự án còn quá thấp (khoảng hơn 4 triệu USD/ dự án) so với mặt bằng chung của một dự án FDI tại Việt Nam là 14,3 triệu USD, xếp thứ 16/18 ngành kinh tế có vốn FDI của nước ta.

Hiện nay, nước ta có cơ cấu dân số rất trẻ, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động rất cao (tỷ lệ vàng), họ cần và tích cực tham gia vào quá trình giáo dục - đào tạo. Bên cạnh đó, tình trạng thừa lao động, nhưng thiếu việc làm, số lượng lao động tập trung nhiều vào nông nghiệp, nên lực lượng lao động này cần được đào tạo nghề để chuyển sang các ngành công nghiệp và dịch vụ.

Điều đáng nói là, dù đang rất cần, nhưng việc xúc tiến đầu tư FDI vào lĩnh vực giáo dục chưa thực sự mạnh mẽ, các dự án giáo dục - đào tạo chưa thực sự được chú trọng trong việc xúc tiến, giới thiệu với nhà đầu tư nước ngoài.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *