Đầu tư 24/11/2014 15:30

Việt – Nga bắt tay cho mục tiêu 12 tỷ USD

Việt Nam liên tục xuất siêu sang Nga. Cơ hội hợp tác kinh doanh lớn với DN xứ Bạch Dương đang ngày càng rộng mở, với mục tiêu 10-12 USD thương mại hai chiều trong 5 năm tới.

Từ biểu tượng giếng dầu - dàn khoan

 

Hồi tháng 9 mới đây, Tập đoàn dầu khí lớn nhất của Nga, Rosneft đã công bố, Rosneft và PetroVietnam (PVN) đã đạt được thỏa thuận thành lập liên doanh hoạt động trong hai khu vực trên thềm lục địa của Biển Pechora, nằm ở phía Bắc Nga, thuộc Bắc Băng Dương.

 

Nguồn tin của Hiệp hội năng lượng Việt Nam cho biết, dự án liên kết khai thác dầu khí này trị giá khoảng 1,5 tỷ USD, trong đó, Rosneft đóng 2/3 cổ phần và PVN đóng 1/3 cổ phần. Nơi đây hứa hẹn một trữ lượng sơ bộ ước khoảng 367 triệu tấn dầu và 64 tỉ mét khối khí đốt, nghĩa là, lớn hơn cả mỏ dầu lớn nhất Việt Nam hiện nay- mỏ Bạch Hổ.

 

Nếu như thoả thuận trên đạt kết quả thì đây có thể là sẽ một liên doanh khổng lồ thứ hai chỉ đứng sau Vietsovpetro- liên doanh đầu tiên của Việt Nam với nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí (khai thác mỏ Bạch Hổ) và đồng thời, cũng là biểu tượng của tình hữu nghị Việt- Nga.

 

Năm 2013, Rosneft đã mua lại toàn bộ tài sản của tập đoàn dầu khí TNK-BP Việt Nam. Với giá trị đầu tư khoảng 1 tỷ USD của TNK-BP trước đó, sau thương vụ, Rosneft trở thành nhà đầu tư Nga lớn nhất vào Việt Nam và hiện, đang điều hành 2 lô ngoài khơi tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Trong đó, lô 05.3/11 đang trong giai đoạn thăm dò, riêng lô 06.1 hiện đang khai thác khí ở mỏ Lan Tây và Lan Đỏ, cung cấp 44 tỷ m3 khí/năm cho ngành điện, chiếm tới 22% sản lượng điện của Việt Nam.

 

Mối quan hệ kinh tế Việt- Nga ở lĩnh vực này rất đặc biệt. Những người trẻ tuổi thế hệ 7x, 8x chắc chắn đều đã nghe giai điệu rộn ràng trẻ trung của bài hát "Mùa xuân từ những giếng dầu", với hình ảnh giàn khoan, giếng khơi Việt- Xô, được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác từ năm 1984 sẽ càng cảm nhận được điều này.

 

{keywords}

Mối quan hệ kinh tế Việt- Nga ở lĩnh vực dầu khí rất đặc biệt

 

Ngày nay, dấu ấn của quan hệ kinh tế Việt- Nga còn là ở lĩnh vực thuỷ sản, du lịch và rất đa dạng các ngành khác.

 

Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam cho biết, mỗi năm 2 lần, các đoàn doanh nghiệp Nga đều đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Nhu cầu hợp tác rất đa dạng.

 

Gần đây nhất, cuối tháng 10, 35 doanh nghiệp Nga đã sang Việt Nam mang theo nhiều đề xuất hợp tác khả thi, đủ các lĩnh vực từ cơ khí chế tạo, công nghệ cao như chế tạo tàu ngầm, sản xuất linh kiện, điện tử, hoá chất cho đến bán lẻ, phân phối.

 

Ông Rubashkin Vladimir Aleksandrovich, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất thiết bị dùng cho các nhà máy điện, ngỏ ý muốn xây dựng cho Việt Nam một hệ thống đào tạo luyện tập bằng thiết bị điều hành tổ máy phát điện có thể truy cập và điều khiển từ xa qua mạng Internet. Các công ty điện lực Việt Nam có thể ứng dụng để đào tạo ngay các thợ máy lò hơi và tuốc-bin của mình.

 

Ông Nikolaev Vyacheslav Vladimirovich, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trung tâm Hệ thống an ninh đồng bộ - Yug của Nga cho biết muốn tìm đối tác để xây dựng nhà máy sản xuất gạch lát vỉa hè và tái chế lốp xe hơi. Một công ty của Nga là Công ty CP SAG lại cho hay, muốn tìm đối tác Việt Nam để cùng thiết kế, sản xuất và phân phối các phi thuyền từ 6 chỗ ngồi trở lên và các máy bay hạng nhẹ.

 

Đích đến 10-12 tỷ USD/năm

 

Đối với Việt Nam, xứ sở rừng bạch dương đang là đối tác kinh tế lớn thứ 6 ở châu Âu và đứng thứ 23 trên toàn thế giới.

 

{keywords}

Cơ hội hợp tác kinh doanh lớn với DN xứ Bạch Dương đang ngày càng rộng mở, với mục tiêu 10-12 USD thương mại hai chiều trong 5 năm tới.

 

Bộ Công Thương cho biết, nếu như năm 2000, kim ngạch thương mại giữa 2 nước mới đạt hơn 400 triệu USD thì đến năm 2007, sau khi Việt Nam gia nhập WTO, kim ngạch đã đạt 1,01 tỷ USD. Năm 2010, con số này đã tăng lên là 1,83 tỷ USD, năm 2013 là 2,76 tỷ USD và dự kiến 4 tỷ USD trong năm nay.

 

3 năm trở lại đây, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Nga. Năm 2013, Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD sang nước này. 10 tháng đầu năm nay, con số này là 669 triệu USD.

 

Những mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam từ Nga trong nhiều năm gần đây vẫn là xăng dầu, sắt thép, phân bón, máy móc thiết bị. Đồng thời, Việt Nam xuất sang Nga chủ yếu các nhóm hàng như điện thoại và linh kiện, chiếm khoảng trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga, nhóm hàng máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả.

 

Tuy nhiên, so với tổng thể kim ngạch xuất nhập khẩu của từng nước, nhứng con số trên vẫn còn khiêm tốn. Hiện, kim ngạch thương mại Việt - Nga mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam và khoảng 0,5% tổng kim ngạch thương mại của Nga.

 

Bộ Công Thương nhận định, đặc tính hàng hóa của 2 nước là không cạnh tranh đối đầu mà bổ trợ lẫn nhau. Dự kiến năm 2015, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan (VCUFTA) được ký kết sẽ sẽ tạo nên một khung khổ pháp lý thông thoáng cho hàng hóa xuất khẩu của hai nước. Quan hệ thương mại giữa hai nước sẽ có nhiều cơ hội phát triển vược bậc để chạm đích 10-12 tỷ USD/năm trước năm 2020.

 

Theo Phạm Huyền

Vietnamnet

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *