Đầu tư 15/06/2018 15:43

Nhà thầu bị Mỹ cấm vận… dự án tỷ đô Việt đề xuất phương án ‘lùi’

3 phương án lùi được chủ đầu tư đưa ra là dự án sẽ chậm tiến độ trong 22 tháng, 24 tháng, hoặc 42 tháng để nhà thầu phụ có giải pháp xử lý phù hợp.

Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh). Dự án đang được áp dụng cơ chế đặc thù, nằm trong chương trình hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật giữa hai Chính phủ Liên bang Nga và Việt Nam.

Khởi công xây dựng từ đầu năm 2011, Nhiệt điện Long Phú 1 nằm trên địa bàn huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng do PVN làm chủ đầu tư, với tổng giá trị 1,2 tỷ USD, công suất lắp đặt 1.200 MW trên diện tích xây dựng 115ha. Khi hoàn thành đưa vào vận hành, hàng năm nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ Kwh điện.

Theo dự kiến, Long Phú 1 sẽ hoàn thành, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2014, tổ máy 2 vào năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch kể trên đã không thể thực hiện được và hiện tiến độ dự án đã bị chậm hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra.

Trong báo cáo mới nhất của mình gửi các bộ ngành chức năng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho hay so với mục tiêu ban đầu, dự án Long Phú 1 đã chậm hơn so với tiến độ là 18 tháng. Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư của dự án được lập năm 2010 với mặt bằng giá thời điểm 2009 đến nay cũng không còn phù hợp.

Một trong các nguyên nhân khiến tiến độ bị chậm theo PVN là do nhà thầu Power Machines (PM - Nga) bị đưa vào danh sách các công ty bị cấm vận bởi Bộ Tài chính Mỹ từ ngày 26/1/2018. Vì vậy, việc thực hiện công việc của hợp đồng EPC của liên danh nhà thầu PM bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ tiến độ dự án tiếp tục chậm thêm.

Hiện, phía PM ước tính, chi phí phát sinh do ảnh hưởng của Lệnh cấm vận của Chính phủ Mỹ vào khoảng 50 triệu USD.

Hiện, PVN đã yêu cầu PM có báo cáo làm rõ tình trạng của các hợp đồng với nhà thầu phụ gồm các thông số cơ bản như kết quả thực hiện, tiến độ hoàn thành, giá trị thanh toán. Với khó khăn hiện tại, PM cũng cần phương án giải pháp cụ thể đối với từng trường hợp, từng công việc.

Liên quan đến tiến độ dự án, nhà thầu PM đã đề xuất 3 phương án thực hiện, gồm phương án thứ nhất, nếu Chính phủ Mỹ chấp nhận để nhà thầu phụ General Electric (Mỹ) tiếp tục thực hiện hợp đồng với PM từ 1/6/2018 thì tiến độ dự án sẽ chậm khoảng 22 tháng. Trường hợp thứ 2, Chính phủ Mỹ chấp thuận để GE chuyển giao hợp đồng thầu phụ từ tháng 6/2018 thì tiến độ chậm của dự án sẽ vào khoảng 24 tháng.

Còn trường hợp thứ 3, Chính phủ Mỹ không chấp nhận để GE tiếp tục thực hiện hợp đồng thầu phụ thì thời gian để PM hoàn thành công tác đàm phán, lựa chọn nhà thầu phụ mới và thực hiện công tác thiết kế, chế tạo, vận chuyển sẽ kéo dài 36 tháng. Cộng thêm thời gian để các bên phê duyệt (khoảng 6 tháng nữa), thì tiến độ dự kiến sẽ chậm khoảng 42 tháng.

PM đang thiên về phương án thứ 2 vì cho rằng sẽ khả thi hơn so với 2 phương án còn lại. Theo PM phương án 2 sẽ có lợi cho tất cả các bên liên quan.

Trước đó, theo báo cáo của liên danh PM & PTSC, lệnh cấm vận của Bộ Tài chính Mỹ đối với nhà thầu PM có ảnh hưởng nghiêm trọng và tiêu cực đến tất cả các công việc thiết kế, mua sắm, chế tạo và thi công xây dựng của dự án, tiếp tục gây chậm trễ tiến độ của dự án.

Do PM bị cấm vận nên các ngân hàng quốc tế thông báo không thể tiếp tục tài trợ vốn cho dự án theo các kết quả đàm phán đã được Tập đoàn Dầu khí và các ngân hàng thống nhất, với số tiền khoảng 780 triệu USD. Hiện ngân hàng chỉ có thể thu xếp phần vốn cho hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc xuất xứ từ Nga.

Cụ thể, ngân hàng VEB của Nga thông báo có thể thu xếp khoảng 220 triệu USD, ngân hàng IIB có thể xem xét khoản vay tối đa là 100 triệu USD và không yêu cầu bảo lãnh của Chính phủ.

H.Anh

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *