Đầu tư 23/10/2014 09:05

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói về những đề xuất của Formosa

“Những nội dung Formosa xin ngoài quy định thì Chính phủ sẽ xem xét. Cái gì không hợp lý thì không đồng ý”

Mới đây, có thông tin Formosa xin được giữ lại 30% phí luồng vào cảng mà công ty này đang phải trích nộp cho Nhà nước nhưng chưa trình lên Chính phủ. Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, trao đổi với báo chí về nội dung này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Nếu có trình thì cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam mà làm”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết: “Thực tế những ưu đãi mà Formosa nhận được trong thời gian qua đều theo đúng quy định của nhà nước. Những nội dung họ xin ngoài quy định này thì Chính phủ sẽ xem xét. Cái gì không hợp lý thì không đồng ý”.

Về nội dung Formosa xin được giữ lại 30% phí luồng vào cảng mà công ty này đang phải trích nộp cho Nhà nước hiện chưa trình lên Chính phủ, Phó Thủ tướng cho hay: “Tôi cũng chưa biết thông tin này. Nếu trình thì cứ theo quy định của pháp luật Việt Nam mà làm. Nếu không đúng theo quy định thì không duyệt”.

Trước những lo ngại về việc Formosa được hưởng ưu đãi kịch trần khi đầu tư tại Việt Nam, trong khi việc phát triển nhà máy thép đang được nhiều nước cân nhắc, PTT Hoàng Trung Hải nhận định: “Các nước, họ chỉ bỏ nhà máy bé, có công nghệ lạc hậu thôi chứ to thì ai bỏ”.

Trước việc có nhiều loại công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, nên tạo một rào cản để hạn chế tình trạng này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Việc đóng cửa của Trung Quốc không phải là tạo rào cản. Việt Nam cũng đã có những quy định Bộ Công thương đưa ra như cấm nhập các lò nhỏ. Trên thực tế chúng ta cũng đã có rào cản về môi trường như lộ trình thực hiện Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm phát thải từ hoạt động giao thông là ô tô, xe máy.

Điều này có nghĩa là “Anh muốn làm gì thì làm nhưng phải đảm bảo môi trường. Như vậy đây là rào cản hạn chế công nghệ lạc hậu vào không chỉ giảm nhập khẩu từ Trung Quốc mà kể cả các quốc gia khác” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với đầu tư công, Chính phủ cũng sẽ có chính sách điều chỉnh phù hợp nhưng cũng phải hiểu, trong hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ đa phương nên ta cũng không thể ra quyết định cấm. Trước đây ta đã từng đưa ra chính sách cấm nhưng bị phản đối và phải thay đổi. Ta phải làm đúng theo nguyên tắc của WTO.

Ví dụ như chính sách về đầu tư, Trung Quốc vẫn là thị trường vốn rất lớn không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới. Nhưng sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép ở vùng biển của ta hồi tháng 5, thì chính sách đó rủi ro rất nhiều. Nên chúng ta phải tính toán cơ cấu lại các thị trường, lựa chọn lại. Một số ngành chúng ta có sự điều chỉnh rồi. Ví dụ như Nhà máy điện Vĩnh Tân đã quay sang tìm kiếm vốn từ thị trường Hàn Quốc nhưng Hàn Quốc đáp ứng bao nhiêu thì mình còn phải xem. Nhưng đó là chính sách điều chỉnh cần thiết để giảm tác động rủi ro đến Việt Nam.

Còn đối với việc nhập công nghệ, người đưa ra lựa chọn, thấy hiệu quả hay không là chủ đầu tư. Nhà nước không làm thay được cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp làm và phải chịu trách nhiệm. Có nghĩa là họ chịu trách nhiệm tốt hơn với đồng vốn của mình. Hiện Chính phủ đang sắp xếp lại các doanh nghiệp để nâng cao tính trách nhiệm này.

“Định hướng phát triển công nghệ của Việt Nam theo hướng tiên tiến, nâng cao sức cạnh tranh. Chúng ta mong muốn tốc độ đổi mới công nghệ nhanh hơn như giai đoạn trước, chúng ta đánh giá tốc độ đó chỉ 10% so với mức mà các nước ở trình độ như mình phải đạt 25%. Hiện nay có thúc đẩy hơn nhưng theo như báo cáo chỉ đạt được 13%, chưa đáp ứng nhu cầu mong muốn” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh./.

Theo Vũ Hạnh
VOV.VN
Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *