Đầu tư 14/09/2014 16:35

Vì sao vốn đăng ký FDI những tháng đầu năm giảm?

FICA - Trong 7 tháng đầu năm 2014, vốn đăng ký FDI chỉ đạt 9,53 tỷ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ trong khi vốn thực hiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3%.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong những năm qua, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, là điểm sáng trong bức tranh chung của nền kinh tế.

Theo đó, Việt Nam luôn coi khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng cấu thành của nền kinh tế, đồng thời xem FDI là một nhân tố quyết định để tái cơ cấu nền kinh tế và tăng sức cạnh tranh quốc gia.

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn là một hoạt động kinh tế đối
Trong năm 2013, Việt Nam thu hút được 22,3 tỷ USD vốn đăng ký FDI, tăng 35,9% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn thực hiện đạt 11,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2012. Xuất khẩu của khu vực FDI tăng 22,4%, chiếm 66,9% tổng xuất khẩu trong khi đó nhập khẩu tăng 24,2%, chiếm 56,71% tổng nhập khẩu.

Thu hút FDI năm 2013 được cho là một trong điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung của cả nước. Cả vốn thực hiện và vốn đăng ký đều đạt kết quả khả quan nhất là trong bối cảnh năm 2013 nền kinh tế thế giới và trong nước còn gặp nhiều khó khăn.

Trong năm 2013 có nhiều dự án quy mô lớn được cấp giấy CNĐT (các dự án của Samsung tại Thái Nguyên và Bắc Ninh tổng vốn hơn 4 tỷ USD; dự án Nghi Sơn tăng vốn 2,8 tỷ USD, dự án nhiệt điện BOT Vĩnh Tân hơn 2 tỷ USD,....).   

Tuy nhiên, trong 7 tháng đầu năm 2014, vốn đăng ký FDI chỉ đạt 9,53 tỷ USD, bằng 80,1% so với cùng kỳ trong khi vốn thực hiện đạt 6,8 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3%.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký trong 7 tháng giảm so với cùng kỳ nguyên nhân là do cùng kỳ 2013 có một số dự án lớn được cấp phép (Nghi Sơn tăng 2,8 tỷ USD, SamSung Thái Nguyên 2 tỷ USD, Samsung Bắc Ninh 1 tỷ USD, Dự án xe bus Bình Định 1 tỷ USD), trong khi 7 tháng 2014 chỉ có 1 dự án Samsung Bắc Ninh vốn 1 tỷ USD, còn lại là các dự án quy mô nhỏ.

Các dự án lớn năm 2013 đều có thời gian chuẩn bị trước đó rất dài, cụ thể dự án Nghi Sơn đã đàm phán và chuẩn bị khoảng 5 – 6 năm, dự án Sam Sung đã chuẩn bị từ trước đó 2 năm.

Do đó không thể nhận định xu hướng đầu tư từ số liệu của mấy tháng đầu năm vì chỉ cần có sự xuất hiện của một vài dự án quy mô lớn là đã có sự thay đổi rất nhiều về con số, trong khi để có được các dự án này thì phải mất thời gian chuẩn bị đầu tư nhiều năm trước đó. Nếu ko tính đến các dự án lớn nêu trên, vốn đăng ký 7 tháng năm nay tăng hơn 1.6 lần so với cùng kỳ năm 2013.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, tuy vốn đăng ký giảm nhưng vốn thực hiện và các chỉ tiêu hoạt động của doanh nghiệp (xuất nhập khẩu), số dự án cấp mới vẫn đạt kết quả khả quan, vẫn tăng so với cùng kỳ 2013.

Trong khi đó, tại các diễn đàn, hội thảo, hội nghị trong năm nay thì các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư của Việt Nam và rất tin tưởng, sẵn sàng tăng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất.

Trong thời gian qua Chính phủ cũng như Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI, cải thiện môi trường đầu tư như: Ban hành Nghị quyết về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới; Tiếp tục duy trì các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp FDI; Chú trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ...

 

Phương Dung

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *