Dòng chảy vốn 22/05/2015 08:14

Doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, nhưng báo lỗ là bất thường

FICA - Nêu dẫn chứng điển hình là Coca Cola, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, một số doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ nhưng lại mở rộng kinh doanh tại Việt Nam là bất thường.

Nhiều doanh nghiệp FDI vào Việt Nam được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nhưng sự đóng góp vào tăng trưởng của khối doanh nghiệp này lại rất thấp với hàng loạt các chiêu trò chuyển giá, lãi thật lỗ giả. Thanh tra Tổng cục Thuế vừa công bố Metro “ẩn lậu” hơn 500 tỷ đồng, Keangnam lộ hàng loạt “chiêu” chuyển giá… Ông đánh giá về vấn đề này thế nào?

Chuyển giá đang là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp (DN) FDI vào Việt Nam. Qua kiểm tra vừa qua, ví dụ như Metro đã chuyển giá với một lượng tiền lớn làm thất thoát ngân sách tương đối lớn. Điều này không chỉ làm giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN) mà còn tạo mất bình đẳng giữa các DN cùng cạnh tranh trên thị trường và để lại nhiều hậu quả xã hội mà chúng ta không mong muốn.

Vì thế, vấn đề chuyển giá đã được coi là một trong những vấn đề nóng nổi lên cần sớm có giải pháp thực hiện ngăn chặn trường hợp này.

Thời gian qua, cơ quan thuế cũng đã kiểm tra một số DN FDI có quan hệ với công ty mẹ ở nước ngoài, việc nhập khẩu yếu tố đầu vào, đẩy giá tăng so với giá thị trường, so với giá thực tế để làm giảm lợi nhuận trong nước của chi nhánh, DN đó, từ đó làm giảm nghĩa vụ nộp NSNN.

Để khắc phục điều này, chúng ta đang sử dụng nhiều biện pháp: tăng cường thanh tra, kiểm tra những DN nước ngoài có dấu hiệu chuyển giá như trong bản báo cáo tài chính hàng năm liên tục khai lỗ nhưng lại mở rộng đầu tư, mở rộng quy mô. Đây là một tình trạng bất bình thường.

Do đó, chúng ta phải rà soát lại tất cả các loại chi phí đầu vào của các DN này, xác định những vấn đề hợp lý trong giá cả đầu vào, từ đó loại bỏ, khắc phục, ngăn chặn tình trạng chuyển giá trong thời gian qua.

Đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (ảnh: NH).
Đại biểu Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (ảnh: NH).

Một số doanh nghiệp phát sóng bản quyền truyền hình vừa vướng vào nghi vấn chuyển giá khi thu các khoản từ người tiêu dùng rất cao nhưng lại báo lỗ. Với những trường hợp nghi vấn này, theo ông, các cơ quan chức năng cần làm gì để phát hiện nhanh nhất, chống thất thu ngân sách tốt nhất?

Đối với hoạt động của một DN phải có báo cáo tài chính và phải có cơ quan quản lý nhà nước thẩm định. Nếu có dấu hiệu tăng giá, không chỉ cơ quan thuế mà cơ quan kiểm toán độc lập vào xác định thực trạng tài chính của DN đó như thế nào, lỗ hay lãi và phụ thuộc vào chính sách kinh doanh của hãng đó. Việc một DN đưa ra báo cáo số liệu này bảo lãi, báo cáo khác lại bảo lỗ thì phải xem lại các con số. Cùng một hoạt động kinh tế của một DN mà anh này nói lỗ, anh kia nói lãi thì số liệu đó không đáng tin cậy.

Có nhiều hãng nước ngoài muốn đặt chân trên thị trường VN xác định trong chiến lược kinh doanh chấp nhận lỗ đến vài năm để lớn mạnh trên thị trường này. Do đó có tình trạng lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư. Nhưng nếu mở rộng đầu tư với quy mô lớn mà nằm ngoài chiến lược lâu dài thì đấy là điều bất bình thường.

Còn việc DN nước ngoài đầu tư trước, chấp nhận lỗ một số năm bằng hành vi bán phá giá, hạ giá đầu vào để loại bỏ đối thủ cạnh tranh để độc quyền thị trường, sau khi độc quyền thị trường thì nâng giá bán cao lên để thu lợi siêu ngạch thì chúng ta đã có luật Cạnh tranh, chống độc quyền.

Vấn đề đặt ra trên cơ sở pháp luật quy định như vậy, các cơ quan quản lí nhà nước phải kiểm soát để đảm bảo thực thi pháp luật, khắc phục tình trạng độc quyền cạnh tranh bất hợp pháp.

Các DN FDI vào Việt Nam lâu rồi, tại sao giờ mới phát hiện chuyển giá? Hay năng lực của cơ quan Nhà nước kém, thưa ông?

Có nhiều nguyên nhân về chuyển giá. Trước hết phải khẳng định chuyển giá là vấn đề phức tạp. Vì nó liên quan tới nhập khẩu yếu tố đầu vào từ nước ngoài, trong khi xác định giá trị thực của yếu tố đầu vào của những DN này không dễ kiểm tra, không dễ đối chiếu so sánh ở nơi bán cũng như nơi mua.

Qua kiểm tra, có nhiều yếu tố đầu vào của chúng ta không xác định được giá, do đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đã lợi dụng điều này để nâng giá một cách bất bình thường.

Ví dụ như hãng Coca Cola, có một nguyên liệu, hương liệu để tạo thành coca cola đặc trưng thì giá cái này thế nào lại phụ thuộc vào công ty mẹ ở nước ngoài, không có giá thị trường lưu thông tự do cạnh tranh để chúng ta so sánh.

Vì thế, một số DN đã lợi dụng yếu tố đầu vào đặc thù này để nâng giá một cách bất bình thường.

Việc kiểm soát đối với việc chuyển giá là vấn đề phức tạp ở một quy mô địa bàn rộng nên không dễ gì quản lý. Mặt khác cũng phải nói đến nguyên nhân chủ quan, ngoài cơ sở pháp lý, công cụ để quản lý, khắc phục tình trạng này thì việc thanh, kiểm tra của chúng ta cũng chưa thật tốt. Qua thực tiễn kiểm tra, vệc tăng cường kiểm tra của ngành thuế, cho thấy đã phát hiện được khối lượng chuyển giá tương đối lớn. Điều này chỉ ra rằng, nếu chúng ta thanh, kiểm tra một cách thường xuyên, có phương pháp tốt hơn, hiệu quả hơn, chắc chắn thất thu ngân sách nhà nước, vấn đề chuyển giá, trốn lậu thuế của chúng ta được ngăn chặn tốt hơn.

-  Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *