Đầu tư 27/10/2014 11:14

Quy định trên trời, rối bời dưới đất!

Điều đáng lo không phải là năng lực của người làm chính sách mà len lỏi vào đó là lợi ích cục bộ của ngành này ngành khác.

Gần đây có nhiều quy định của các bộ, ngành vừa ra đời hay ở trong giai đoạn dự thảo đã “chết yểu” hay nói cách khác là mới “khai sinh” đã bị “khai tử”. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng lối tư duy quản lý cũ kỹ, trong đó có tư duy “một người đau bụng nhưng bắt cả làng uống thuốc” là nguyên nhân chính của tình trạng này.

Nhiều quy định “hiểu sao cũng được”

Chính sách trên trời, cuộc đời dưới đất” là ví von của nhiều người để nói về cách làm chính sách của không ít bộ, ngành hiện nay, ông có nhận xét gì về điều này?

Không ai có thể hài lòng với tình trạng nhiều văn bản đã ban hành hay đang soạn thảo không phù hợp với thực tiễn cuộc sống, gây ra bức xúc, khó khăn, thiệt hại cho các doanh nghiệp (DN).

Hiến pháp 2013 khẳng định quyền tự do kinh doanh của người dân và nhiều đạo luật quan trọng khác cũng được xây dựng, ban hành theo hướng này. Tuy nhiên, nhiều văn bản dưới luật như nghị định, thông tư… lại không tuân thủ đúng tinh thần này. Điều đáng lo ngại là trong bối cảnh Chính phủ cam kết và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép kinh doanh và đảm bảo quyền tự do kinh doanh của DN thì vẫn tiếp tục có những văn bản pháp luật “đẻ thêm” nhiều thủ tục hành chính phiền hà với tư duy quản lý cũ kỹ.

Vấn đề là tại sao Nhà nước lại can thiệp sâu vào hoạt động tự chủ kinh doanh của DN và vi phạm nghiêm trọng quyền tự do kinh doanh của DN như thế?

Có những tư duy khá phổ biến mà tôi cho rằng là nguyên nhân dẫn đến dự thảo hay quy định kiểu như trên.

Đó là tư duy cứ xem quản càng nhiều càng tốt, ban hành thêm nhiều văn bản pháp luật, đặt ra nhiều giấy phép, điều kiện kinh doanh càng tốt. Trong khi có những cách khác hay hơn là tính cạnh tranh trên thị trường, việc giám sát và vận hành của các thiết chế phi nhà nước khác. Sự can thiệp bằng quản lý nhà nước, đặt ra giấy phép chỉ được cân nhắc nếu thực sự cần thiết và sau khi các hình thức khác vận hành không hiệu quả.

Sau đó là tư duy “một người đau bụng nhưng bắt cả làng uống thuốc”, chỉ một số ít DN vi phạm nhưng lại siết chặt hệ thống quản lý của toàn bộ DN.

Cách thiết kế và vận hành hệ thống như thế là do thiếu thông tin, luôn luôn đề phòng, phòng ngừa người dân và DN vi phạm pháp luật, cho dù “hàng rào” dựng lên có thể dễ dàng loại bỏ những người làm ăn chân chính, đúng pháp luật mà lại không phòng ngừa, loại trừ được người kinh doanh gian dối.

Cạnh đó, việc thiết kế các quy định, trình tự thủ tục hành chính còn chưa rõ ràng, chưa cụ thể và chưa khoa học. Việc lạm quyền trong áp dụng pháp luật của các công chức thực thi dễ dàng xảy ra khi các quy định “hiểu sao cũng được”, “áp dụng sao cũng được” vẫn còn khá phổ biến.

Thủ tục rườm rà đồng hành với tham nhũng

Thủ tục rườm rà đồng hành với tham nhũng

Ngoài những điều ông nói, có ý kiến cho rằng tư duy làm chính sách của hầu hết bộ, ngành hiện nay còn nặng về quản lý nhà nước?

Các cơ quan nhà nước ít khi đánh giá gánh nặng hành chính từ các quy định, luật lệ của Nhà nước tác động lên DN cũng như ít có cơ hội nhận biết được lợi ích to lớn của quá trình đơn giản hóa hành chính mang lại.

Rất khó để xác định được ảnh hưởng hay tác động khi Nhà nước can thiệp bằng các quy định pháp luật. Một số nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng những quốc gia có nhiều quy định quản lý nhà nước nhất - thường là những nước nghèo nhất - có mức độ tuân thủ pháp luật kém nhất và ít có cơ hội kiểm tra và giám sát để đảm bảo rằng việc áp dụng các quy định không vì mục đích trục lợi và tham nhũng. Ngược lại, một xu hướng đáng lo ngại là khi phải đối mặt với gánh nặng về quy định hành chính, các DN tại những nước đang phát triển lựa chọn chuyển sang hoạt động phi chính thức. Thủ tục quá rườm rà và phức tạp còn đồng hành với tiêu cực và tham nhũng phát sinh từ bộ máy nhà nước.

Phải chăng đội ngũ tham mưu xây dựng chính sách tại các bộ, ngành hiện nay năng lực còn yếu và thiếu thực tiễn?

Đúng là năng lực có thể là một vấn đề. Tuy nhiên, nếu đội ngũ xây dựng chính sách yếu thì có thể khắc phục được bằng tham vấn rộng rãi các chuyên gia, DN. Điều đáng lo không phải là năng lực mà là lợi ích cục bộ của một ngành cụ thể nào đó đã len lỏi vào quá trình định hướng xây dựng chính sách. Nhiều quy định ngay trong giai đoạn soạn thảo đã bị phản ứng là không phù hợp, không khả thi nhưng không hiểu tại sao người ta vẫn trình, vẫn thông qua.

Trao quyền quá lớn cho cán bộ thực thi

Nếu còn tồn tại những chính sách kiểu như vậy thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cộng đồng DN nói riêng và cho nền kinh tế nói chung?

Mặc dù tinh thần và mục đích của những quy định quản lý nhà nước có thể không sai nhưng tôi có cảm giác là người ban hành chỉ để thể hiện rằng mình đã làm hết trách nhiệm. Một quy định được ban hành ra không chỉ là nó đúng hay sai mà còn phải cân nhắc nguồn lực, lộ trình áp dụng và nhiều yếu tố khác.

Với DN và người dân, quy định không thực tế tạo ra tình trạng: Có quy định nhưng không ai thực hiện, người kinh doanh muốn nghiêm túc thực hiện thì thiệt thòi so với đa số người không thực hiện. Từ đó dẫn đến một thực tế là mặc dù ai cũng không thực hiện nhưng nếu cơ quan nhà nước đụng đến ai thì người đó vi phạm! Cách này đã trao quyền quá lớn cho các cán bộ thực thi, không ít chọn cách thức giảm rủi ro là tìm chỗ dựa “bảo kê” từ cơ quan công quyền.

Về lâu dài hệ quả là nghiêm trọng, nó tạo ra tâm lý “nhờn luật”, pháp luật không nghiêm minh, trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền XHCN mà chúng ta đang hướng đến.

Theo ông, một chính sách tốt, không bị “chết yểu” và đi vào cuộc sống cần hội tụ những điều gì?

Ngoài trình độ của đội ngũ cán bộ soạn thảo chính sách như tôi nói ở trên thì cần có chủ thuyết hay nói cách khác là rõ về mục tiêu và định hướng chính sách của từng quy định. Chẳng hạn, Luật Doanh nghiệp của Việt Nam thời gian qua được đánh giá thành công vì có chủ thuyết tương đối rõ ràng là cần tạo ra các mô hình tổ chức kinh doanh rẻ hơn, an toàn, thuận tiện và hấp dẫn hơn cho nhà đầu tư.

Yêu cầu khác là cơ quan soạn thảo, thẩm định và thẩm tra các đạo luật cần có vị trí tương đối độc lập và khách quan. Điều này sẽ khắc phục được việc “cài cắm” lợi ích từng ngành trong các dự thảo. Với quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật hiện tại, đặc biệt từ cấp nghị định trở xuống thì yêu cầu này chưa đáp ứng được, nội dung quy định chủ yếu là mong muốn của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Ngoài ra, tham vấn các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp cần trở thành yêu cầu bắt buộc và thực chất khi soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Người dân và DN phải có cơ hội để biết, đóng góp và giám sát được quá trình ban hành chính sách. Tham vấn và giải trình khi nhận được các ý kiến tham vấn cũng phải là yêu cầu bắt buộc của các cơ quan soạn thảo và thông qua chính sách.
 

 Một số chính sách “chết yểu”

- Thông tư 20/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ về hạn chế nhập máy móc thiết bị cũ ban hành ngày 15-7, dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-9 nhưng do bị cộng đồng DN phản ứng nên phải ngưng thi hành.

- Nghị định số 36/2014 của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra ban hành ngày 29-4, có hiệu lực từ ngày 20-6. Chỉ sau hai tháng có hiệu lực, nhiều DN lên tiếng kêu khó vì nhiều quy định không khả thi, thiếu thực tế và VCCI đã có văn bản đề nghị sửa nghị định này.

- Nghị định 60/2014 của Chính phủ quy định về hoạt động ngành in ban hành ngày 19-6, dự kiến có hiệu lực từ 1-11. Tuy chưa có hiệu lực nhưng nhiều DN trong ngành in lên tiếng than phiền vì nghị định này đẻ thêm nhiều giấy phép con và thủ tục hành chính cho DN. Mới đây VCCI đã có văn bản đề nghị sửa đổi.

- Ngoài ra còn có một số dự thảo vừa hỉnh thành đã bị dư luận phản đối kịch liệt như dự thảo thông tư cấm uống bia vỉa hè, quy định nơi uống bia phải có nhiệt độ dưới 30 độ C…

61 là số văn bản sai về nội dung hoặc thẩm quyền ban hành theo thông báo của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) thông qua công tác kiểm tra văn bản theo thẩm quyền trong năm 2013.

Không thể tin nổi

Có những dự thảo văn bản mà chúng tôi không thể tin nổi lại có thể được các cơ quan nhà nước đề xuất một cách dễ dàng như vậy. Chẳng hạn từng có dự thảo quy định DN phải có bộ phận bảo vệ của mình và phải được cấp chứng chỉ từ cơ quan có thẩm quyền; DN muốn mua tin kinh tế chuyên ngành nước ngoài phải xin phép; DN không được liên kết kinh doanh trong hoạt động in ấn và gia công sau in…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế  Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

 
 
Theo Thu Hằng
Pháp Luật TPHCM
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *