Dòng chảy vốn 24/04/2014 17:58

DNNN "mắc cạn" do phải thoái vốn đầu tư trái ngành

FICA - Một số dự án đầu tư ra nước ngoài đang gặp khó khăn do các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mới đây UBND TPHCM đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét tạo điều kiện để các cổ đông là các doanh nghiệp nhà nước trực  thuộc UBND TPHCM được tiếp tục góp vào Công ty cổ phần đầu tư y tế Sài Gòn (MECO) để đầu tư Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnompenh tại Campuchia.

Bệnh viện này đã khánh thành giai đoạn 1 với quy mô 200 giường bệnh và đi vào hoạt động, khám chữa bệnh cho nhân dân Campuchia từ ngày 13/1/2014. Tuy nhiên, cho đến nay, một số cổ đông là các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa góp đủ vốn đề triển khai giai đoạn 1 của Dự án. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính của mình.

Theo UBND TPHCM, Công ty Cổ phần đầu tư y tế Sài Gòn có 8 cổ đông góp vốn, trong đó 5 công ty là Công ty TNHH một thành viên nhà nước do UBND TPHCM là chủ sở hữu gồm: Công ty đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng công ty thương mại Sài gòn TNHH nhà nước một thành viên;Tổng công ty du lịch Sài Gòn TNHH Nhà nước một thành viên; Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH Nhà nước một thành viên; Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH nhà nước một thành viên.

Theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu doanh nghệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước có nhiệm vụ “Thực hiện theo nguyên tắc thị trường việc thoái vốn đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan đến ngành kinh doanh chính….” và thời hạn yêu cầu các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước phải chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành trước năm 2015.

Đối chiếu với quy định hiện hành, việc 5 cổ đông doanh nghiệp nhà nước nêu trên tham gia góp vốn đầu tư vào Bệnh viên Chợ Rẫy - Phnompenh là không phù hợp với ngành, nghề kinh doanh chính. Tuy nhiên, theo UBND TPHCM dự án này được hình thành trước khi có Quyết định số 929 và các nhà đầu tư được UBND TPHCM giao thực hiện nhiệm vụ chính trị nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai TPHCM của Việt Nam và Phnompenh của Campuchia.

Do đó, nếu 5 công ty thoái vốn theo nguyên tắc thị trường trong giai đoạn đến năm 2015 là rất khó thực hiện và đang ảnh hưởng công tác vận hành và hoạt động của bệnh viên và đến tiến độ góp vốn và thi công triển khai thực hiện giai đoạn 2 của dự án đầu tư.

UBND TPHCM cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã thống nhất sau khi hoàn thành giai đoạn 1, Dự án Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnompenh tại Campuchia sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, với quy mô tăng từ 200 giường lên 500 giường bệnh. Tuy nhiên, hiện TPHCM chưa tìm được các nhà đầu tư khác thay thế các cổ đông phải thực hiện thoái vốn ngoài ngành. Do vậy, giai đoạn 2 của dự án đang phải dừng thi công, chậm tiến độ triển khai thực hiện dự án này theo cam kết với phía bạn.

Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhất trí với kiến nghị Thủ tướng Chính phủ của UBND TPHCM cho phép 5 cổ đông được tạm thời tiếp tục góp vốn (hiện Bệnh viện chưa hoàn thành việc góp vốn giai đoạn 1 của dự án) để duy trì hoạt động của Bệnh viên. Đồng thời, đề nghị UBND TPHCM nghiên cứu chuyển vốn về những tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp với quy định tại Quyết định số 929 của Thủ tướng Chính phủ.

Tổng công ty Sông Đà hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi bị các cổ đông khác không tham gia góp vốn để thực hiện một số dự án thủy điện tại Lào như đã cam kết trước khi có chủ trương hạn chế đầu tư ngoài ngành.

Để tham gia đầu tư các dự án thủy điện tại Lào, trước đây các cổ đông tham gia góp vốn thành lập Công ty cổ phần điện Việt – Lào gồm: Tổng công ty sông Đà 49%; Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BDIV) chiếm 11%; Công ty Tài chính dầu khí 11%; Công ty chứng khoán BIDV chiếm 10%; Tập đoàn dấu khí Việt Nam chiếm 10%; Tập đoàn điện lực Việt Nam chiếm 2%, Công ty cổ phần đô thị Sông Đà chiếm 6%, Công ty bảo hiểm dầu khí chiếm 1%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các Tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn về tài chính do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, ngay sau khi có chủ trương hạn chế đầu tư ngoài ngành, thì các cổ đông khác (ngoài Tổng công ty Sông Đà) trong Công ty cổ phần điện Việt Lào đã nhanh chóng dừng ngay nghĩa vụ góp vốn triển khai thực hiện một số đang đầu tư đầu tư. Hậu quả là có dự án đầu tư tại Lào đã giải ngân hàng nghìn tỷ đồng đành phải dừng thi công do thiếu vốn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện và hiệu quả đầu tư dự án. Một số dự án đầu tư quy mô lớn khác hiện đang phải xem xét lại do không có vốn để triển khai thực hiện.

Sau nhiều cuộc họp liên ngành, các cơ quan chức năng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các cổ đông được tiếp tục góp vốn để triển khai thực hiện một số dự án đã cam kết đầu tư. Tuy nhiên, trong bối cạnh hiện nay, các cổ đông cũ không còn mặn mà tham gia dự án và hậu quả là một mình Tổng công ty Sông Đà đang đứng chịu trận.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, rõ ràng, chủ trương thoái vốn ngoài ngành tại các Tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước để thực hiện Đề án “Tái cơ cấu doanh nghệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” là rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, sẽ hợp lý hơn nếu có thêm giải pháp để xử lý kịp thời đối những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, bảo đảm không ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư đối với một số dự án đầu tư quan trọng, mang tính chiến lược.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *