Đầu tư 30/10/2014 06:46

Sân bay Long Thành: Lùi 10 năm

Phương thức huy động vốn chưa khả thi, dự báo lượng hành khách đạt được quá lạc quan.

Đó là ý kiến được nêu ra trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về dự án xây dựng sân bay Long Thành trình bày trước Quốc hội (QH) sáng 29-10. Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng phương án huy động vốn cho dự án là chưa khả thi, dự báo về lượng hành khách đạt được còn quá lạc quan bởi nó còn phụ thuộc nhiều tính cạnh tranh, chất lượng phục vụ, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế của các nước trong khu vực...

Tiêu chuẩn nào nói chồng lấn vùng trời?

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, qua thảo luận nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế băn khoăn khi báo cáo của Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành chưa thể hiện rõ vì sao không lựa chọn phương án mở rộng Tân Sơn Nhất hoặc cải tạo, mở rộng sân bay quân sự Biên Hòa. Các ý kiến cũng băn khoăn về đánh giá khả năng cạnh tranh giữa sân bay Long Thành với các cảng hàng không trung chuyển trong khu vực.

“Nếu việc xây dựng sân bay Long Thành không nhằm mục đích trung chuyển hành khách, hàng hóa của khu vực và quốc tế mà chỉ vì mục tiêu giải quyết năng lực vận tải cho Tân Sơn Nhất và phát triển vận chuyển hàng không bình thường thì hệ thống cảng hàng không hiện tại với bảy cảng hàng không quốc tế có thể đáp ứng nhu cầu” - ông Giàu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Giàu, qua thẩm tra của Ủy ban Kinh tế có ý kiến đề nghị nên chọn phương án cải tạo, mở rộng sân bay Biên Hòa, đồng thời mở rộng Tân Sơn Nhất để hỗ trợ, phối hợp cùng khai thác có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng không trong khoảng thời gian 10 năm tới. Sau đó sẽ đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

“Dựa trên những tiêu chuẩn kỹ thuật nào để nói rằng việc khai thác đồng thời sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa sẽ gây chồng lấn vùng trời tiếp cận? Sau này việc đồng thời khai thác ba cảng hàng không là Long Thành, sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất thì mức độ chồng lấn sẽ còn nhiều hơn” - ông Giàu cho hay.

 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: TTXVN

Dự toán đầu tư: Mức độ chính xác chưa cao

Theo báo cáo đầu tư dự án sân bay Long Thành sẽ có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 164.589 tỉ đồng (tương đương 7,8 tỉ USD), trong đó vốn nhà nước là 84.624 tỉ đồng, vốn khác là số còn lại.

Ủy ban Kinh tế cho rằng đây mới là vốn đầu tư của giai đoạn 1 của dự án, nếu tính cả ba giai đoạn thì tổng mức đầu tư sẽ rất lớn (khoảng 18,7 tỉ USD). Mặt khác, dự toán mức đầu tư cho giai đoạn 1 là ước tính, mức độ chính xác chưa cao.

Ngoài ra, phương án huy động vốn cũng chưa khả thi khi việc đầu tư sử dụng nguồn vốn nhà nước, vốn vay trong bối cảnh nợ công tăng nhanh và ngân sách nhà nước khó khăn. Trong trường hợp vay được từ nguồn của các tổ chức tài chính quốc tế thì cũng phải có sự bảo lãnh của Chính phủ. Có ý kiến đề nghị về huy động vốn cần quán triệt nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, theo đó, huy động vốn ODA và khuyến khích hợp tác công tư. Mặt khác, để không ảnh hưởng đến nợ công, đề nghị Chính phủ cho phép Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam vay thương mại trực tiếp để thực hiện dự án.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nhận định báo cáo của Chính phủ đã dự báo lạc quan về lượng hành khách đạt được. Thực tế lợi ích kinh tế của dự án trong quá trình khai thác còn phụ thuộc nhiều yếu tố như vấn đề tiết giảm các chi phí khai thác, vận hành tại cảng hàng không, mức độ thu hút du lịch, hệ thống hạ tầng đồng bộ… Nói cách khác là phải đảm bảo tính cạnh tranh liên tục với chất lượng tốt hơn, giá cả rẻ hơn các sân bay quốc tế của các nước trong khu vực thì mới được.

Cần đánh giá tác động toàn diện đến nợ công

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước, đề nghị làm rõ hơn nữa sự cần thiết, tính cấp thiết, xác định thời điểm phải xây dựng cảng hàng không quốc tế trung chuyển Long Thành; tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư. Đồng thời xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho ngành giao thông vận tải nói riêng... đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trình QH xem xét, quyết định khi thông qua chủ trương đầu tư dự án.

(Trích báo cáo của Ủy ban Kinh tế của QH)

Tính toán khoa học các con số và cho phản biện

Theo tôi thì việc xây sân bay Long Thành là cần thiết nhưng có phải cấp thiết từ năm 2016 hay không là điều cần phải bàn.

Thứ nhất, theo báo cáo của Chính phủ, với đặc điểm hai đường băng ở sân bay Tân Sơn Nhất, cùng với việc hạn chế vùng không lưu thì chỉ có thể đạt công suất mỗi năm 190.000 chuyến. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng với hai đường bay đang có, nếu điều hành tốt hơn về mặt không lưu thì sẽ đạt trên 300.000 chuyến, đạt công suất 40 triệu khách mỗi năm.

Thứ hai, với diện tích 1.000 ha đất ở Tân Sơn Nhất đang có, nếu được sử dụng tốt có thể nâng dịch vụ mặt đất tiếp nhận với lượng khách như trên. Khi đó xây Long Thành có thể lùi 10 năm, có nghĩa là thay vì ta kết thúc giai đoạn vào năm 2025 thì khi đó mới bắt đầu triển khai giai đoạn 1. Lúc đó kinh tế đất nước thuận lợi hơn, nợ không bị áp lực nữa.

Trong thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng yêu cầu Chính phủ làm rõ điều tra kỹ hơn, ngay cả số liệu đưa ra về số hành khách ở Tân Sơn Nhất có được năm 2014, 2015 có sự khác nhau giữa chuyên gia và Chính phủ. Vì vậy cần làm rõ sự khác nhau số liệu, tính toán khoa học việc sử dụng cái hiện có, quỹ đất, đường băng xem có thể nâng được không.

Nếu làm được tất cả những việc đó một cách khoa học, có phản biện mà thấy bất khả kháng thì vấn đề xây dựng Long Thành không còn tính hiệu quả hay không hiệu quả nữa mà trở thành bất khả kháng. Lúc đó dù có nợ cũng phải làm.

Đại biểu TRẦN DU LỊCH (TP.HCM)

Dự báo “khách trên trời” không dễ

Chúng ta dự báo số lượng hành khách tăng lên. Bây giờ nói sân bay Tân Sơn Nhất quá tải rồi, dự báo năm 2015 lượng khách sẽ lên 25 triệu, 2016 sẽ là 30, 40 triệu khách... Dự báo “khách trên trời” không dễ dàng nên các đại biểu cũng băn khoăn là lúc đó liệu có đúng là có lượng khách như thế không.

Đây là sân bay trung chuyển khách quốc tế, phải cạnh tranh với các sân bay trong khu vực đều là sân bay được thiết kế hàng trăm triệu khách rồi. Mình cũng nói là mình có vị trí địa lý thuận lợi nhưng các nước khác cũng nói thế.

Đại biểu NGÔ VĂN MINH (Quảng Nam, theo Vietnamnet )

Theo THÀNH VĂN

PLTP

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *