Dòng chảy vốn 25/11/2015 14:21

FDI ồ ạt đổ vào nền kinh tế, nông nghiệp vẫn chỉ “chầu rìa”

Bộ KH-ĐT cho rằng, nông nghiệp vẫn đang “đứng ngoài cuộc” dù FDI có xu hướng tăng tại hầu hết lĩnh vực: công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng... Vốn FDI vào nông nghiệp cho đến nay vỏn vẹn chiếm 2,8% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), mặc dù là ngành có tiềm năng và lợi thế để phát triển, song tỷ trọng vốn FDI vào lĩnh vực nông lâm thủy sản ở Việt Nam luôn thấp.

“Trong khi đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có xu hướng tăng trong hầu hết các lĩnh vực như công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, xây dựng... thì nông nghiệp lại là lĩnh vực đứng ngoài cuộc”, Bộ KH-ĐT nhận định.

Số liệu thống kê cho thấy, trong 10 tháng năm 2015, chỉ có 18 dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông lâm thủy sản với tổng vốn cấp mới 176 triệu USD, một con số tương đối nhỏ so với tổng vốn cấp mới trong 10 tháng qua là 12,4 tỷ USD.

Đồng thời cũng chỉ có 16 dự án tăng vốn với tổng vốn tăng thêm là 127 triệu USD, so với tổng vốn tăng thêm của cả nước là 19,3 tỷ USD.

Lũy kế đến tháng 10/2015, tổng cộng Việt Nam thu hút được 547 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư đạt khoảng 4 tỷ USD. Con số này vỏn vẹn chiếm 2,8% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam.

Vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Tiền phong)
Vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Tiền phong)

Kết quả này hoàn toàn trái ngược với những lợi thế và tiềm năng phát triển ngành này - là quốc gia luôn nằm trong top 5 các nước xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su... nhiều nhất thế giới.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài chưa mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp do thủ tục hành chính thực hiện chậm, nhất là thủ tục khảo nghiệm kéo dài rất lâu, thường phải mất vài ba năm thực hiện mới cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm.

Do sự chậm trễ này mà sản phẩm có hàm lượng khoa học công nghệ cao rất dễ trở thành lỗi thời khi được cho phép đưa vào sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khó khăn về việc tìm kiếm diện tích đất đai quy mô lớn để triển khai các dự án về nông nghiệp cũng gây khó khăn cho nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp.

Còn nhớ, tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh bày tỏ, một trong những mối trăn trở lớn nhất của ông suốt nhiệm kỳ vừa qua là vấn đề nông nghiệp nông thôn.

“Ruộng của chúng ta chia manh mún, bé tí, từ máy bay nhìn xuống, ruộng, kể cả ở đồng bằng sông Cửu Long, chia nát bét, những ô ruộng chỉ bé tí bằng căn nhà này thôi. Ngày xưa ruộng thẳng cánh cò bay thì bây giờ đã phân đất cho hộ gia đình tự cứu lấy mình trong giai đoạn trước, bây giờ tình trạng này đang cản trở lại nền sản xuất lớn”, ông Vinh nói.

Trả lời cho câu hỏi, vì sao sản xuất một cân ngô và một cân đậu tương ở Việt Nam đắt gấp 3 lần so với Mỹ sản xuất, vị tư lệnh ngành đầu tư dẫn chứng:

“Cánh đồng của họ thẳng cánh cò bay, một công lao động bằng máy móc bằng 1.000 người Việt Nam, nên giá thành ngô của họ chỉ bằng 1/3 giá thành ngô Việt Nam. Họ có sức cạnh tranh vì doanh nghiệp thì chỉ mua của người bán rẻ”.

Ngoài ra, “bắt mạch” nguyên nhân khiến FDI vào nông nghiệp thấp, Bộ KH-ĐT còn cho rằng, do hạ tầng tại vùng nông nghiệp còn kém, lao động có tay nghề được đào tạo bài bản có rất ít.

Hơn nữa, qua nhiều diễn đàn thảo luận, các doanh nghiệp FDI cho rằng các chính sách ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp như hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực mới chỉ áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, chưa áp dụng đối với doanh nghiệp FDI nên các nhà đầu tư còn hạn chế trong việc đầu tư vào lĩnh vực này.

Tại Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng khẳng định: “cần phải có chính sách phù hợp để thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp”.

Rõ ràng, nhiệm vụ phát triển ngành nông nghiệp vững mạnh là nhiệm vụ chung hàng đầu và cần tăng cường thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp, đem lại mô hình quản lý mới, tăng khả năng cạnh tranh cho nông nghiệp Việt Nam.

Bài toán này cần giải quyết sớm, khi Việt Nam đã hội nhập sâu với hàng loạt Hiệp định thương mại tự do như AEC, TPP…và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *