Dòng chảy vốn 27/06/2015 15:50

DN không thể tự giải quyết được vấn đề nông nghiệp

Trong khi với nhiều ngành, cơ sở hạ tầng được nhà nước đầu tư tới cổng nhà máy thì doanh nghiệp nông nghiệp phải tự đầu tư thay nhà nước về cơ sở hạ tầng, điện nước...

Đây là một nguyên nhân khiến cho tới nay tỉ lệ doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp mới chỉ chiếm 1%. Để thu hút doanh nghiệp, nỗ lực của ngành nông nghiệp là chưa đủ mà phải có sự tham gia của tất cả các ngành, cả chính quyền Trung ương và địa phương.

Đây là nhận định của ông Đặng Kim Sơn, chuyên gia về nông nghiệp, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn (IPSARD) bên lề Diễn đàn Kinh doanh có Trách nhiệm đối với Lương thực và Nông nghiệp khu vực Asean diễn ra ngày 23-6.

Hiện nay, mặc dù nông nghiệp đóng góp khảng 20% trong GDP nhưng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Đây cũng là vấn đề mà các nước ASEAN gặp phải. Vậy đâu là lý do chính, thưa ông?

Ông Đặng Kim Sơn: Khi đầu tư nông nghiệp, doanh nghiệp gặp phải hai khó khăn chính: Thứ nhất là đền bù để có được một quỹ đất lớn đủ để sản xuất và áp dụng công nghệ tiên tiến. Và khi có được quỹ đất cũng như sự hợp tác với dân rồi thì phải tính toán thế nào có lãi, có thể chia sẻ lợi nhuận cho các đối tác một cách ổn định trong bất kỳ sự thay đổi nào của thị trường, đặc biệt về mặt thời tiết.

Hiện 70 - 80% nông sản Việt Nam là xuất khẩu thô. Đây là tình trạng bất hợp lý khiến thu nhập của nông dân và doanh nhân thấp. Ở một khía cạnh khác, đây là chân trời rộng mở cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, để thu hút được doanh nghiệp vào lĩnh vực này một mình ngành nông nghiệp không thể làm được mà cần có sự vào cuộc của các ngành khác như công nghiệp và thương mại. Chính vì thế nó đòi hỏi cần có chiến lược mới của Chính phủ, kế hoạch đầu tư công mới, một tầm nhìn của toàn bộ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

Điều quan trọng Chính phủ cần phải có được chiến lược chính xác, nếu Chính phủ có được chính sách tốt về đất đai, cơ sở hạ tầng, cung cấp điện, áp dụng khoa học kỹ thuật thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực sau thu hoạch nói chung và công nghiệp chế biến nông sản nói riêng.

Nhiều ý kiến cho rằng, nước ta bảo hộ ngành nông nghiệp nhiều quá nên khó vươn ra được khi hội nhập ASEAN cũng như thế giới, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Trong tất cả cuộc đàm phán hội nhập kinh tế quốc tế, đàm phán dành cho nông nghiệp luôn luôn được đặt lên bàn cân. Đây cũng là lĩnh vực khó khăn nhất, được trợ cấp rất cao, có hàng rào bảo vệ rất lớn mà các nước phải đàm phán. Tuy nhiên, tại Việt Nam không có tình trạng đó, mức độ bảo hộ của hàng hóa nông sản Việt Nam rất thấp và không có trợ cấp theo kiểu trợ cấp giá đầu vào như các nước.

Chính vì vậy, mặc dù nông dân Việt Nam phải chịu rủi ro và mức thu nhập thấp nhưng về tổng thể khả năng cạnh tranh của hàng nông sản của Việt Nam rất cao. Việt Nam đã chứng tỏ được khả năng của mình bằng việc cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nông sản của thị trường thế giới. Song, vấn đề chính mà nông sản Việt Nam cần phải vượt qua là các hàng rào kỹ thuật chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, xã hội. Đây là bước cần phải tiến đến.

Còn về tự do thương mại, Việt Nam đã đi rất xa, chúng ta mong trong quá trình hội nhập các nước sẽ từng bước mở cửa thị trường nông sản thế giới.

Cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành sẽ tạo ra thách thức cũng như cơ hội gì cho nông sản Việt Nam, thưa ông?

ASEAN là cộng đồng có thế mạnh đáng kể về nông nghiệp. Chúng ta rất mạnh về lúa gạo, thủy sản, cao su, chè… Mặt khác ASEAN cũng là thị trường buôn bán nông sản rất mạnh, chính vì vậy, việc hiện thực hóa cộng đồng ASEAN trong thời gian tới sẽ mở ra một lợi thế rất mạnh cho sản xuất nông nghiệp trong vùng và cho nông dân nói chung.

Tuy nhiên, bản thân trong ASEAN cũng có những vấn đề cần xử lý như trong ASEAN có những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Việt Nam, Thái Lan và cũng là những nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới Philippines, Indonesia.

Hiện nay danh mục gạo vẫn nằm trong danh mục nhạy cảm, làm thế nào giảm bớt hàng rào bảo vệ, thông thoáng về thương mại trong nội khối, trong đó lúa gạo là một ví dụ. Chúng ta có thể gặp trường hợp tương tự như mía đường hay nông sản khác. Phải xử lý hài hòa yêu cầu chính trị trong nước với lợi ích toàn khối. Đây là một thách thức mà nếu giải quyết được thách thức này thì sức mạnh của ASEAN sẽ tăng lên gấp bội cả bên trong lẫn bên ngoài.

Hợp tác công tư (PPP) trong nông nghiệp được coi là chìa khóa để sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị và tiêu thụ nông sản. PPP liệu có phải là lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản mà Việt Nam đang gặp phải, thưa ông?

Hiện nay, PPP là xu thế tất yếu trong ASEAN. Nước ta có 16 công ty xuyên quốc gia phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) hình thành mô hình, thể chế liên kết công tư.

Sau 30 năm sản xuất nông nghiệp rất thành công, Việt Nam là nước xuất khẩu rất nhiều nông sản, cái khó của chúng ta hiện nay là tìm thị trường và mở cửa thị trường mới. Nông dân không thể làm được việc đó mà chỉ có thể là doanh nghiệp. Thậm chí không chỉ có doanh nghiệp trong nước mà phải có cả doanh nghiệp kinh doanh toàn cầu vì thế hơn lúc nào hết, PPP mở ra cánh cửa cho nông sản Việt Nam vươn ra thị trường thế giới đồng thời đưa những hàng hóa của thế giới có lợi thế vào Việt Nam. Trong đó, doanh nhân sẽ đóng vai trò tiên phong không những về vấn đề thị trường mà còn về khoa học công nghệ và vốn đầu tư.

Theo Thùy Dung (lược ghi)

Saigontimes

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *