Đầu tư 13/11/2014 08:01

Tăng lương từ 1.1.2015, TS Vũ Như Thăng: Tăng ít, ý nghĩa đãi ngộ cao

Với việc sẽ tăng lương cho 3 nhóm đối tượng từ 1.1.2015, đã có nhiều ý kiến lo ngại tình trạng giá cả sẽ “té nước” tăng theo lương, hay làm thế nào thực hiện tăng lương thực chất hơn…

TS Thăng nói: Việc tăng lương lần này tuy chỉ với quy mô nhỏ, mức tăng chưa cao (8%) nhưng điều này đã thể hiện sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ tới an sinh xã hội - vấn đề quan trọng của đất nước. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi mà ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, trong bối cảnh trong nước và quốc tế còn nhiều vấn đề phức tạp. Ngân sách nhà nước đang còn phải chắt chiu để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho lĩnh vực công, y tế, giáo dục…

Theo ông Thăng, nguồn cung hàng hóa lớn còn nhu cầu yếu nên khó xảy ra tăng giá theo lương. Đ.D

Có ý kiến là việc tăng lương lần này quá ít, chẳng khác gì trợ cấp xã hội và mức tăng này chưa thể đáp ứng mức sống tối thiểu của người dân. Ông nghĩ sao ?

- Cùng với nghị quyết của Quốc hội thì Chính phủ cũng ban hành nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng trong doanh nghiệp. Đây là những động thái tích cực của Nhà nước nhằm cải thiện vấn đề lương, hướng tới mục tiêu từng bước đưa mức lương gần hơn với mức sống tối thiểu của người dân. Hiện nay Việt Nam đang hướng tới nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì thế chúng ta đang tiếp tục xây dựng thể chế, cơ chế hướng tới điều này.

Như vậy, tiền lương cũng là một yếu tố để xác định giá cả sức lao động, vì vậy tiền lương cũng sẽ do cơ chế thị trường quyết định, lương của lao động sẽ do người chủ sử dụng trả. Mong muốn thì nhiều, nhưng chúng ta phải cân đối khả năng của chúng ta dựa trên quỹ ngân sách vì vậy chuyện tăng lương cũng cần có lộ trình, thực hiện từng bước.

Nhiều ý kiến chuyên gia và người dân lo ngại, lương tăng sẽ kéo theo giá cả hàng hóa tăng...

Quan điểm
TS Vũ Như Thăng • Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính
 Thời gian tới, khi bàn  cải cách tiền lương cũng sẽ bàn cả việc cải cách, cách thức trả lương. Thay vì cách trả lương truyền thống, định kỳ tăng lương như hiện nay thì mức lương có thể được trả theo từng vị trí công tác, theo cơ chế thị trường”.  

- Đúng là trước đây tâm lý của người dân hễ cứ tăng lương thì giá cả cũng phải tăng, tuy nhiên thời gian gần đây tâm lý này đã được điều chỉnh. Hiện người dân đã quen với cơ chế thị trường, lượng cung cầu hàng hóa trên thị trường được đảm bảo. Hiện nay khả năng cung của chúng ta khá mạnh, mặt khác trong 2 - 3 năm qua, tổng cầu đầu tư và tiêu dùng đang yếu vì thế sẽ không ảnh hưởng nhiều tới lạm phát. Theo tính toán, hiện lạm phát ở mức 4%, dự báo sang năm sẽ khoảng 5% và vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo ông làm thế nào để việc tăng lương không theo hướng cào bằng, vì có ý kiến cho rằng đa phần những người được tăng lương lần này là các lao động trẻ chưa có sự cống hiến?

- Theo quan điểm cá nhân thì tôi cho rằng, ngân sách nhà nước có hạn vì thế phải cân nhắc tăng lương, không thể và cũng không nên cùng lúc tăng cho tất cả các đối tượng. Ở đây Chính phủ, Quốc hội đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng rồi mới tăng lương cho 3 nhóm đối tượng. Đúng là đa phần các đối tượng hưởng lương dưới mức 2,34 đều là những người trẻ vừa tốt nghiệp đại học, nhưng các bạn đã có cam kết làm việc lâu dài trong bộ máy chính quyền vì thế cũng cần phải có những đãi ngộ nhất định với họ. Nhất là trong điều kiện các bạn trẻ vừa ra trường chưa có sự tích luỹ kinh nghiệm, còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, lương tăng họ sẽ có thêm động lực để phấn đấu gắn bó với bộ máy chính quyền.

Ông có thể cho biết thêm về thực hiện đề án cải cách tiền lương của Chính phủ trong thời gian tới?

- Theo tôi, muốn tăng lương về lâu dài cần phải có những cải cách căn cơ. Tăng lương, nhưng mức lương phải cơ bản đảm bảo được mức sống tối thiểu của người dân (như tái tạo sức lao động, đời sống tinh thần, nuôi dạy con…). Tuy nhiên, thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phải gắn với lộ trình cải cách sự nghiệp đơn vị công và cải cách bộ máy hành chính nhà nước hay tính tới các yếu tố nguồn lực về ngân sách nhà nước.

Thời gian qua Đảng, Nhà nước cũng có quan điểm muốn đưa tỷ lệ động viên một cách hợp lý, nhằm tạo môi trường cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tỷ lệ động viên giảm, vì vậy ngân sách nhà nước cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định 117 về cải cách hành chính, khoán chi, nhằm tạo ra động lực để cải cách tiền lương, tăng thu nhập. Đây là những yếu tố quyết định lộ trình tăng lương.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Nguyệt

Dân Việt

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *