Đầu tư 12/09/2014 16:06

Phát hành trái phiếu quốc tế: Không phải thích là được!

FICA - Nếu phát hành TP để đảo nợ, Chính phủ khó có thể có được mức lãi suất thấp hơn, mục đích vay mới để trả nợ cũ cũng có thể khiến NĐT quốc tế e ngại.

Với mục đích để đảo nợ hai khoản vay với lãi suất cao 1,75 tỷ USD trong năm 2005 và 2010, Chính phủ vừa tuyên bố về việc sẽ phát hành trái phiếu quốc tế lần thứ ba. 

Theo quan sát của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), động thái này diễn ra trong tình hình vĩ mô Việt Nam đã ổn định như lạm phát và lãi suất tiếp tục xu hướng thấp, đồng thời, CDS (hợp đồng hoán đổi rủi ro) của Việt Nam hiện nay đang ở mức thấp, đạt 184,7 điểm, gần mức đáy của năm 2009 (167 điểm). 

Trước đó, vào năm 2005 và 2010, Chính phủ đã phát hành thành công trái phiếu quốc tế với lãi suất lần lượt là 7,125%/năm và 6,75%/năm. Trong khi đó, mặc dù lãi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Việt Nam liên tục giảm từ đầu năm đến nay (giảm 136,2 điểm cơ bản) còn 7,7%/năm, tuy nhiên, mức lãi suất trên vẫn khá cao nếu so với lãi suất thời điểm năm 2005 và 2010. 

Vì vậy, theo VDSC, nếu phát hành trái phiếu để đảo nợ, Chính phủ khó có thể có được mức lãi suất thấp hơn, bên cạnh đó, mục đích vay mới để trả nợ cũ cũng có thể khiến nhà đầu tư quốc tế e ngại. 

VDSC đánh giá, thời điểm thích hợp để phát hành trái phiếu quốc tế là trong năm sau khi Chính phủ tìm được nhà đầu tư phù hợp và điều kiện vĩ mô cải thiện hơn giúp nâng cao hình ảnh đối với nhà đầu tư quốc tế. 

"Nếu đảo nợ thành công, điều đó sẽ tốt hơn cho Việt Nam, dù rằng đây chỉ là một biện pháp kỹ thuật để kéo dài thời gian trả nợ" - VDSC nhận định.

Mai Chi

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *