Đầu tư 16/07/2014 09:48

Vinaconex "đi đầu" hay biến triệu dân Hà Nội thành chuột bạch?

FICA - Vinaconex thực sự có trách nhiệm đến đâu khi đẩy hàng chục nghìn hộ dân sống khốn khổ trong cảnh mất nước?

Được cho là đã có sự mạnh dạn, cố gắng và đi đầu trong việc áp dụng ống composite vào truyền tải nước nhưng thực tế cho thấy sự lựa chọn của Vinaconex lộ nhiều điểm “bất thường”.

Sau 9 lần đường dẫn ống nước sạch sông Đà về Hà Nội bị vỡ, với vai trò là chủ đầu tư dự án đường ống nước sông Đà, Vinaconex thực sự có trách nhiệm đến đâu khi đẩy hàng chục nghìn hộ dân sống khốn khổ trong cảnh mất nước?

Về việc phân định trách nhiệm, Bộ Xây dựng đã nêu lên trách nhiệm của đơn vị tổng thầu thiết kế, nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh, các nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu giám sát thi công xây dựng và cuối cùng là của Vinaconex với vai trò là chủ đầu tư.

Đường ống dẫn nước composite bong rộp, nứt vỡ đến thảm hại
Đường ống dẫn nước composite bong rộp, nứt vỡ đến thảm hại
 

Trong thông báo của Bộ Xây dựng chỉ ra rằng: “Đối với Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã mạnh dạn, cố gắng và đi đầu trong việc áp dụng lần đầu tiên ống composite cốt sợi thủy tinh trong cho tuyến ống truyền tải nước, tuy nhiên chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng”. Vậy là sau khi để ống sông Đà vỡ 9 lần, trách nhiệm của chủ đầu tư chỉ gói gọn “chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng”.

Hơn nữa có thể dễ dàng nhận thấy, nhà sản xuất ống composite cốt sợi thủy tinh đã lựa chọn công nghệ và kiểm soát quá trình gia công chế tạo chưa chặt chẽ nên chất lượng ống không đồng đều, bong rộp, tách lớp tại một số vị trí. Không có các thí nghiệm về chỉ tiêu cơ lý minh chứng cho độ bền dài hạn của ống theo tiêu hạn.

Hiểu về trách nhiệm của nhà sản xuất ống composite, nhiều người đặt ra câu hỏi rằng, khi không có các thí nghiệm về chỉ tiêu cơ lý minh chứng cho độ bền dài hạn của ống theo tiêu chuẩn tại sao chủ đầu tư vẫn lựa chọn. Việc lựa chọn này có thực sự là “mạnh dạn”, “cố gắng” và “đi đầu”?

Với vai trò là chủ đầu tư Vinaconex là người có tiếng nói và đưa ra quyết định sau cùng về việc chọn lựa đơn vị tổng thầu thiết kế, các nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu giám sát đến nhà sản xuất ống composite. Là người có quyền lựa chọn, trách nhiệm của Vinaconex cũng gắn với trách nhiệm của các đơn vị thực hiện dự án.

Đối với những sự cố xảy ra trên đường ống nước sông Đà rõ ràng là đã có tổn thất và thiệt hại nên việc phân định trách nhiệm của các chủ thể có liên quan là cần thiết.

Bên cạnh đó, trách nhiệm của đơn vị tổng thầu thiết kế là thiếu kinh nghiệm trong việc lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu ống composite cốt sợi thủy tinh, không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống. Một đơn vị tổng thầu thiết kế thiếu kinh nghiệm tại sao vẫn được Vinaconex lựa chọn ?!.

Đơn vị tổng thầu không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống tại sao vẫn còn được tham gia thực hiện dự án? Hay khi thực hiện chủ đầu tư Vinaconex không biết, phải đợi đến khi có sự cố, Bộ Xây dựng vào cuộc việc này mới được sáng tỏ.

Một công trình quan trọng của thủ đô với mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, Vinaconex không thể giao phó hoàn toàn, tin tưởng tuyệt đối cho nhà thầu giám sát thi công. Một đơn vị có tầm như Vinaconex có lẽ thừa hiểu nguyên tắc này trong việc thực hiện dự án, thi công xây dựng.

Bộ Xây dựng có khẳng định rằng về trách nhiệm các bên sẽ tiếp tục được xác định cụ thể và dư luận hy vọng trách nhiệm sẽ thực sự được xác định cụ thể rõ ràng đối với từng cá nhân.

Trong một diễn biến mới nhất, Vinaconex vẫn tỏ ra rất tự tin khi muốn tiếp tục xây dựng đường ống mới và cho biết rằng, dự án giai đoạn 2 đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã được phê duyệt báo cáo xây dựng khả thi. Tuyến ống giai đoạn 2 sẽ sử dụng vật liệu kim loại có độ bền chắc cao hơn và cũng đảm bảo chất lượng về nước sạch.

Đối với tuyến ống khẩn cấp 28km với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, đã triển khai công tác khảo sát thiết kế và thu xếp xong vốn. dự kiến khởi công trước tháng 9/2014.

Tuy nhiên, sau những sự cố trên, liệu có nên để Vinaconex tiếp tục thực hiện sứ mệnh “đi đầu” gánh vác việc xây dựng tuyến ống truyền dẫn cấp nước sạch giai đoạn II.

Lê Tú
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *