Dòng chảy vốn 01/09/2015 10:18

Đồng Rúp mất giá, Việt Nam có bị “vạ lây”?

Việc đồng Rúp sụt giá được cho là sẽ tác động cả trực tiếp lẫn gián tiếp lên nền kinh tế Việt Nam nhất là khi Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu vào hồi tháng 5 vừa rồi.

Theo số liệu được Công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) tổng hợp tại một báo cáo gần đây, trong vòng 1 năm qua, đồng Rúp (RUB) của Nga đã sụt giảm mạnh. Trong nửa đầu năm, đồng Rúp hồi phục đôi chút nhưng trong vòng 3 tháng tiếp theo lại sụt giảm mạnh mẽ. Tỷ giá hiện tại là 70,8 Rúp/USD, vượt qua đỉnh đạt được vào cuối tháng 1 năm nay.

So với đầu năm, đồng Rúp đã giảm giá 19,68% so với USD. Tính từ ngày 18/5/2015, đồng Rúp đã tụt giá 40,9%. Trong khi đó, so với đầu năm, các đồng tiền chủ chốt khác như Euro và Yên đã giảm giá 7,2% và 0,4% tương ứng.

russia-3124366b-1441021142312

Đồng Rúp đã "bốc hơi" phân nửa giá trị sau hơn 3 tháng

Đánh giá về tác động của đồng Rúp lên kinh tế Việt Nam, theo VPBS, Nga chiếm 0,8% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 0,38% kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu năm 2015.

Ngày 29/5 năm nay, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEC), một thị trường với 175 triệu dân và GDP đạt trên 2.500 tỷ USD. Trong thương mại song phương, Việt Nam có thặng dư với EAEC. Đa số các mặt hàng được giao dịch mang tính chất bổ sung cho nhau, không cạnh tranh.

Các mặt hàng nhập khẩu chính bao gồm xăng dầu và sắt thép trong khi các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm sản phẩm nông nghiệp (thủy sản, cà phê) và các sản phẩm công nghiệp chế biến (dệt may, hàng may mặc, giày dép và đồ gỗ). Theo Hiệp định, Việt Nam và EAEC sẽ mở cửa thị trường, cắt giảm 90% dòng thuế, liên quan đến khoảng 90% kim ngạch thương mại song phương. Việt Nam sẽ mở cửa thị trường đối với một số sản phẩm chăn nuôi, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải...

Tính đến ngày 21/8, VND đã giảm giá 5,17% so với USD kể từ đầu năm. Tuy nhiên, sự sụt giảm này ít hơn nhiều so với mức giảm giá nội tệ của các đối tác thương mại khác trong EAEC. VPBS lo ngại, suy thoái tại Nga, hay bất kỳ quốc gia nào trong EAEC sẽ có một số tác động đến nền kinh tế Việt Nam qua 3 con đường.

Thứ nhất, sự suy giảm trong thu nhập của người dân sẽ làm giảm nhu cầu của họ đối với hàng hóa Việt Nam.

Thứ hai, sự mất giá với mức độ lớn hơn của các đồng tiền tại các nước này sẽ làm cho hàng hóa Việt Nam trở nên đắt hơn, khiến nhu cầu đối với hàng hóa Việt Nam suy giảm. Quan trọng hơn, sự mất giá của các loại tiền tệ sẽ tạo thêm áp lực đối với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, và các quốc gia châu Á khác giảm giá đồng nội tệ hơn nữa. Kết quả là cán cân thương mại Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu Việt Nam không thể tiếp tục tham gia cuộc đua phá giá tiền tệ.

Ngoài ra, cộng đồng người Việt tại Nga có thể gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh, việc chuyển tiền ròng về Việt Nam có thể bị tác động tiêu cực.

Cho đến nay, hầu hết các dự báo đều nhận định, GDP của Nga sẽ giảm 3-3,5% trong năm 2015, với mức giảm đáng kể trong nhu cầu tiêu dùng và đầu tư được bù đắp một phần do nhập khẩu giảm. Theo đó, nước này sẽ thiệt hại nghiêm trọng về mặt sản xuất và mức sống của người dân khi mức lương thực tế được dự báo giảm đến 10%, mức giảm lớn nhất kể từ đầu thế kỷ 21.

Bích Diệp

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *