Dòng chảy vốn 27/03/2015 14:12

Điều tra 185 vụ, 465 bị can phạm tội về tham nhũng trong quý I

FICA - Tính đến ngày 13/3/2015, Cơ quan điều tra trong lực lượng công an nhân dân đã thụ lý điều tra 185 vụ, 465 bị can phạm tội về tham nhũng.

Thanh tra Chính phủ vừa công bố báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng quý I và nhiệm vụ công tác quý II năm 2015. 

​Theo đó, tính đến ngày 13/3/2015, Cơ quan điều tra trong lực lượng công an nhân dân đã thụ lý điều tra 185 vụ, 465 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó: Án kỳ trước chuyển sang 140 vụ, 367 bị can; khởi tố mới 44 vụ, 96 bị can (thiệt hại trên 181,4 tỷ đồng, tài sản thu hồi 213,7 tỷ đồng, trong đó có 173,7 tỷ đồng thu hồi từ các vụ án trước năm 2015); điều tra bổ sung 01 vụ, 02 bị can (Viện kiểm sát trả hồ sơ điều tra bổ sung). 

Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 56 vụ, 130 bị can; tạm đình chỉ điều tra 02 vụ, 01 bị can; đình chỉ điều tra 01 bị can (lý do bị can chết); hiện đang điều tra 126 vụ, 330 bị can.

Theo Thanh tra Chính phủ, trong kỳ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định, 19 Nghị quyết, 8 Quyết định về quản lý, điều hành và nhiều quyết định hành chính khác góp phần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước.


Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội thảo mở rộng Chuyên đề: “Thu hồi tài sản tham nhũng - thực tiễn Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế”. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại hội thảo, Ban Nội chính Trung ương sẽ tham mưu cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng những quan điểm, chủ trương và giải pháp cơ bản về thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian tới.

Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư Liên tịch số 01/2015/TTLT-TTCP-BNV quy định việc khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng; tổ chức lấy ý kiến các cơ quan có liên quan về dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN; làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải trao đổi một số giải pháp phòng, chống tiêu cực đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam; phối hợp với Ngân hàng Thế giới thực hiện nghiên cứu, khảo sát xã hội học về xung đột lợi ích, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phương Dung

Chuyên mục: Dòng chảy vốn

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *