Dòng chảy vốn 19/12/2014 07:35

EVN khẳng định chưa đề xuất tăng giá điện

Cho đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chưa có bất cứ đề xuất điều chỉnh giá điện nào.

Đó là khẳng định của ông Cao Quang Quỳnh, Phó Trưởng ban Quan hệ Cộng đồng EVN trước thông tin Tập đoàn đang có dự định tăng giá điện khi đã kiến nghị điều chỉnh giá bán điện bình quân trong năm 2014 lên 1.652,19 đồng/KWh, tăng 9,5% so với giá bán điện hiện hành.

 

Rất nhiều tờ báo đã đăng tải thông tin này và cho biết thêm, đề xuất tăng giá điện đang được Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) xem xét. Nếu được thông qua thì đây sẽ là mức tăng giá điện cao nhất trong 3 năm trở lại đây.

 

"Tôi không rõ các báo lấy thông tin từ đâu, EVN không hề đưa ra thông tin nào như thế. Việc tăng giá điện hay không được thực hiện theo lộ trình, còn bây giờ EVN chưa có đề xuất gì và Chính phủ cũng chưa có quyết định gì".

 

Phó Trưởng ban Quan hệ Cộng đồng EVN phủ nhận kiến nghị tăng giá điện thêm tới 9,5%
Phó Trưởng ban Quan hệ Cộng đồng EVN phủ nhận kiến nghị tăng giá điện thêm tới 9,5%

 

Trước đó, Văn phòng Bộ Công thương đã có văn bản thông báo kết luận của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tại hội nghị giao ban tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh tháng 11/ Trong đó, có yêu cầu Cục Điều tiết điện lực phối hợp Tổng cục Năng lượng nghiên cứu phương án điều chỉnh giá điện để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ. 

 

Về việc này, Phó Trưởng ban Quan hệ Cộng đồng EVN cho rằng, văn bản trên là thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công thương, còn thời điểm như thế nào trong đó hoàn toàn không ghi rõ.

 

Lần gần nhất giá điện được điều chỉnh tăng là vào ngày 1/8/2013, với mức tăng thêm 71,85 đồng. Theo Quyết định 2165 ngày 11/11/2013 của Thủ tướng, đến năm 2015, khung giá điện được tăng từ 1.437-1.835 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế GTGT), mức cao nhất sẽ tăng 21,6% so với hiện nay.

 

Do đó, nếu giá điện tăng ở mức 9,5% thì hoàn toàn nằm trong khung giá.

Ngoài ra, Quyết định 69 của Chính phủ ban hành tháng 11/2013 cho phép EVN được quyền tăng giá điện trong phạm vi 7%; từ 7%-10% phải xin ý kiến Bộ Công Thương; từ trên 10% phải xin ý kiến Thủ tướng. Thời gian tối thiểu giữa 2 lần tăng giá điện là 6 tháng.

 

Tuy nhiên theo các chuyên gia kinh tế, cần lưu ý mức giá điều chỉnh thực tế phải dựa trên biến động đầu vào để tính toán cho hợp lý, không thể cứng nhắc áp theo lộ trình hay dự kiến giá thành được hình thành từ thời điểm trước. Lý do vì nhiều chi phí đã biến động quá mạnh trong những tháng cuối năm giúp cho EVN giảm bớt nhiều gánh nặng đầu vào.

 

Đáng kể là giá dầu giảm tới hơn 30% nên dù nguồn điện phát dầu cuối năm tăng nhưng việc giảm sâu giá dầu vẫn giúp EVN “dễ thở” hơn. Ngoài ra, trừ thời điểm cuối năm khô hạn, nhìn chung thủy điện trong năm 2014 khá thuận lợi, mặt hàng than tiến tới giá thị trường cũng giảm so với trước…

 

Báo Dân Việt dẫn lời chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, trước đây EVN thường kêu lỗ nặng để tăng giá điện. Lỗ của EVN lúc đó dựa trên giá dầu, than cao nhưng hiện nay giá dầu, than đã giảm mạnh theo thị trường thì lỗ của EVN cũng phải tính lại để có căn cứ tăng giá điện hiện nay là bao nhiều thì vừa.

 

Thực tế năm 2014 cho thấy, EVN đã gặp nhiều thuận lợi với các yếu tố đầu vào giảm. Đầu tiên là việc giá dầu sụt giảm tới 30%, thấp hơn nhiều so với năm 2013 giúp chi phí sản xuất điện từ dầu chắc chắn thấp hơn nhiều so với căn cứ tính giá điện hiện nay. Giá than bán cho điện đã theo thị trường, đồng nghĩa với xu hướng giảm chứ không tăng.

 

Năm nay, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc theo dự báo của Bộ Công Thương cũng chỉ khoảng 2.460 triệu kWh, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2013. “Những yếu tố này cần được đề cập rõ ràng trung thực trước khi xin tăng giá điện”-bà Lan nói.

 

Còn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, giá điện đã có khung theo lộ trình thì nên tăng vừa phải và theo đúng lộ trình để tránh gây sốc cho người dân và doanh nghiệp.

Theo Khải An

Đất Việt

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *