Dòng chảy vốn 29/01/2015 14:01

Đối tượng buôn lậu móc nối với nhân viên hàng không, hải quan

FICA - Việc buôn lậu các mặt hàng như vàng, điện thoại di động, ngoại tệ, cổ vật, kim cương, đồng hồ, ma túy, sừng tê giác qua đường hàng không thường có sự móc nối tham gia của một số cán bộ, nhân viên đại diện hàng không Việt Nam ở nước ngoài, cán bộ hải quan...

Thiếu tướng Trần Văn Vệ, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) cho biết năm 2014 toàn lực lượng đã phát hiện, điều tra gần 9.000 vụ, 8.163 đối tượng buôn lậu hàng cấm, hàng giả; thu hồi trên 305,5 tỷ đồng. “Nhìn chung tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn ra rất phức tạp”- ông Vệ nhận định.

 

Thiếu tướng Trần Văn Vệ.

Thiếu tướng Trần Văn Vệ.

 

Thu giữ hàng nghìn điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad

 

Thiếu tướng Trần Văn Vệ cho biết việc buôn lậu qua các tuyến đường hàng không đang được các đối tượng sử dụng thường xuyên.

 

“Lợi dụng các đường bay quốc tế, các đối tượng buôn bán, vận chuyển lậu các mặt hàng gọn nhẹ, có thuế suất cao như vàng, điện thoại di động, hàng điện tử, thuốc tân dược, ngoại tệ, cổ vật, kim cương, đồng hồ, ma túy, sừng tê giác, sản phẩm từ ngà voi…  thường có sự móc nối tham gia của một số cán bộ, nhân viên đại diện hàng không Việt Nam ở nước ngoài, bộ phận vận chuyển hàng hóa, cán bộ hải quan kiểm tra, kiểm soát ở cửa khẩu”- báo cáo của Tổng cục Cảnh sát nhận định.

 

Theo Tổng cục Cảnh sát, năm 2014 Cục cảnh sát kinh tế (C46) phối hợp với Hải quan sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất bắt giữ 7 vụ, khởi tố 3 vụ, thu 2,15 kg vàng, 13,1 kg sừng tê giác, hàng ngàn điện thoại iPhone, máy tính bảng iPad trị giá nhiều tỷ đồng.

 

Thiếu tướng Trần Văn Vệ.

Một vụ buôn lậu số lượng lớn điện thoại hạng sang qua sân bay Nội Bài bị bắt giữ gần đây. (Ảnh: Tiến Nguyên).

 

Thay đổi nhãn mác để chống đối

 

Tổng cục Cảnh sát cho biết ở tuyến biên giới phía Bắc, hàng lậu tiêu dùng (vật liệu xây dựng, đồ may mặc, vải, điện thoại di động giả, hàng khô, đồ ăn uống, hoa quả,…) chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi Tổng cục Cảnh sát và công an địa phương thực hiện chuyên án 807M triệt phá đường dây buôn lậu hàng tiêu dùng từ Trung Quốc về Việt Nam qua TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vào cuối năm 2014 (bắt giữ trên 120 tấn hàng lậu trị giá khoảng 30 tỷ đồng), tình hình buôn lậu qua khu vực đường biên tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn có lắng xuống.

 

“Tuy nhiên các đối tượng lách luật chuyển sang thủ đoạn thuê số lượng lớn cư dân biên giới mua gom hàng hóa theo tiêu chuẩn dưới 2 triệu đồng/người/ngày mua miễn thuế theo Quyết định 254/2006 của Chính phủ và sau đó gom lại vận chuyển vào sâu trong nội địa”- Tướng Vệ cho biết.

 

Hoạt động buôn lậu tại tuyến biên giới miền Trung, Tây Nam có giảm nhưng theo đánh giá của Tổng cục Cảnh sát vẫn tiềm ẩn phức tạp với các mặt hàng chủ yếu như rượu bia ngoại, đường cát, thuốc lá điếu được vận chuyển qua các tỉnh biên giới như Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang.

 

Tại tỉnh Đồng Tháp và An Giang nổi lên hoạt động buôn lậu đường cát. Đường cát của Thái Lan sản xuất sau khi vận chuyển qua biên giới được các đối tượng tổ chức chuyển đổi sang bao bì do Việt Nam sản xuất hoặc bao bì từ Campuchia rồi mới đưa về Việt Nam qua các sông rạch dọc biên giới.

 

“Khi bị phát hiện kiểm tra thì khai báo là đường cát sản xuất trong nước, có hóa đơn mua bán, vận chuyển của các doanh nghiệp Việt Nam. Các mặt hàng buôn lậu khác như thuốc lá, rượu, bia, nước giải khát được các đối tượng chia nhỏ số lượng, sử dụng các phương tiện vận chuyển cơ động gây khó khăn trong công tác bắt giữ, xử lý”- Thiếu tướng Trần Văn Vệ nói.

 

Ngoài ra, Tướng Vệ cho biết vi phạm nổi lên trong hoạt động xuất, nhập khẩu thực phẩm chủ yếu là nhập khẩu trái phép các loại hóa chất, phụ gia không được phép đưa vào chế biến thực phẩm; nhập khẩu trái phép các loại gia súc, gia cầm (gà, cá tầm, ếch, cá quả, trâu, bò, chó…) không qua kiểm dịch rồi xé lẻ, vận chuyển vào nội địa vào nội địa các thành phố lớn để tiêu thụ.

 

“Các đối tượng đã lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất hàng hóa, thực phẩm đông lạnh để đưa trái phép các sản phẩm là nội tạng gia súc, gia cầm đông lạnh vào Việt Nam; nhập hàng hóa là thực phẩm gần hết hạn hoặc đã hết hạn sử dụng, sau đó tẩy xóa, thay đổi xuất xứ, thời hạn sử dụng gắn trên sản phẩm nhằm mục đích đánh lừa người tiêu dùng”- ông Vệ nói.

 

Thế Kha

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *