Đầu tư 23/03/2015 07:58

Nhà nông thời hội nhập

Với gần 80% dân số sống bằng nghề nông, hình ảnh về nông dân Việt Nam trước đây gần như sống nghèo khó, lạc hậu. Thời hội nhập, nông sản xuất khẩu đòi hỏi phải chứng minh được nguồn gốc và tính bền vững, buộc phải đổi thay.

Ông Phúc giới thiệu sản phẩm của nông dân Ea Kiết (ảnh to); Cà phê Moka vàng do anh Khanh phát hiện, nhân giống ở Cầu Đất (ảnh nhỏ).Ông Phúc giới thiệu sản phẩm của nông dân Ea Kiết (ảnh to); Cà phê Moka vàng do anh Khanh phát hiện, nhân giống ở Cầu Đất (ảnh nhỏ).

Một thế hệ nông dân mới giàu tri thức, kỹ năng cùng mối liên kết chín muồi giữa “nhiều nhà” đang cùng tạo nên cuộc “cách mạng xanh” đầy ý nghĩa.  

Kỳ I - Từ những cây xuất khẩu tỷ USD

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chật vật, kim ngạch xuất khẩu nông sản riêng 7 loại cây trồng chủ lực ở nước ta năm 2014 đã đạt tới 14,25 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Trong đó, dẫn đầu là cà phê 3,62 tỷ USD; Gạo- 3,04 tỷ; Điều- 2 tỷ; Cao su - 1,8 tỷ; Rau quả - 1,47 tỷ; Tiêu- 1,2 tỷ; Sắn - 1,12 tỷ USD. Tuy đều vượt mốc tỷ USD, nhưng tiềm năng, thành quả, và dư địa - khoảng trống còn lại để tiếp tục điều chỉnh, phát huy của mỗi ngành, rất khác.

Hành trình lên ngôi của nông sản

Cà phê trở thành hàng nông sản xuất khẩu số 1 trong số các loại cây trồng của cả nước, là kết quả tất yếu của quá trình đầu tư nhiều thập kỷ, với vô số điều chỉnh công phu, hợp lý và chặt chẽ, từ quy trình kỹ thuật đến phương thức quản lý, góp phần nâng cao dần năng suất, chất lượng, tạo đầu ra thuận lợi cho sản phẩm. Thời internet phủ sóng tới mọi ngõ ngách, người trồng cà phê năng động nào bây giờ cũng có thể nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ “nhiều nhà” liên quan: Chủ trương chính sách của Nhà nước; Giống mới cao sản và kỹ thuật thâm canh của nhà khoa học ở các viện nghiên cứu và bộ máy khuyến nông; Sự quan tâm đầu tư vùng nguyên liệu của các nhà doanh nghiệp; Nguồn vốn vay từ ngân hàng (nhà băng); Nguồn thông tin dồi dào từ các nhà đài, nhà báo!

Tuy vậy, trị giá kim ngạch của cà phê Việt được dự báo còn gấp chục lần hiện nay, trên mục tiêu tăng dần chế biến sâu, hạn thế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô, xây dựng thêm nhiều thương hiệu đủ sức cạnh tranh toàn cầu.

Tương tự, hồ tiêu tuy xếp gần cuối hàng, nhưng nhờ năng suất, chất lượng vô địch, mà gia tăng lợi nhuận đáng kể, nhanh chóng đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới về loại hạt gia vị này. Rau quả lên ngôi với nhiều tiến bộ không ngừng về khoa học kỹ thuật. Rau không chỉ ở Lâm Đồng và khu nông nghiệp công nghệ cao các thành phố lớn, mà còn len vào tận vùng xa xôi heo hút như huyện Đắk Glong-Đắk Nông, Kon Plông - Kon Tum. Ở đây có sự xuất hiện và lao động thực thụ của các trí thức trẻ và nông dân nội địa, các chuyên gia nông nghiệp đến từ Israel, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…

Cũng là sắn, nông dân Tây Ninh đã thông thạo kỹ năng thâm canh, mạng lưới nhà máy chế biến hiện đại đủ bảo đảm thu mua ổn định, thì đó là cây làm giàu. Còn những nơi trì trệ kiểu tận thu một chiều lạc hậu, sắn vẫn chỉ là cây xóa đói. Gạo, cao su tuy doanh số và diện tích lớn nhưng công nghệ lẫn giao dịch thương mại, tiếp cận thị trường vẫn còn trì trệ khiến mức sống người lao động còn thấp. Điều năng suất kém, diện tích ngày càng giảm, phải nhập khẩu quá nửa lượng hạt thô để chế biến.

Trồng hoa trong nhà lưới ở Kon Plông- Kon Tum.
 

Liên kết đầy trách nhiệm

Thời hội nhập, để có sức cạnh tranh, nông sản nào cũng phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí sạch, ngon, số lượng lớn, giá thành hạ, chiến lược thị trường tốt. Để đạt được điều đó, nông dân buộc phải giã từ kiểu nông nghiệp truyền thống dựa vào kinh nghiệm, mạnh ai nấy làm, để tham gia xây dựng chuỗi liên kết mới, bảo đảm đủ các khâu: quy hoạch- cung ứng giống- vốn- kỹ thuật-sức lao động- chế biến sau thu hoạch- xây dựng thương hiệu- tiếp thị thương mại- bao tiêu sản phẩm.

Nhiều nơi lần lượt xuất hiện những mô hình nông nghiệp công nghệ cao do chuyên gia xây dựng, truyền bá, nông dân tiếp thu rồi thực hiện thành công. Mô hình và những sáng tạo mới này có giá trị cổ vũ nhiều người khác tự mở cho mình hướng đi mới.

Trong sản xuất cà phê, sau những chuyến đi thực tế về vùng nguyên liệu, rồi dự cuộc gặp gỡ giao lưu đầu tiên với các thành viên tiêu biểu mạng lưới “hợp tác xã thương mại công bằng” (HTXTMCB) trên các tỉnh Tây Nguyên tại Buôn Ma Thuột giữa tháng 3 này, tôi được nghe nhiều chia sẻ thú vị.

Ông Nguyễn Văn Phúc là “nông dân chính hiệu” ở xã vùng sâu, đường đất bụi mù cách Buôn Ma Thuột hơn 70km. Năm 2010, ông Nguyễn Văn Phúc đã liên kết hàng trăm hộ có rẫy cà phê thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Công bằng Ea Kiết (huyện Cư Mgar- Đắk Lắk). Được Ngân hàng ADB và Cty Cà phê Đắk Man bắt tay tài trợ một dàn máy sơ chế cà phê ướt, trị giá gần 6 tỷ đồng, Hợp tác xã này dành dụm xây thêm nhà kho, sân phơi, đủ điều kiện sản xuất cà phê sạch chất lượng cao. Sản phẩm làm ra được doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ với giá cộng thêm vài chục USD mỗi tấn, mọi thu chi của hợp tác xã luôn công khai trước toàn thể xã viên.

Ông Phúc cho biết: Với mối liên kết chặt chẽ này, nông dân chúng tôi hiểu rõ cơ hội tiếp cận tốt với người tiêu dùng toàn cầu không chỉ ở chất lượng sản phẩm, cách canh tác gìn giữ sự trong sạch cho môi trường, mà còn bao gồm những tiêu chí về nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, yếu tố đạo đức, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những nhóm người yếu thế trong xã hội, như dân nghèo vùng sâu được chú ý.

Từ HTXTMCB thành công ở Ea Kiết, mô hình được tiếp tục nhân rộng. Riêng ngành cà phê có thêm các hợp tác xã nữa được thành lập ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, với hơn 500 hộ nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số tham gia, xuất khẩu khoảng 3.500 tấn/năm, tương ứng với nguồn quỹ phúc lợi khoảng 1,3 triệu USD/vụ được hệ thống Fairtrade bảo đảm. Ngoài ra, các HTXTMCB cho những mặt hàng nông sản khác như trà, điều, gạo, chanh leo cũng tiếp tục được thành lập v…v… thể hiện phương thức cộng sinh mới đầy trách nhiệm giữa các tổ chức thương mại, xã hội, doanh nghiệp với nông dân. 

Anh Võ Khanh (SN 1972, nông dân vùng Cầu Đất, xã Xuân Trường, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) giới thiệu với tôi một loại cà phê Moka rất đặc biệt, ít người biết: Khi chín, trái không đỏ mọng như mọi giống cà phê khác mà lại ngả sang màu vàng tươi rực rỡ. Anh kể: Loài cà phê vàng này sót lại hiếm hoi từ những đồn điền người Pháp trồng hàng trăm năm trước. Tôi tìm kiếm di thực về vườn được vài chục cây, năng suất tính ra cỡ 3 tấn nhân/ha. Yên tâm với lợi nhuận bảo đảm cuộc sống từ HTX TMCB, tôi đã nghiên cứu, nhân giống, đang ươm hạt đủ trồng 1 ha vào năm tới. Nhiều bạn hàng khen chất lượng tốt, có bao nhiêu họ mua hết với giá 150.000 đồng/kg cà phê nhân, gấp rưỡi giá cà phê Arabica, cao hơn 3 lần giá cà phê Robusta mà Việt Nam đang xuất khẩu nhiều nhất thế giới.

Theo Hoàng Thiên Nga

Tiền Phong 

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *