Đầu tư 16/07/2014 09:58

Phụ thuộc TQ:Mục tiêu hiện đại hóa của Việt Nam xa vời

Cơ khí có vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng lại đang thoi thóp ngay trên chính sân nhà.

Những lý do khiến ngành cơ khí "chết yểu"

 

Nhận thức rõ ràng về vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước. Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp nền tảng cần phải đầu tư phát triển.

 

Theo chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới 2020 đã đặt ra yêu cầu phải tập trung phát triển ngành cơ khí một cách có hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy mọi nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực bên ngoài.

 

Phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45 - 50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DNCK Việt Nam (VAMI), dù đã bóc tách 11 phần việc dành cho cơ khí trong nước tại các dự án tổng thầu nước ngoài như sản xuất kết cấu thép nhà máy, hệ thống băng tải từ bờ sông, cảng dẫn đến nhà máy, các thiết bị băng tải, thiết bị trung chuyển cơ khí VN... tuy nhiên trên thực tế ngành công nghiệp cơ khí đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các nhà thầu Trung Quốc là tổng thầu các dự án công nghiệp không giành phần việc nào cho cơ khí trong nước.

 

Ngành cơ khí Việt Nam chết yểu
Ngành cơ khí Việt Nam chết yểu

 

Cụ thể, từ năm 2003 -2011, ngành cơ khí không có thị trường, hầu hết các dự án công nghiệp dùng cơ chế chỉ định thầu hoặc cơ chế đấu thầu giá thấp nên đều lọt vào tay các nhà thầu Trung Quốc.

 

Hiện có 5/6 dự án hóa chất; 2/2 dự án chế biến khoáng sản; 49/62 dự án xi măng cùng nhiều dự án giao thông đầu do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC.

 

Riêng nhiệt điện, có 16/27 dự án do Trung Quốc làm tổng thầu, chỉ còn 7 dự án không phải nhà thầu Trung Quốc.

 

Đa phần các dự án này bị chậm tiến độ từ 3 tháng - 3 năm, chất lượng thiết bị không đồng đều, một số thiết bị phụ trợ chất lượng thấp thường bị thay thế.

 

Ở một số dự án, diễn ra tình trạng thay đổi thiết bị so với cam kết ban đầu, thay đổi tiêu chuẩn vật liệu, thay đổi hoặc bổ sung nhà cung cấp, dẫn tới đội giá hợp đồng.

 

Đáng chú ý, nhiều nhà thầu đã đưa vật tư sắt thép, phụ tùng, phụ kiện sang Việt Nam, trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể chế tạo được. Không những thế, các nhà thầu Trung Quốc còn đưa cả lao động phổ thông sang các công trình mà họ làm tổng thầu.

 

Tại nhà máy alumin Lâm Đồng gói thầu là 466 triệu USD, giao lại cho Việt Nam 170 tỷ đồng (không được 8 triệu USD). Trong khi đó, nhà máy alumin Nhân Cơ có giá trị hợp đồng là 499 triệu USD, thì giao thầu phụ Việt Nam là 53 tỷ đồng (2,5 triệu USD).

 

Với cách quản lý khép kín của TQ, thậm chí còn áp dụng những tiêu chuẩn riêng theo cơ chế chính sách của họ, Việt Nam hoàn toàn không có được sự chuyển giao công nghệ. Hay nói cách khác là chúng ta không có cơ hội được tham gia vào và đương nhiên là không học được gì.

 

Nguyên nhân, theo ông Thụ là do Luật đấu thầu hiện nay đang ưu tiên các nhà thầu có giá bỏ thầu thấp mà chưa quan tâm đến nguồn gốc xuất sứ về chất lượng thiết bị.

 

Các dự án chủ yếu được chỉ định thầu EPC là do nhà thầu Trung Quốc thu xếp tài chính từ nguồn vay từ Trung Quốc với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản. Hầu hết cơ khí Việt không được chỉ định dự án nào, tổng thầu chính không bóc tách phần việc cho thầu phụ Việt Nam. Việt Nam phụ thuộc vào phần lớn nguyên liệu, phụ liệu cho ngành chế tạo cơ khí.

 

Cuối cùng là do chúng ta đang mở cửa, phát triển theo cơ chế thị trường nhưng lại không có một công cụ, rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật hay giá sàn để khống chế nhập khẩu bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Đó chính là lý do giết chết ngành sản xuất cơ khí trong nước.

 

Hậu quả, từ bài toán bất hợp lý đó đã gây tổn thất rất lớn cho ngành kinh tế đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới mục tiêu phát triển ngành cơ khí trong nước cũng như công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Đầu tiên phải kể đến là kim ngạch nhập khẩu ngành cơ khí tăng. Giá trị nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng năm 2000 đạt 4 tỉ USD; năm 2007: 14,8 tỉ USD và năm 2008: 19 tỉ USD, bằng 24% tổng giá trị nhập khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu các sản phẩm cơ khí năm 2007 đạt 2,3 tỉ USD, và năm 2008: 2,9 tỉ USD. Do đó, nếu sản phẩm cơ khí trong nước phát triển, xuất khẩu nhóm hàng cơ khí được đẩy mạnh, chắc chắn sẽ làm giảm rõ rệt tỷ lệ nhập siêu.

Đó là điều đau xót, vì một dự án hàng tỉ USD mà cơ khí VN có thể làm được tới 30-40% dự án, có thể giảm được 300-400 triệu USD nhưng lại không được làm. Trong khi đó TQ hầu hết mang lao động phổ thông sang, công nghệ lạc hậu...

 

Một ví dụ cụ thể như việc tuyển lao động tại Trà Vinh. Đó là cách hiểu biết mơ hồ, không đúng của cơ quan quản lý địa phương. Đây phải hiểu rằng, chính TQ không thuê nhà thầu phụ của VN nên họ không có được lao động của VN chứ không phải họ không tuyển được lao động.

 

Thứ hai, do đấu thầu giá rẻ, những sản phẩm kết cấu thép tại những công trình, công nghiệp của TQ cũng hoàn toàn thấp hơn sản phẩm sản xuất trong nước. Tuy nhiên, chúng ta lại không có đủ năng lực để khống chế được nhà thầu nước ngoài về giá cũng như không đủ năng lực kiểm soát được chất lượng của dự án chưa nói tới tự tin tham gia đấu thầu các dự án lớn.

Nhất là khi chúng ta tham gia TPP, với nền tảng hiện nay sẽ không thể tạo dựng được cho đất nước một nền công nghiệp cơ khí đủ sức đương đầu với tình hình khó khăn, phức tạp hiện nay kể cả về lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

Chính vì vậy, việc VN kêu gọi đầu tư xây dựng những nhà máy hóa chất, khai khoáng thực ra VN đang kích cầu vào quá trình phát triển nền công nghiệp cơ khí của chính TQ chứ không phải ngành cơ khí trong nước.

 

Việt Nam thành bãi đáp, kho chứa bán hàng?

 

Một khó khăn nữa là đầu tư sản xuất tại VN nhưng không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Doanh nghiệp không dám đầu tư vì không có dự án, làm ra không bán được sản phẩm cho ai. Trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu coi VN là bãi đáp, kho chứa để bán hàng.

 

Thực tế, họ cũng đánh giá được thị trường VN tiêu thụ mỗi năm chỉ khoảng 5-7 triệu tấn thép, trong khi đó đầu tư một nhà máy sản xuất thép hàng chục ngàn tỉ đo. Rõ ràng họ chỉ chấp nhận gia công hoặc phải sản xuất rồi xuất khẩu sang nước ngoài như Formosa. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này luôn đòi hỏi phải có cơ chế, ưu đãi mới chấp nhận làm.

Thứ hai, các doanh nghiệp nước ngoài khác khi sản xuất ra cũng không thể cạnh tranh được với Luật đấu thầu giá rẻ của VN.

 

Bên cạnh doanh nghiệp đầu tư và làm cơ khí thực sự như Tập đoàn Doosan Hàn Quốc một phần nhờ họ có thị trường lớn, thứ hai do có công ty mẹ mạnh nên Doosan đã phát triển được.

 

Trong khi đó, TQ lại chủ yếu chỉ đầu tư vào gia công chứ không hề đầu tư vào công nghiệp cơ khí nặng như luyện kim, nhiệt luyện. TQ đầu tư vào cơ khí VN chỉ dưới hình thức là người bán hàng. Tức là, họ biến VN thành nơi lắp ráp, tiêu thụ sản phẩm của chính nước họ và coi VN như bãi đáp, kho chứa hàng. Với cách làm này, TQ đã nghiễm nhiên nhận được rất nhiều ưu đãi cả về cơ chế chính sách lẫn thuế suất trong kinh doanh, sản xuất...

 

Như vậy, dù kêu gọi ưu đãi cho DN nước đầu tư vào sản xuất cơ khí trong nước thực chất là làm gia tăng giá trị cho nước khác chứ VN không được gì. 

 

Mục tiêu hiện đại hóa thất bại

 

Vậy nền cơ khí Việt Nam đang đứng ở đâu?

 

Ông Thụ cho rằng, ngay từ đầu phát triển ngành cơ khí đã không được coi trọng nên không có được quyết sách đúng đắn. Ngành cơ khí là ngành cơ bản, phải coi nó như ngành xây dựng đường, cầu và phải coi ngành cơ khí là nền tảng để phát triển các ngành kinh tế nói chung.

Cơ khí không phát triển đồng nghĩa với công nghệ thông tin không phát triển, công cụ phục vụ nông nghiệp, dệt may, cung cấp máy cho y tế, dân sinh không phát triển. Nhưng vì nó èo uột nên những ngành khác cũng không phát triển.

Vì vậy, lẽ ra lợi nhuận của ngành cơ khí sẽ là cơ sở đóng góp chung cho toàn ngành công nghiệp của đất nước và là ngành then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, cơ khí đã không được quan tâm đúng mức, không được đầu tư.

Ngành công nghiệp cơ khí nặng cũng sớm chết yểu, trong suốt 10 năm nhìn lại, thành tựu lớn nhất của cơ khí VN là: sản xuất được kết cấu kim loại, thứ hai là các chi tiết, phụ tùng tham gia chuỗi toàn cầu như phụ tùng xe máy; thứ ba là máy nông nghiệp nhỏ, máy công cụ; thứ tư, thiết bị ngành điện rất tiến bộ, mình là một trong số ít nước tự chiến biến được biến áp 500kv; thứ năm, công nghiệp ngành đóng tàu...

So sánh với bài học từ Liên Xô, khi giành chiến thắng quân phát xít, hay như Hàn Quốc thời Tổng thống Park Chung Hee đã quyết định đi vay để đầu tư vào sản xuất phát triển chế tạo ô tô.

 

30 năm sau Hàn Quốc đã có một nền công nghiệp cơ bản về cơ khí. Hay như TQ, TRiều Tiên.. họ đều đầu tư vào cơ khí. Còn Việt Nam hiện nay đến cả một cái trục khuỷu ô tô hay ốc vít cũng không thể sản xuất được mà tất cả phải đi nhập, ông Thụ lo ngại nếu cứ tiếp tục làm theo kiểu chắp vá như vậy thì không thể thay đổi được thực trạng nền kinh tế. Cơ khí không phát triển cũng có nghĩa mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa đã thất bại.

"Phải xác định, định hướng được nền kinh đi theo hướng nào, nếu muốn hiện đại hóa, công nghiệp hóa phải cơ khí hóa có công nghiệp chế biến và công nghiệp chế tạo. Nếu không làm được như vậy thì không nên đặt ra mục tiêu là công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà nên chấp nhận là một nước dịch vụ đi làm thuê, xuất khẩu hộ, thiếu thì đi mua chứ không nên đặt mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa", ông Thụ nói.

Điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế đã bị đẩy vào thế bị động, bị phụ thuộc không có năng lực đương đầu với những khó khăn.

Do đó, ông Thụ cho rằng cần phải thức tỉnh phải đầu tư vào cơ khí, phải có luyện thép, chế tạo máy, để làm được như vậy cần phải có quy hoạch phát triển rõ ràng. Quy hoạch đầu vào cũng phải có quy hoạch đầu ra. Có như vậy mới giải quyết được bài toán phát triển ngành cơ khí.

Theo Hiếu Lam

Đất Việt

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *