Dòng chảy vốn 05/11/2014 06:30

Đừng để thành sân bay 'đắt nhất hành tinh'

Nhất trí cần có một sân bay tầm quốc tế khi trở thành nước công nghiệp hóa nhưng ĐB Đỗ Văn Đương muốn làm rõ câu hỏi then chốt 'tiền ở đâu'.

Đừng để thành sân bay 'đắt nhất hành tinh'

 

VietNamNet ghi lại các ý kiến tại phòng họp tổ của đoàn ĐBQH TPHCM chiều 4/11 với dự án sân bay Long Thành. Phần lớn đồng tình chủ trương đầu tư nhưng cũng không ít băn khoăn, lo lắng:

 

ĐB Đỗ Văn Đương: Có của ăn của để rồi làm

 

Trong khi các sân bay ở VN đang hoạt động cầm chừng, mà mình lại bảo xây dựng sân bay mới, dân đang bức xúc ở chỗ này. Làm gì thì làm phải chú ý đến niềm tin của dân. Người dân quan trọng lắm.
 

Tiếp theo người ta nói bây giờ tiền đâu? Phải đặt trong bối cảnh chung của nền kinh tế xã hội. Bây giờ chỉ vào chiến lược phát triển hàng không còn rất nhiều vấn đề. An sinh xã hội, đường sắt, trường học, bệnh viện mà chúng ta đã làm.

 

Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói "Biển Đông ngàn dặm giang tay giữ". Bây giờ TQ xây như thế, mình không đầu tư phát triển, có nguồn lực nhất định để đầu tư bảo vệ Tổ quốc. Tập trung tiềm lực quốc phòng, tận trung tiềm lực để khai thác đánh bắt thủy sản, vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa bảo vệ môi trường, vừa tăng trưởng kinh tế.

 

Ngoài vấn đề tiền là các vấn đề luận chứng kinh tế quy hoạch, kinh tế xã hội, đền bù giải phóng mặt bằng. Kinh tế xã hội có rất nhiều suy đoán. Các con số 100 triệu khách, 150 triệu khách đến năm 2020, suy đoán quá. Thử hỏi 55 năm, khách du lịch vào VN chúng ta có bao nhiêu, và có phải người ta chỉ đến qua VN không?

 

Bây giờ phải có những luận chứng về kinh tế kỹ thuật một cách thuyết phục để cho người dân tin và chúng ta có cơ sở thực hiện. Điều đấy rất quan trọng. Theo tôi, về sau này, đất nước đang phát triển, về lâu dài là một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì cần phải có một sân bay mang tầm quốc tế. Nhưng bây giờ quyết định chủ trương đâu tư, nhưng mà thời điểm đầu tư không phải là sau khi QH cho chủ trương, mà ít nhất phải sau năm 2030.

 

Khi có của ăn của để rồi chúng ta mới làm. Còn bây giờ có quyết định để có kế hoạch, quy hoạch. Đừng để bây giờ chưa thấy đâu cả mà báo chí đã phản ánh một loạt dự án quanh đó rồi. Mà sau này không quy hoạch. Vấn đề đền bù, giải tỏa mặt bằng ảnh hưởng, sau này sẽ trở thành những con đường đắt nhất hành tinh, những sân bay đắt nhất hành tinh. Phải có quyết định chủ trương để có kế hoạch quy hoạch cụ thể thì tôi cho rằng rất cần thiết, nhưng thời điểm không phải bây giờ, mà ít nhất là 20 năm nữa.

 

ĐB Trần Du Lịch: Mở thêm đường bay là vô phương

 

Quan điểm của tôi có thể khác một số vị, tôi cho rằng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần thêm một sân bay. Sân bay Long Thành là lâu dài bởi nó nằm trên quy hoạch vùng đô thị TPHCM. Trong tương lai vùng này tồn tại 2 sân bay. Vấn đề đặt ra là cần thiết, lâu dài nhưng có cấp thiết hay không.

 

Cần thiết và cấp thiết khác nhau. Cần thiết là tùy thuộc khả năng có mở rộng Tân Sơn Nhất, nâng lên phục vụ 35 - 40 triệu hành khách hay không? Nếu nâng cao nhất đạt 35 - 40 triệu khách thì sau 5 năm mới tính chuyện làm Long Thành. Nhưng theo tình hình đề xuất là làm ngay dự án, 2016 hay 2017. Tôi cũng nói rõ không có phương án mở đường bay Tân Sơn Nhất. Đó là vô phương. Vì nếu mở đường bay thứ 3 sẽ mở qua khu công nghiệp Tân Bình kéo tới Quang Trung.

 

Với 2 đường bay nâng cấp, mặc dù 2 đường băng cách nhau 300m, nhưng theo tiêu chuẩn là hơn 1000m thì hai máy bay mới hạ cánh cùng một lúc được. Còn hiện nay hai mà như một, phải chờ anh kia xuống thì anh mới lên thành ra mất 2 phút mới giải quyết được một chuyến bay. Khi cất, hạ cánh bị hai hạn chế về không lưu, một cái hạn chế phía tây bị lõm phía Campuchia, nếu hạ phía đó thì vi phạm.

 

Hạn chế nữa là sân hay Biên Hòa cách 55 cây số, thành ra máy bay bay một cái, chuẩn bị hạ cánh thì có một chiếc quân sự lên là chúng ta thường xuyên bị bay trên trời 10 phút chờ hạ cánh. Hai hạn chế này cho rằng tối đa cho 188 ngàn chuyến/năm.

 

Có ý kiến nói rằng, với hai đường băng này có thể nâng lên vận chuyển 35 triệu, thậm chí 40 triệu hành khách, đấy là vấn đề cần làm rõ.

 

ĐB Trương Trọng Nghĩa: Lượng thông tin lớn

 

Tại sao dự án sân bay Long Thành khi khởi đầu lại ở Long Thành mà không phải Lâm Đồng, không phải Tây Ninh, không phải Tiền Giang? Bây giờ tôi vẫn chưa hiểu tại sao. Giả dụ bây giờ có ai nói rằng sân bay Long Thành cũng giống như tàu điện thì đã ai phản biện cái đó chưa? Tôi cũng không biết.

 

Cử tri có những người xuất sắc hơn chúng ta về mặt chuyên môn. Họ khách quan, họ không bị chi phối bởi lợi ích, không sợ cấp trên cấp dưới khi phát ngôn. Nên tôi thấy rằng với thời lượng, số lượng thông tin như thế này thì lần này QH không nên quyết định chủ trương. Một chủ trương lớn như thế này cũng không nên đưa ra vài ngày để rồi quyết định. Chúng ta có một lượng thông tin lớn, còn 6 tháng đến kỳ họp sau.

 

Từ đây đến 6 tháng ấy, đề nghị QH mang những thông tin này về, đi tham khảo thêm các cử tri về lĩnh vực chuyên môn. Chính phủ có thể tổ chức một số hội nghị khoa học phản biện.

 

Sau khi phản biện xong đưa ra thảo luận tại kỳ họp tới, Bộ GTVT đưa trở lại tất cả các kết quả đó cho QH.

 

ĐB Võ Thị Dung: Chưa cấp thiết

 

Chủ trương xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai là cần nhưng chưa cấp thiết để tiến hành trong thời điểm hiện nay. Nhất là trong điều kiện nền kinh tế mà nợ công là vấn đề mà đại biểu và cử tri hết sức quan tâm. Nguồn vốn để đầu tư cho sân bay quốc tế Long Thành trong tờ trình không khả thi ở chỗ, ở giai đoạn một, Chính phủ để thuyết phục đại biểu, đã cho rằng nguồn vốn chính ở đây là không phải là ngân sách nhà nước.
 

Nhưng tôi cho rằng với quan điểm đề xuất cơ chế sử dụng 5.000 tỉ trong nguồn vốn cổ phần hóa của Tổng công ty hàng không và các công ty trực thuộc để xử lí việc giải tỏa đền bù ở đây mà cho rằng đấy không phải là nguồn ngân sách nhà nước thì tôi không đồng ý và cử tri cũng không chấp nhận được. Đó là tiền nhân dân chứ sao lại nói cái đó là tiền cổ phần hóa.

 

VN hiện nay đã phải vay để mà trả rồi nên nguồn vốn là chưa khả thi. Bây giờ đầu tư, hiệu quả chưa có chuyên gia uy tín nào khẳng định. Tính cần thiết để có một sân bay phục vụ cho tương lai như Long Thành thì cần tính lại quy mô. Mặc dù tính sau năm 2030 nhưng với quy mô 5.000ha như tờ trình của Chính phủ thì tôi cho rằng quá lớn. Chưa cấp thiết cho sự phát triển của đất nước.

 

Về thời điểm đầu tư, tôi đề nghị dự án này phải tiếp tục nghiên cứu về nhiều mặt và cần dẫn ý kiến phản biện trong nước, ngoài nước của chuyên gia tâm huyết, có chuyên môn để tham gia thêm, làm cơ sở cho QH. Có thể sau 10 năm nữa, sau năm 2030, sẽ tính toán việc đầu tư này. Còn trước mắt phải giảm nợ công, giảm gánh nặng cho dân.

 

Theo Vietnamnet

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *