Đầu tư 26/06/2014 15:37

Vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm mạnh so với cùng kỳ

FICA - 70,2% dòng vốn FDI 6 tháng đầu năm đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo; 6,8% đổ vào xây dựng và 10,1% chảy vào bất động sản.


Thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đưa ra hôm nay (26/6) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2014, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam cả cấp mới và tăng vốn giảm mạnh, bằng 64,7% so với cùng kỳ 2013, đạt mức 6,85 tỷ USD. 

Cụ thể, tính đến ngày 20/6/2014 cả nước có 656 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 4,85 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2013. Đồng thời, có 219 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,99 tỷ USD, giảm 63% so với cùng kỳ năm 2013.

Tuy nhiên, khối lượng đã giải ngân lại tăng nhẹ 0,9% so cùng kỳ, đạt 5,75 tỷ USD. 

Trong kỳ, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 6 tháng đầu năm dự kiến đạt 47,82 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 67,5% kim ngạch xuất khẩu. Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 43,75 tỷ USD tăng 17,2% so với cùng kỳ 2013.

Nhập khẩu của khu vực FDI tính đến hết tháng 6/2014 đạt 39,29 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 56,5% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung 6 tháng, khu vực FDI xuất siêu 8,52 tỷ USD.

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 326 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 4,8 tỷ USD, chiếm 70,2% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 6 tháng năm 2014. 

Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 2 với 58 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 465,4 triệu USD, chiếm 6,8%. 

Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với 16 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 692,3 triệu USD, chiếm 10,1%.  Lĩnh vực Y tế và trợ giúp xã hội với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 258,9 triệu USD.

Trong số 41 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam thì Hàn Quốc đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,55 tỷ USD, chiếm 22,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hồng Kông  đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1 tỷ USD, chiếm 14,7 % tổng vốn đầu tư; Nhật Bản đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 806 triệu USD, chiếm 11,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Singapore đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 732,1 triệu USD, chiếm 10,69% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương dẫn đầu về thu hút FDI trong 43 tỉnh, thành phố trong cả nước, với 886,3 triệu USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 12,9% tổng vốn đầu tư. Bình Dương đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 876,05 triệu USD, chiếm 12,8%. Đồng Nai đứng thứ 3 với 688,37 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm, chiếm 10%. Tiếp theo là Quảng Ninh,  Hải Dương, Tây Ninh với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 573,5 triệu USD; 382,1 triệu USD và 349,9 triệu USD.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 6 tháng năm 2014:

- Dự án Cty cổ phần Xi măng Thăng Long (nhà máy xi măng Thăng Long) do nhà đầu tư Indonesia đầu tư tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký 352,65 triệu USD;

- Dự Cty TNHH Bệnh viện quốc tế Đại An Việt Nam - Canada tại Hải Dương với tổng vốn đầu tư 225 triệu USD;

- Dự án Cty TNHH Khu công nghiệp Texhong Hải Hà Việt Nam tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư 215 triệu USD;

- Dự án Khu chung cư phường 22 quận Bình Thạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 200,11 triệu USD.

Bích Diệp

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *