Thời sự 11/05/2014 08:24

“Nắn” lại dòng tín dụng

“Nợ xấu” có lẽ là cụm từ khiến lãnh đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) đau đầu nhất trong khoảng 4-5 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính chất lượng tín dụng, hay rõ hơn “cách” nhà băng cho vay ra cần phải thay đổi, cần linh hoạt hơn tùy theo thời điểm và tùy theo nhu cầu thị trường…

Khởi đầu với bất động sản?

 

Để có một sản phẩm, cần hàng chục doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, mỗi người đảm trách một khâu. Có thể kể ra cung cấp nguyên liệu, sản xuất trực tiếp, kho bãi, vận tải, phân phối... Đối với đồng vốn, đến 90% doanh nghiệp lớn nhỏ đều “tìm” đến ngân hàng để thu xếp tín dụng cho sản xuất - kinh doanh. Bởi vậy, nguồn vốn mà ngành ngân hàng “bơm” ra cho nền kinh tế luôn bị bị phình to so với nhu cầu thật. Và khi thị trường ổn thỏa thì không sao, những lúc khủng hoảng thì đó sẽ là nợ xấu với toàn hệ thống.

 

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng - tài chính khẳng định, theo lẽ thường càng cho vay nhiều ngân hàng càng thích. “Tăng trưởng tín dụng là cách hệ thống chúng ta. Bởi vậy, không khó để nhận thấy có những thời điểm các ngân hàng (đặc biệt là ngân hàng nhỏ, tuổi đời thấp) ồ ạt cho vay, cho vay dễ dãi để tăng trưởng. Và tất nhiên, khi vấn đề nghiệp vụ, đạo đức đã rõ, thì một phần lớn số tín dụng cung cấp ra đã bị liệt vào diện “nợ xấu” mất rồi! Chúng ta cần phải tính toán lại “cách” cho vay, đặc biệt là phương án trả nợ cũng như thái độ tích cực của người đi vay”.

 

Ngân hàng thay đổi phương án cung cấp tín dụng để tăng hiệu quả đồng vốn.

 

Gói tín dụng 50.000 tỉ đồng cho thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng vừa được Ngân hàng TMCP xây dựng Việt Nam (VNCB) công bố mới đây đang được kỳ vọng trở thành một hình mẫu mới cho cung cấp tín dụng.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Tín dụng Xây dựng và Công nghiệp (Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN) cho rằng, về bản chất gói tín dụng trên do VNCB làm đầu mối kết hợp cùng với các ngân hàng thương mại khác để lập ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, vật liệu xây dựng, phát triển hạ tầng. Đó là sự hưởng ứng tích cực nhất khi Ngân hàng Nhà nước công bố sản phẩm tín dụng 4 nhà.

 

Ông Nguyễn Xuân Bắc phân tích, các hợp đồng sẽ được ký kết gồm nhà cung ứng vật liệu ký hợp đồng với nhà sản xuất, từ đó thông qua sàn giao dịch vật liệu xây dựng nhà sản xuất ký hợp đồng với nhà thầu, còn nhà thầu ký hợp đồng xây lắp với chủ đầu tư. Để chuỗi liên kết này hoạt động hiệu quả, gói tín dụng 50.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi sẽ được bơm vào chuỗi lên kết này thông qua ngân hàng tổ chức VNCB.

 

Ngân hàng người mua phát hành bảo lãnh tín dụng, đồng thời giải ngân cho chủ đầu tư, còn VNCB phát hành bảo lãnh tín dụng cho nhà thầu và nhà sản xuất, nhóm ngân hàng đồng tài trợ bảo lãnh cho TTG. Khi tham gia chuỗi liên kết này, điểm mới trong dòng chảy của gói tín dụng đồng thời cũng là lợi ích cho các bên tham gia như chủ đầu tư, nhà thầu hay nhà sản xuất sẽ tiếp cận được khoản tín dụng mới khi còn các khoản vay cũ, vốn vay ưu đãi. Nhà thầu cũng sẽ được bảo đảm khả năng thanh toán đúng tiến độ. Đối với nhà sản xuất có thể giải phóng được hàng tồn kho với số lượng lớn, được thanh toán đúng tiến độ…

 

Như vậy, có thể thấy mô hình dòng chảy tín dụng này có khả năng sẽ đem lại hiệu ứng đối với lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng vốn dĩ vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về tồn kho sản phẩm, thanh khoản kém, dự án đình trệ sẽ hồi sinh… nhằm khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản.

 

Vốn thông minh chỉ chảy đến nơi cần

 

Mặc dù ngành ngân hàng đang từng bước nỗ lực để khơi thông dòng chảy tín dụng, song sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp còn yếu nên chưa thể kỳ vọng tín dụng sẽ cải thiện mạnh. Thực tế, nguồn vốn ưu đãi lãi suất thấp hiện nay cũng chỉ mới đến được với các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, có dự án khả thi. Các doanh nghiệp đang lâm vào tình cảnh nợ xấu còn khó tiếp cận được vốn vay thông thường, huống hồ là vốn rẻ.

 

Cụ thể, nhóm ngân hàng do VNCB chủ trì sẽ cùng phân loại nợ của các nhà đầu tư, nhà thầu và nhà cung cấp vật liệu xây dựng để xem lại, bắt đầu từ sự “cầu thị” của chính các doanh nghiệp này. Nói nôm na là những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, có đạo đức mới được xét tiếp tục vay vốn và cho đứng ra chủ trì chuỗi sản xuất chung.

 

“Giải pháp mà chúng tôi tham mưu cho lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước là sản phẩm tín dụng đơn thuần, với mục tiêu cao nhất là liên kết các doanh nghiệp đang tham gia vào thị trường xây dựng dân dụng, thị trường bất động sản. Như vậy, trước mắt Ngân hàng Nhà nước chưa đưa ra gói nào tương tự gói tín dụng 30 nghìn tỉ đồng như một số thông tin nhầm lẫn, mà đó chỉ là một sản phẩm tín dụng như bao sản phẩm tín dụng khác. Mục tiêu của sản phẩm này là để “nắn” lại, để làm minh bạch hóa dòng tiền đang chảy giữa tổ chức tín dụng - chủ đầu tư - nhà thầu thi công - doanh nghiệp vật liệu xây dựng”, ông Nguyễn Xuân Bắc khẳng định.

 

Trước đây, mỗi khi doanh nghiệp gửi hồ sơ đến các ngân hàng, công tác xét duyệt được xử lý độc lập tùy doanh nghiệp, tùy hồ sơ. Nôm na, khi ngân hàng cung cấp nguồn tín dụng cho một dự án xây dựng, sau khi cho chủ đầu tư vay 100 tỉ đồng, ngân hàng còn phải cho doanh nghiệp thi công vay thêm 70 tỉ đồng, doanh nghiệp cung cấp vật liệu xây dựng 40 tỉ đồng để thanh toán vòng quanh. Như vậy, nguồn vốn bị phân bổ, đồng thời dễ nảy sinh tiêu cực khi các doanh nghiệp tham gia dự án đều được cầm tiền “thật” trên tay.

 

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, mục đích cao nhất của sản phẩm tín dụng liên kết là để quản lý dòng tiền trong xây dựng. Theo đó, khi chủ đầu tư trình phương án khả thi, tiền sẽ được ngân hàng rót đầy đủ về tài khoản. “Tuy nhiên, tiền nằm đó không phải chủ đầu tư muốn sử dụng vào việc gì cũng được. Chỉ khi tiền được thông báo là thanh toán cho đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất hoặc chuyển thẳng cho doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu, vận tải, kho bãi… thì ngân hàng mới thực hiện theo quy trình”, đại diện Ngân hàng Nhà nước giải thích. “Tiền sẽ chảy về những doanh nghiệp nhỏ nhất, làm thật việc nhất trong dự án. Đồng thời các giao dịch chỉ thực hiện trên hệ thống, các doanh nghiệp có muốn lót tay, bôi trơn hay lại quả cũng không thể làm được!”.

 

Tất cả quy trình thanh toán, tạm ứng, tất toán đều được giám sát chặt chẽ. Không khó để nhận thấy, dòng vốn được đảm bảo đầu tư hiệu quả, tránh thất thoát, qua đó, sẽ tác động tích cực đến thị trường nói chung. Liên quan tới vấn đề khoản vay cũ - mới, Ngân hàng Nhà nước chủ trương “khoanh” khoản cũ nếu các chủ đầu tư và doanh nghiệp thi công cam kết sử dụng đúng khoản vay mới và cam kết chịu sự giám sát của tổ chức tín dụng.

 

Theo Hữu Lê
Petrotimes

 

 

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *